Tốt nghiệp 2013: Chưa phát hiện 'Đồi Ngô' 05/06/2013 10:09:37
Quy định cho thí sinh mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi, phao thi, đề thi "mở" là những vấn đề được đưa ra trong cuộc họp báo chiều 4/6 tại Bộ GD-ĐT sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.
 
Không trút gánh nặng lên trò

Đánh giá về quy chế cho thí sinh mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi, theo ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT: “Quy định đã đạt được mục đích là đặt ra thêm kênh giám sát cho thí sinh.Thực tế cho thấy, TS vi phạm quy chế đều do cán bộ coi thi phát hiện xử lý, với tinh thần trách nhiệm cao hơn song một phần là do có thiết bị giám sát”.
 
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. (Ảnh: Văn Chung)
 
Một số phóng viên băn khoăn “phải chăng Bộ đẩy trách nhiệm phát hiện tiêu cực cho thí sinh? Tại sao không lắp camera trong phòng thi? Về kinh phí, Bộ có tính toán để TƯ lo hay cần sự giúp đỡ thêm của các địa phương?”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Bộ không trút gánh nặng lên TS, học sinh không buộc phải giám sát. Việc của TS là làm bài. Tuy nhiên các em được quyền giám sát. Chuyện này không có gì nặng nề cả. Với giám thị, áp lực chính là không được phép lơ là”.

Về việc lắp đặt camera, Thứ trưởng nói rằng môi trường giáo dục có yếu tố riêng, không phải chỉ giám sát mà còn là giáo dục mọi người cùng có ý thức trách nhiệm.

“Hiệu quả ghi âm ghi hình để ngăn chặn là chính chứ không phải tác dụng phát hiện. Tới nay, Bộ chưa phát hiện nghiêm trọng như sự việc tiêu cực thi cử như tại Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012” – Thứ trưởng cho biết.

Đề văn năm sau hay hơn năm trước

Liên quan đến câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi Ngữ văn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Việc ra đề mở thì đáp án cũng mở, quan trọng là TS lập luận chặt chẽ để đạt điểm cao. Vấn đề chuẩn mực đạo đức khác nhau song chúng ta không áp đặt cho bạn trẻ”.
 
Không khí buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. (Ảnh: Văn Chung)
 
Với một câu hỏi đặt vấn đề về một câu chuyện cụ thể, không bàn về lí tưởng sáo mòn hay đạo đức chung chung, theo Thứ trưởng: “Càng những năm về sau việc đề càng hay hơn các năm trước do giáo viên có kinh nghiệm hơn. Đây là cách làm sẽ được tiếp tục thực hiện”.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Tại buổi họp báo, một số phóng viên cho biết có nắm được thông tin vào ngày 3/6 trên một trang Facebook thông tin có chuyện TS quay được clip tiêu cực ở một trường THPT trên quận Hà Đông, Hà Nội, “nhưng nhiều ý kiến bình luận đã đe dọa “xử” nếu ai tung clip”.

Theo ông Phạm Ngọc Trúc: “Bộ sẽ kiểm tra. Nhưng nếu có thì đây là việc đáng tiếc. Các em đã được hướng dẫn nếu có thông tin tiêu cực, có địa chỉ cụ thể có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lí. Tuy nhiên, các em lại không chọn cách này”.

Giám thị vi phạm giảm
 
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết năm nay tổng số thí sinh (TS) đăng ký dự thi là 946.064, số TS đến dự thi ngày cuối là 942.549 TS, đạt 99,63%. Số TS vi phạm quy chế thi bị đình chỉ thi là 49 do mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi, chỉ có 1 trường hợp nhờ người thi hộ; số cán bộ bị đình chỉ làm công tác phục vụ thi là 2 người, do mang điện thoại di động vào khu vực thi. So với năm 2012, số TS vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 34 (tăng 15 trường hợp) và 8 giám thị bị đình chỉ làm công tác thi (giảm 6 trường hợp).

Ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục- Bộ GD-ĐT cho biết: “Vẫn có hiện tượng một số cán bộ coi thi chưa kiên quyết và kịp thời nhắc nhở thí sinh thực hiện các quy định, còn để một số thí sinh trao đổi bài trong phòng thi hoặc vứt bỏ tài liệu sau buổi thi ở sân trường, cổng trường ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục”.


(Theo: Văn Chung/Vietnamnet)