Phân chia từng giai đoạn để ôn thi hiệu quả hơn 22/11/2013 16:32:00
Giai đoạn ôn thi là giai đoạn cuối cùng quyết định đến điểm số của kì thi. Bạn sẽ đạt kết quả tốt nếu có một kế hoạch cụ thể và sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
 
Thật tuyệt vời nếu bạn đã học chăm chỉ suốt kì và có kiến thức vững vàng. Nhưng nếu bạn đã bỏ phí nhiều thời gian trong quá trình học thì đây là lúc bạn phải hoạt động. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản giúp bạn ôn thi hiệu quả.

Đánh giá trung thực kiến thức hiện tại của bạn

Bạn cần đánh giá kiến thức hiện tại thật trung thực. Dù bạn đã bỏ lỡ rất nhiều tiết học, không đọc đầy đủ các kiến thức cần thiết trong tài liệu, làm ít bài tập,…thì cũng đừng nên lảng tránh sự thật. Bạn cần sử dụng thời gian còn lại thật hiệu quả để bù đắp khối lượng kiến thức cần thiết cho kì thi. Lảng tránh sẽ khiến tình trạng càng tồi tệ hơn. Bạn đọc kĩ đề cương ôn tập của môn học, lập một danh sách những kiến thức liên quan. Cuối cùng, bạn hãy đánh dấu phần kiến thức bạn bỉ hổng, không chắc chắn. Đó chính là khối lượng kiến thức bạn cần bù đắp trong giai đoạn ôn thi.
 

Chuẩn bị tinh thần

Bạn đừng từ bỏ mọi hy vọng cho dù tình trạng của bạn có tồi tệ đến đâu. Với một kế hoạch cụ thể và phương pháp tốt, bạn vẫn có cơ hội để tạo ra một vài điều bất ngờ. Bạn không thể ôn thi hiệu quả nếu bạn lo sợ. Bạn không thể lấy lại khoảng thời gian đã bỏ lỡ vì vậy hãy nhìn thẳng vào sự thật và cố gắng vượt qua khó khăn. Bạn cần bình tĩnh, có phương pháp khắc phục và hình dung một kết quả tích cực. Bạn cũng cần ăn uống điều độ, bổ sung các chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể và ngủ đủ giấc để có tinh thần tốt phục vụ cho giai đoạn ôn thi căng thẳng.

Lập kế hoạch

Thời gian còn lại là quá ít so với cả kì học. Vì vậy, bạn không thể học hết tất cả kiến thức trong cả kì mà chỉ có thể ôn lại những điểm chính hoặc bổ sung một vài kiến thức quan trọng cần thiết cho kì thi. Bạn hãy lên một kế hoạch cụ thể cho từng ngày ôn luyện. Bạn hãy học phần kiến thức quan trọng nhất thật kĩ với khối lượng tài liệu vừa phải. Việc này sẽ rất khó thực hiện bởi vì bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều lỗ hổng kiến thức. Quyết định học phần kiến thức nào sẽ trở thành một vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, bạn cần kiên quyết từ bỏ một số phần kiến thức để củng cố phần kiến thức quan trọng hơn. 

Tuân thủ đúng kế hoạch

Bạn cần tuân thủ kế hoạch một cách tuyệt đối vì thời gian còn lại của bạn là rất ít. Bạn phải chống lại những cám dỗ khiến bạn xao nhãng kế hoạch. Bạn hãy cách ly điện thoại, máy nghe nhạc, ti vi, điện thoại, từ chối những cuộc hẹn,… để tập trung cho giai đoạn quyết định này. Bạn cần cam kết thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra, giữ vững những ưu tiên và thời gian biểu. Bạn cần một danh sách những vấn đề mà bạn muốn tập trung sau đó thu thập tài liệu liên quan và bắt đầu học ngay lập tức.
     
Bạn cần đọc kĩ tài liệu cho đến khi thông suốt, nếu bạn không tập trung năng lượng mà chỉ đọc lướt tài liệu, bạn đang lãng phí thời gian cũng như tự tạo thất bại cho chính mình. 
 

Trước ngày thi

Hai ngày trước khi thi, bạn không nên học những vấn đề mới mà nên ôn lại những điểm quan trọng. Bạn cần đọc to, viết, lập sơ đồ tóm tắt,… thực hiện một vài hoạt động để lấy lại thông tin.

Buổi tối trước ngày thi bạn hãy nghỉ ngơi, đừng nhồi nhét thêm bất cứ phần kiến thức nào. Bạn đã cố gắng hết sức rồi, vì vậy hãy thư giãn và hình dung một kết quả khả quan. Tâm lý tốt sẽ khiến bạn làm bài tốt hơn. Dù học tập căng thẳng, bạn cũng đừng quên nghỉ ngơi, thư giãn và ăn uống tốt.

Thời gian ôn thi là thời điểm mà bạn phải học tập với cường độ mạnh và bị thúc ép, áp lực cao. Đồng thời, đây cũng là thời điểm bạn nhận ra năng lực tiềm ẩn của bản thân. Bạn hãy áp dụng những nguyên tắc phía trên và tận dụng thời gian thật hiệu quả để có được kết quả thi tốt nhất nhé. 


(Theo: Tri thức)