Đọc xong bức thư đầy phẫn uất nhưng cũng tha thiết với nghề của cô giáo thi viên chức Dương Thị Ánh, bạn đọc ký tên Nga (ngonga273***@gmail.com) viết:
Đọc thư của em Ánh mà rớt nước mắt, nhiều lần phải dừng lại để khỏi quá xúc động ảnh hưởng đến đồng nghiệp cùng phòng. Quá thương cảm cho hoàn cảnh, cho một ước mơ bình dị và trong sáng. Mong Ánh sẽ sớm trở thành cô giáo (tôi tin chắc chắn là như vậy), cũng mong Giaoduc.net.vn tiếp tục đồng hành và là chỗ dựa cho những người như Ánh.
Email xúc động của bạn đọc ký tên Nga.
Tương tự, bạn đọc Vũ Minh Thắng (vuminhthang10***@gmail.com) viết: "Anh đọc lá thư của em, anh thấy rất cảm động, vì anh cũng thấy xã hội này rất nhiều người muốn được "làm người" không dễ dàng chút nào. Xã hôi ta đang hình thành rất nhiều loại sâu bọ, nó đang phá hỏng sự vươn lên của một dân tộc đầy khát vọng.
Anh thiết nghĩ, nếu sự thật đúng như em trình bày thì ông Chủ tịch không thể làm ngơ, và có lẽ em cũng chỉ là một trong nhiều nhiều người có chung cảnh ngộ. Hãy tự tin vào cuộc sống, hãy tiếp tự nuôi dưỡng giấc mơ trong sáng của em. Anh nghĩ, những loài sâu bọ dù nằm trong đống gai góc nhưng chúng sẽ bị tiêu diệt. Âu đó cũng là qui luật em ạ".
Bạn đọc tên Cương (giumaimottinhyeu***@yahoo.com) động viên và nhắn nhủ: "Cô hãy cố lên! Cô không được lùi bước! Cô không được từ bỏ! Nền giáo dục nước ta cần có những người có tâm huyết nghề như Cô. Cô hãy là người tiên phong. Hiện tại chỉ mình Cô và em tin sau này sẽ có nhiều cô Ánh nữa vì một nền giáo dục tốt.Em cũng như mọi người sẽ luôn dõi theo và ủng hộ Cô.
Dương Thị Ánh (giữa) hiện là giáo viên hợp đồng tại một trường THCS, chưa được vào biên chế ngành giáo dục. Trong ảnh là cô cùng 2 học trò trong đội tuyển thi học sinh giỏi.
Cùng tham gia kỳ thi tuyển viên chức ở Vĩnh Phúc cuối năm 2012, bạn đọc Nguyễn Văn Thưởng chia sẻ: "Chúc bạn có thật nhiều nghị lực để vượt qua, mình cũng là người tham gia kỳ thi này! Nhưng mình may mắn hơn bạn là mình thi ở Phòng (phòng giáo dục huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc - pv), và theo mình biết thì không phòng nào tính sai điểm cả. Mình đã rất xót ruột vì phải chờ đợi quyết định, nhưng chờ mãi cũng không thấy gì! Giờ thì mình sẽ chờ cùng bạn luôn! Chúc bạn tìm được công bằng sớm nhất!
Bạn đọc tên Thanh (thuanphat.thanh***@gmail.com) thì gợi mở: "Hãy cố lên bạn nhé, mình cũng làm trong ngành giáo dục. Có cơ hội bạn vào phía Nam, ở trong này mình nghĩ ít "hành" như ngoài miền Bắc và Trung. Quê mình ở Thanh Hóa, cũng gần như bạn thôi".
Bạn đọc Anh Kiệt (anhkiet60***@gmail.com) nhắn nhủ: "Lãnh đạo tỉnh và Giám đốc Sở hãy chứng tỏ rằng bấy lâu nay các vị xứng đáng ăn lương từ thuế của người dân. Chúc cháu thành công. Hết mưa là nắng hửng lên thôi, hết hy vọng ta vẫn hy vọng cháu ạ. Cả xã hội không phải ai cũng vô cảm hết đâu cháu ạ. Tiếng nói của cháu sẽ được những người có lương tri ủng hộ".
"Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự vô cảm và tráo trở đang ngày càng tăng lên, người ta tráo trở đến mức khi đã có hướng dẫn cụ thể bằng một văn bản của Chính phủ, sự tráo trở này chỉ có thể giải thích bằng sự vô cảm trước ước mơ của một cô giáo, sự vô cảm của chính Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc và chính chúng ta.
