Chuyện con kiến, cậu bé và phương pháp giảng dạy 10/06/2013 14:47:31
Với một đoạn video đơn giản thể hiện tình huống tương tác giữa con kiến và một cậu bé, nhưng dưới sự hướng dẫn khéo léo của giáo viên, học sinh được tranh luận, phát huy tối đa sự sáng tạo trong ý tưởng - Đây là một giờ học tích hợp khiến nhiều người phải suy nghĩ.
 
 Một giờ học tại Trường tiểu học Tiền Phong (Hà Nội)
 
Tiết học đặc biệt

Câu chuyện một giờ học tại trường học Úc được PGS.TS.Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí (ĐHSP Hà Nội) kể lại.

Bắt đầu giờ học, giáo viên cho chiếu đoạn video ngắn về xã hội loài kiến. Sau đó, có tình huống một cậu bé đứng dưới gốc cây, phát hiện dưới chân mình có tổ kiến. Một con kiến giơ càng lên nhìn cậu bé, cậu bé cũng nhìn lại chú kiến nhỏ. Đoạn video dừng lại ở đó.

Hai câu hỏi đầu tiên được giáo viên đặt ra: Cậu bé nghĩ gì? Con kiến nghĩ gì?

Học sinh được chia thành các nhóm từ 4 - 5 người để thảo luận. Giáo viên quan sát, lắng nghe, nắm bắt ý kiến, suy nghĩ của từng học sinh; sau đó đưa ra hai câu hỏi tiếp theo: Cậu bé làm gì? Con kiến sẽ hành động như thế nào?

Trong quá trình tranh luận, các học sinh vỡ ra nhiều điều và được trải nghiệm những tương tác. Cuối cùng, đại diện mỗi nhóm viết lên quan điểm của mình và báo cáo trước lớp. Giờ học diễn ra với rất nhiều phản hồi, cô giáo quan sát hoạt động của từng học sinh, sau đó đưa ra những nhận xét, đánh giá theo hướng động viên, tích cực.

Theo PGS.TS.Nguyễn Công Khanh, đây chính là cách dạy học theo hướng tiếp cận quá trình và phát triển năng lực của người học. Giờ học này tích hợp được rất nhiều thứ, chứa đựng trong đó cả phương pháp, cả những triết lý giáo dục.

Đâu là yếu tố quan trọng nhất? 

PGS.TS.Nguyễn Công Khanh cho rằng xu hướng chung trên thế giới hiện nay không coi trọng nội dung kiến thức trong quá trình dạy học, bởi nội dung kiến thức đã có trong sách giáo khoa, trong nhiều tài liệu tham khảo. Học sinh có thể tìm kiếm thông qua các kênh thông tin.

Vậy, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình dạy học trên lớp?

PGS.TS.Nguyễn Công Khanh khẳng định: Đối với người thầy, đó chính là phương pháp và các kỹ thuật giảng dạy. Phương pháp ấy ngoài được chọn lựa phù hợp với môn học, đối tượng học sinh còn phải được thực hiện nhuần nhuyễn để với lượng thời gian ít ỏi trên lớp vẫn có thể đạt được mục tiêu dạy, kích thích người học tự học và người học tích cực hóa trong quá trình học.

Đối tượng học sinh rất đa dạng, có em học chủ động, nhưng cũng có em còn thụ động, có em phát triển trội về mặt ngôn ngữ, có em lại thông minh hơn ở tính toán suy luận logic... Nhiệm vụ của giáo viên là làm cho quá trình nhận thức của mỗi đối tượng học sinh được vận dụng tối đa nhằm khám phá tri thức từng bài học; làm cho các em được trải nghiệm tri thức; nhận ra những điểm mình còn đang thiếu, những sai sót thông qua phản hồi, đánh giá.

Trong mỗi giờ học, giáo viên cần tổ chức cho học sinh thực hiện những hoạt động, trên cơ sở những hoạt động ấy làm cho học sinh khám phá, trải nghiệm, tương tác, để rồi làm chủ được tri thức, kỹ năng. Khi đó, từ học sinh kém, trung bình, giỏi đều được kích hoạt và cuối cùng, mỗi em đều thu nhận được ở góc độ của mình, đều tự biến đổi bản thân.

Đó chính là cách dạy học dựa trên tiếp cận quá trình. Cách dạy học này sẽ hỗ trợ quá trình hình thành năng lực học của học sinh. Năng lực học ấy sẽ theo các suốt đời. Đấy mới chính là cái chúng ta hướng đến.

"Khi xây dựng mục tiêu và định hướng theo nội dung, kiến thức thì có xu hướng nội dung nào, mục tiêu nào cũng quan trọng, từ đó, sẽ đưa thêm nhiều mục tiêu, nhiều nội dung vào, dẫn đến quá tải.

Khi quá tải rồi, giáo viên chỉ còn thời gian truyền thụ tri thức mà không có điều kiện áp dụng đổi mới phương pháp" - PGS.TS.Nguyễn Công Khanh.

(Theo: Hiếu Nguyễn/Giáo dục và thời đại)