Đột nhập "tủ kín" của giáo viên thực tập 27/10/2012 12:08:23

Cùng chúng tớ đột nhập tủ kín của các “thầy cô” để khám phá niềm vui, nỗi buồn, thậm chí cả... nỗi sợ của các “anh chị” ấy nhé!

Đang là khoảng thời gian các “thầy cô giáo tương lai” được cử đến các trường học để thực tập và tích lũy thêm kinh nghiệm. 

1. Hồi hộp vì cách xưng hô... là lạ

Lan Chi (21 tuổi, Bắc Ninh) là sinh viên của trường CĐ Mầm non. Khi được cử về thực tập ở một trường mầm non ở huyện khác trong tỉnh, bạn ấy cảm thấy khá... bất ngờ. “Mình là đứa lớn nhất trong đám anh chị em ở nhà, đã quen với cách tụi nhỏ lớn bé gọi tớ là chị xưng em. Nhưng đi dạy, được các bé gọi cô, xưng con, cảm giác khác hẳn. Như thể mình lớn hơn rất nhiều, tự thấy cũng nên có nhiều trách nhiệm hơn” - Lan Chi thổ lộ.



2. “Những trò lố hay là... tụi học trò nhí nhố”

“Sẽ không “rùng rợn” hay “cam go quyết liệt” như khi bạn làm gia sư cho một cô bé, cậu bé nào đó, nhưng những trò đùa của tụi học trò ở trên lớp thì quy mô và... nghiêm trọng hơn nhiều. Đơn giản như thời gian đầu tớ về thực tập, đứng lớp dạy môn Toán thay giáo viên chủ nhiệm của các em ấy, các em tỏ vẻ... tẩy chay tớ ra mặt và nhất quyết không phản ứng lại, không giơ tay phát biểu khi tớ gọi. Cảm thấy bất lực kinh khủng, may mắn là thầy chủ nhiệm đã vào cuộc. Thầy nói rằng trước đây thầy cũng bị học trò... xa lánh như thế và thầy buồn rất nhiều. Các em ý, rất yêu quý thầy giáo của mình nên nhanh chóng cảm thông với tớ. Giờ nghĩ lại vẫn thấy thật may khi gặp được thầy giáo ấy” - Cương, 22 tuổi, Hà Nội nói.

3. Vui nhất là được... sẻ chia

Giáo viên thực tập là những người đã và đang trải qua những năm tháng học trò, thời sinh viên giống như bạn. Bởi thế, ngay cả khi lớn hơn bạn vài tuổi, họ vẫn cực... teen và thừa sức cho bạn những lời khuyên về tương lai, về lựa chọn trường đại học. Thay vì chăm chăm vào đọc báo và vơ lấy những lý thuyết không xác thực, hãy “phỏng vấn” họ để biết thêm thông tin. Đừng ngại ngùng vì chính các giáo viên thực tập cũng rất vui khi được học sinh đặt câu hỏi đấy! Đặc biệt, với những bạn muốn trở thành giáo viên, hãy làm thân và “quan sát” họ thật kĩ để tích lũy kinh nghiệm cho tương lai của mình nhé! 

4. Ngại nhất là những cơn cảm nắng

“Đi thực tập, nghĩa là bạn đã qua cái tuổi bị bố mẹ cấm đoán thích người này, cảm nắng người kia. Nhưng quy định ấy nên được áp dụng khi bạn đi thực tập. Những cơn "cảm nắng" học đường giữa thầy và trò thường khiến học trò không thể tập trung vào bài giảng, cũng có thể khiến những giáo viên thực tập không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Vẫn biết mình chỉ hơn các em vài tuổi, tình cảm lại là điều khó đoán, nhưng trường học là trường học, nó có những quy định mà chúng ta buộc phải tuân thủ” - Nam, Thanh Xuân, HN thẳng thắn chia sẻ.

Đột nhập

Nam còn cho biết, bạn cậu ấy trong thời gian đến thực tập ở trường cơ sở đã... đeo nhẫn ở ngón tay giữa để cảnh báo học trò rằng cậu bạn là “hoa đã có chủ”. “Ấy thế mà rất nhiều cô nhóc vẫn gửi thư, gửi tin nhắn ầm ầm cho cậu ấy. Thực lòng rất mệt. Vì trả lời những tin nhắn tình cảm và mũi mẫn của học trò thì vi phạm nguyên tắc của một giáo viên, không trả lời thì các em sẽ... giận dỗi ra mặt và tẩy chay bài học luôn”

5. Nổi tiếng theo cách nào cũng... đáng sợ

Theo Thanh Huyền (giáo viên thực tập ở trường QT), “nổi tiếng” trong quá trình đi thực tập là một điều... đáng sợ. “Một chị bạn tớ quen, vì giảng bài hay và lôi cuốn, “thu hút” được một bộ phận học sinh trong lớp chú ý bài giảng thì lại phải đối mặt với sự ghét bỏ của bộ phận còn lại. Tất cả cũng chỉ vì các em ấy nghĩ rằng mình đang thay thế vị trí của giáo viên của họ.”

Còn “Nếu bạn xinh xắn một chút, thân thiện một chút với học trò thì những giáo viên trong trường, ngay lập tức sẽ “nhiệt tình” theo dõi để đưa ra nhận xét... bạn chỉ chăm lo... hút “fan” mà không lo giảng dạy. Tình huống trở nên tệ cực kì đấy!”

6. Buồn nhất là ngày chia tay

Buổi chia tay nào cũng đáng buồn. Nhưng chia tay giai đoạn đầu tiên bạn đứng lớp thì đúng “buồn thật là buồn”. “Cô trò gặp nhiều hiểu lầm, may mắn cũng được giải quyết sớm. Ngày tớ kết thúc đợt thực tập, các bé trong lớp còn làm tặng cả một clip với những bức ảnh tớ tham gia hoạt động cùng lớp. Tới giờ các cô trò vẫn liên lạc, thi thoảng hẹn nhau đi ăn chè để trò chuyện. Thân thiết lắm!” - Phương, giáo viên trung học tương lai.

Giờ thì bạn đã hiểu nỗi lòng của giáo viên thực tập chưa nào? Hãy khoan dung và giúp đỡ các thầy cô nhiều hơn nữa nhé!
(nguồn:Theo TTVN)