Đề xuất về cải tiến thi cử của Bộ GD-ĐT vừa đưa ra khá ấn tượng: Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ yêu cầu giải quyết một vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội – nhân văn và khoa học tự nhiên, hoặc có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn.
Bộ GD-ĐT vừa thông tin, sau năm 2015, trong điều kiện và hoàn cảnh nước ta, có thể đề xuất hướng đổi mới thi – công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ như sau:
Đề thi không chỉ tập trung vào việc đánh giá học sinh biết cái gì mà quan trọng hơn là đánh giá học sinh làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực người học. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo… của học sinh.
Việc thi – công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT) và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh).
Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục THPT theo hướng tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh học tiếp sau giáo dục phổ thông bằng cách có ít môn học bắt buộc, có nhiều môn học hoặc chủ đề để học sinh tự chọn; Đồng thởi triển khai phong phú các hình thức kiểm tra, thi và đánh giá trong quá trình dạy học, việc công nhận tốt nghiệp THPT phải dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn/ lĩnh vực học tập nào thì đánh giá kết quả đạt chuẩn đầu ra môn/ lĩnh vực đó; kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực/ môn học để giải quyết một vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội – nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn.
Về tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng: Dựa vào kêt quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/ thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
Vẫn chưa chắc chắn về hiệu quả
Ban soạn thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” đánh giá, việc đổi mới như trên sẽ khắc phục được cơ bản những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện hành. Kết quả kiểm tra, đánh giá thực chất hơn, công bằng, khách quan và trung thực hơn; giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém của một số kỳ thi; tác động tích cực trở lại việc dạy và học.
Tuy nhiên trong giáo dục phổ thông nước ta khoa học đánh giá còn lạc hậu, trình độ tổ chức đánh giá và quản lý, sử dụng kết quả còn thấp; năng lực giáo viên và cán bộ nghiên cứu đánh giá còn hạn chế; thói quen và tâm lý học ứng thí, trọng bằng cấp còn nặng nề…. Do đó cần phải có quyết tâm và các giải pháp phù hợp của các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục, của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thì việc đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá theo định hướng trên mới có hiệu quả.
Theo: Vietnamnet