Trong khi cả nước đều tuyển dụng viên chức theo đúng cách tính điểm tại Nghị định 29 thì không lẽ gì Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc lại làm khác, nếu đã làm khác thì có nghĩ đã chống lại văn bản của Nhà nước, vi phạm pháp luật, nếu đã vi phạm pháp luật thì phải được xử theo pháp luật, có như vậy mới làm gương cho những người khác thực hiện pháp luật đúng hơn", bạn đọc Phan Mạnh Hiền (phanmanhhien***@gmail.com) chiêm nghiệm.
Kể câu chuyện của mình, độc giả Đinh Phương bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với Dương Thị Ánh: "Chào cô giáo! Xin được chia sẻ cùng cô giáo (mặc dù cô chưa vào ngành nhưng học sư phạm như tôi và cô thì đã là thầy, cô rồi).
Cách đây 15 năm, tôi cũng như cô giáo, mới rời trường sư phạm, non nớt, lo âu và đầy nhiệt huyết nhưng tôi may mắn hơn một chút là không phải chạy vạy xin việc, tôi đã đến 1 trong những trường khó khăn nhất của huyện để nhận việc, cống hiến để rồi bây giờ (sau 15 năm) tôi cũng đã có được những thành công nhất định trong ngành.
Khi đọc 14 bài viết của báo GDVN và đặc biệt là bức tâm thư của cô giáo tôi thật sự cảm động, bức xúc và buồn. Cảm động vì tấm nhiệt huyết của cô với ngành, vì sự thẳng thắn đấu tranh; bức xúc vì cách làm của CBCV Sở và buồn vì sự yếu kém của CV sở - người tham mưu cho lãnh đạo Sở, và buồn hơn nữa là 1 việc như vậy, có tới 14 bài viết phân tích, mổ xẻ... mà lãnh đạo Sở không giải quyết cho đúng được. Mong rằng Sở NV và lãnh đạo tỉnh sớm có hướng chỉ đạo kịp thời, lấy lại niềm tin cho các thầy cô giáo. Chúc cô giáo mạnh khỏe, tràn đầy niềm tin và sớm được đứng trên bục giảng. Trân trọng!"
Không cầm được nước mắt, bạn đọc Lê Trần Thế (letranthe***@gmail.com): " Tôi không phải là sắt đá, mà tôi là một con người có da có thịt, có trái tim, biết đau đớn, biết tủi cực. Dù các chú không phải là người thân của tôi nhưng các chú cùng sinh ra trên mảnh đất Vĩnh Phúc sao không hiểu nỗi thống khổ của đồng loại chứ? Đọc đến đây tôi (cũng là 1 giáo viên) đã không cầm được nước mắt. Tại sao thế? Tôi cũng không giải thích được. Họ không đau với nỗi đau của đồng loại? Bố Cô đã từng một thời hy sinh xương máu để cho đất nước này thanh bình mà. Hy vọng vào một sự sáng suốt của các cấp lãnh đạo Tỉnh".
Bi quan hơn, bạn Trần Văn Điền (tdien14***@yahoo.com.vn) khuyên: "Chào em! Em ơi chỉ vì em quá yêu nghề giáo thôi, chứ công sức của em như vậy quả là có vào được ngành cũng chẳng xứng đâu. Biết đâu vào rồi em lại ước giá như không vào......?!
Còn về Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc việc đó là bình thường. Thời gian nộp hồ sơ chuyên cái kiểu cuối tuần này và đầu tuần sau (vướng mất 2 ngày nghỉ không kể có ngày lễ, cuối tuần thì cán bộ về sớm, đầu tuần thì cán bộ đi công tác chưa về kịp...) Kiếm nghề khác đi em ạ, tuy khó nhưng khối nghề khác kiếm được bằng lương giáo viên mà không gò bó. Chúc em may mắn"!
Một bạn đọc đặc biệt ký tên "Đồng nghiệp và đồng môn với em" (long48***@gmail.com) viết: "Tôi cũng là một sinh viên cùng trường và cùng khóa với cô Ánh. Tôi đã được Sở GD&ĐT ở quê xét vào biên chế mà không gặp rắc rối gì. Phải chăng Sở GD quê tôi làm sai quy chế? Và như tôi được biết cả nước đâu cũng như vậy, trừ tỉnh Vĩnh Phúc.
Một là đồng chí cán bộ phòng tổ chức ở Sở GD nhầm lẫn, hay là trình độ kém? Và điều đó lãnh đạo Sở GD không biết. Hai là Sở GD có một quy chế riêng, một luật giáo dục riêng hay luật ngầm gì đó. Mong rằng Bộ sẽ vào cuộc để nói rõ đúng sai thế nào. Nếu đúng là Sở GD Vĩnh Phúc sai thì xin cho các cụ ấy về quê đi. Để chỉ làm khổ dân thôi".
Theo Giaoduc.net.vn