“Clip là cú tát vào tượng đài người thầy trong lòng giới trẻ” 19/02/2014 13:49:56

Thầy giáo được học sinh cả nước yêu quý nhất hiện nay - Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nói về vụ thầy giáo đánh trò, trò đánh lại ngay trên bục giảng tại THPT Nguyễn Huệ, Bình Định.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn nóng với Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM để có được những bình luận về vụ việc dưới hai góc độ: một chuyên gia tâm lý và một người thầy.

Hình ảnh trong clip “thầy đánh trò, trò đánh lại” tại THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)

Thầy nhìn nhận ra sao về vụ bạo lực học đường: “thầy đánh trò, trò đánh lại” tại trường Nguyễn Huệ, Bình Định?
Thật sự tôi không biết nên có vào Google gõ thử cụm từ “học sinh đánh thầy” thì kết quả không hề ít.

Giáo viên bây giờ không phải ai cũng còn giữ được cái tâm trong sáng hay tấm lòng thương yêu học sinh. Học sinh bây giờ cũng không phải ngoan hiền như học sinh ngày xưa nữa.
 
Theo thầy, ai đúng ai sai trong câu chuyện này?
Người ta hay nhận được cái gì sẽ trao lại cái ấy. Thầy giáo tát học sinh liên tục thì tức nước vỡ bờ, học sinh bật lại là điều dễ hiểu. Tuổi trẻ rất khó kiềm chế cảm xúc, đặc biệt khi mình bị sỉ nhục và xâm phạm trước mặt đông người.
 
Ở đây, học sinh sai vì dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, nhưng cái sai của thầy mới là cái sai to nhất, nghiêm trọng nhất. Vì thầy sai trước mới dẫn đến cái sai của học sinh. Chính thầy đã ép học sinh trở thành "một kẻ vô giáo dục".
 
Đã lỡ sai rồi thì ta nên xử lý ra sao?
Theo thông tin báo chí, thầy lẫn trò đều đã được nhà trường và hội cha mẹ học sinh yêu cầu tự làm kiểm điểm và xin lỗi nhau.

Tuy nhiên, nếu gặp người thầy bạo lực hung hãn như thế thì dưới góc độ học sinh - tôi không mong cậu ấy tiếp tục đứng trên bục giảng. Giáo dục không được tạo ra phế phẩm, nhân cách của người thầy “có vấn đề” như thế thì sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu nhân cách của học trò?

Thầy đánh giá mức độ ảnh hưởng của clip trên góc độ giáo dục như thế nào?

Clip là một cú tát vào tượng đài người thầy trong lòng giới trẻ.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Cần làm gì để ngăn chặn vụ việc như thế này tái diễn?
Một là, từ khâu đầu vào, ngành sư phạm phải chọn lọc những con người có phẩm chất, có tư cách đạo đức.

Hai là, quá trình đào tạo giáo viên ở trường sư phạm phải thực sự hiệu quả, nhất là giáo dục kĩ năng ứng xử sư phạm cho giáo sinh. Thực tế, với thời lượng vài mươi tiết để dạy kỹ năng ứng xử sư phạm như hiện tại thì chỉ đủ để giảng viên và giáo sinh "cưỡi ngựa xem hoa".

Ba là, nhà trường phổ thông cũng cần chọn lọc giáo viên đủ phẩm chất đạo đức – đủ kĩ năng giáo dục để cộng tác; liên tục đánh giá – thường xuyên bồi dưỡng và đào tạo giáo viên trong suốt quá trình họ tác nghiệp.

Trên lí thuyết là vậy nhưng việc thực hiện cần rất nhiều nỗ lực và sự hợp lực của nhiều cơ quan chức năng trong tình hình xã hội bây giờ.

Liệu có phải học trò ngày nay đã thay đổi vì trước đây, dù thầy giáo có nghiêm khắc ra sao cũng không có chuyện trò ra tay đánh thầy?
Tôi không biết trước đây ra sao nhưng bây giờ xã hội phức tạp hơn nhiều, giới trẻ cũng phức tạp hơn nhiều.

Tốt nhất, thầy nên thay đổi quan điểm về học trò và phương pháp giáo dục các em. Giới trẻ đã khác, tâm sinh lý phức tạp hơn, nếu thầy không thay đổi và không cải tiến cách giáo dục của mình thì chắc chắn không thể gây ảnh hưởng đến các em như mong muốn. Khi đó, thầy trò ức chế và bùng nổ thành bạo lực trên lớp học sẽ còn tiếp diễn.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới sự việc đáng buồn vừa qua?
Tôi cho rằng, nhiều người thầy bị “nhiễm” quá nặng tư tưởng xem thường vị trí học sinh và tôn vị trí của thầy lên một vị thế quyền lực tuyệt đối.

Thực chất, thầy là người phục vụ cho sự phát triển của học trò, học trò cần là người được thầy nghĩ đến trước tiên khi bước vào lớp học. Vì thế, trong giáo dục, nguyên tắc “Tôn trọng nhân cách học sinh” phải luôn được giáo viên tuân thủ. Học sinh cần ở vị trí trung tâm, mọi hành động của người giáo viên phải vì sự phát triển nhân cách của người mà mình đang xây dựng.

Nếu người thầy sống hết lòng vì học trò mình, yêu thương các em và biết nhìn thấu cảm dù đó là học trò “cá biệt” đi chăng nữa thì tôi nghĩ đó là điều kiện cần đầu tiên để thầy được học trò mình quý mến và kính trọng.

Trao đi điều gì, ta sẽ nhận lại được điều ấy từ học trò mình.
 
Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy về vấn đề này.

Mai Châm
Theo dantri.com.vn