PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí&Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết có gần 88% ý kiến ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 2 môn tự chọn, 2 môn bắt buộc.
Sáng 23/1, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí&Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết sau hơn 10 ngày lấy ý kiến, qua tổng hợp có gần 88% ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 2 môn tự chọn, 2 môn bắt buộc.
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 (Ảnh: Văn Chung)
“Phương án này nhận được đồng thuận cao của những chuyên gia, nhà quản lí như GS Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội) , GS.TSKH Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) , GS Hoàng Tụy, PGS Văn Như Cương,..
Những băn khoăn về ngoại ngữ, tỉ lệ miễn thi tốt nghiệp 20% vẫn có. Tuy nhiên tỉ lệ ủng hộ theo phương án bộ đưa ra vẫn vượt quá 60%”.
“Như vậy chứng tỏ chủ trương lớn của Bộ GD-ĐT là đúng. Quyết định cuối cùng sẽ được bộ cân nhắc thận trọng trước khi công bố chính thức”.
Dự kiến đầu tháng 2/2014, phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố chính thức.
Trước đó hồi đầu tháng 1/2014, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo mới nhất về đổi mới thi tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt. Hạn chót nhận ý kiến cho phương án thi 2014 là ngày 20/1.
Phương án 1, thí sinh sẽ thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học. HS có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (tự nguyện) với đề thi theo chương trình 7 năm hiện hành để được cộng điểm khuyến khích. Phương án 2, thí sinh sẽ thi 5 môn, trong đó môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ thi bắt buộc, hai môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Trong kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là các sở GDĐT) tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.
Nhiều ý kiến trên VietNamNet ủng hộ phương án thi 1 nhưng cho rằng nên bổ sung môn thi ngoại ngữ là môn thi tự chọn; tỉ lệ miễn thi tốt nghiệp 20% cần có tiêu chí cụ thể, tránh cào bằng sẽ dễ dẫn tới tiêu cực trong quá trình dạy và học.
(Theo: Vietnamnet)