“Ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim, mai đây làm cô giáo…” -
đó là lời bài hát mà con hay ngân nga cùng mẹ. Đôi mắt con luôn ánh lên
sự tự tin và hãnh diện khi nói với mẹ rằng “ lớn lên con sẽ làm cô giáo
giống như mẹ”.
Con gái mẹ học giỏi đều các môn, cậu con luôn bảo hãy học kinh tế,
theo ngành nọ ngành kia để cậu truyền nghề, khi đó chỉ học cấp hai, thế
mà con vẫn khăng khăng rằng con chỉ thích làm cô giáo. Mẹ đã rất vui,
bởi chính mẹ đã nhen nhóm trong con ước mơ ấy nhưng bên cạnh niềm vui
khôn tả, mẹ cũng rất lo, con gái ạ!
Mới đó thôi mà chỉ hơn nửa năm nữa con gái mẹ sẽ tốt nghiệp ĐH. Con
đã chọn cho mình bộ môn văn yêu thích để theo đuổi, con muốn nuôi dưỡng
tâm hồn cho học trò của con, rằng con sẽ thắp lên trong các em những ước
mơ đẹp đẽ, thánh thiện.
Mẹ hiểu, cái hoài bão của con rất lớn, ý chí và sự năng nổ con cũng
không thiếu, nhưng kinh nghiệm và sự trải đời, trải nghề thì con chưa
có. Con từ nhỏ đã được mẹ bảo bọc, cuộc đời đối với con vẫn lung linh
sắc hồng.
Thế nên, hôm rồi, con đã chạy về nhà, ôm lấy mẹ mà khóc nức nở, khóc
khi hỏi mẹ có phải con đã chọn nhầm nghề không. Khóc khi muốn bỏ cuộc
trước những trở ngại ban đầu.
Mọi chuyện bắt đầu khi ngày đầu tiên đi thực tập, cũng là lần đầu
tiên con đứng trên bục giảng với hơn 50 ánh mắt trân trân nhìn con dò
xét. Con nghe học trò kháo nhau: “Cô gì mà “xì tin” quá”, “người sao mà
gầy nhom”, “cái áo dài sặc sỡ chúng mày nhỉ”… Sau những săm soi về ngoại
hình, học trò bắt đầu điều tra, “cô ơi, cô có người yêu chưa”, “người
yêu cô làm gì”… Con cố gắng trấn tĩnh trước đám trẻ chỉ cách con vài
tuổi, có lẽ vì thế mà học trò cứ vô tư xem con như bạn bè, con nói gì
học trò cũng đáp lại một cách táo tợn.
Chưa hết, khi con đang thao thao giảng bài về những câu thơ của Xuân
Quỳnh, chợt nhìn xuống lớp, vài em gục mặt lên bàn hồn nhiên ngủ, góc
này hai ba em túm lại chơi cờ carô, em thì lấy cuốn sách dựng lên ngụy
trang để đọc truyện, chốc chốc lại khúc khích cười, em thì lôi điện
thoại nhắn tin hay lướt Facebook…. Con bảo nước mắt chỉ chực trào ra,
con đã gắng gượng để nó không phải rơi như một sự bất lực với đám học
trò bất trị. Những lời con muốn giảng không còn nữa, con bị phân tâm và
cứ thế, con kéo dài những lời sáo rỗng lặp đi lặp lại cho đến hết giờ.
Con đã đánh mất sự tự tin và nhiệt huyết ngay trong những va vấp đầu
tiên.
Bao giờ cũng thế, kiến thức con học trong sách vở với những trải
nghiệm thực tế trên bục giảng hoàn toàn khác nhau, khác xa một trời một
vực. Học trò thì thời nào cũng quậy, chẳng thế mà có câu “nhất quỷ nhì
ma, thứ ba học trò”, đằng sau sự quậy phá lém lỉnh đó, đằng sau một vài
gương mặt bất trị cá biệt, con hãy chịu khó tìm hiểu nguyên nhân.
Con muốn hiểu tâm lý học trò ra sao thì phải đặt mình vào vị trí ấy -
con cũng từng trải qua những ngày tháng học sinh mà, hãy lội ngược dòng
để hiểu và bao dung hơn. Nếu bắt gặp những lá thư tình ngây ngô, sướt
mướt, đừng vội la ầm lên, hãy tâm sự để các em có thể coi con như người
bạn, để rồi từ đó chỉ dẫn cho các em. Mẹ biết ngay cả chuyện tình yêu
của con, đôi khi con còn chưa chín chắn, nhưng ít nhất, con phải để học
trò thấy sự trưởng thành của con là hơn các em, con gái ạ. Đôi khi con
sẽ học được nhiều thứ từ học trò, hãy cởi mở để đón nhận, đừng giữ
khoảng cách và đừng ngại tiếp thu.
Cái quan trọng con phải khiến học trò nể phục chứ không phải là quát
nạt, ra oai, dọa dẫm để học trò sợ. Sự vị nể tồn tại lâu còn sợ hãi chỉ
thoáng qua ở phút giây nào đó, rồi sẽ tan biến ngay. Cách con sống ảnh
hưởng đến cái nhìn và cách nhìn của học trò về nghề nghiệp của con.
Phàm ở đời, nghề gì cũng đòi hỏi tiêu chuẩn, nhất là một khi con đứng
trên bục giảng để dạy người ta, cái tiêu chuẩn đó được cả xã hội đánh
giá và soi vào. Thế nên, con phải sống mực thước, có nguyên tắc, có
chừng mực, đừng để phạm sai lầm trong nghiệp vụ, tác phong hay những đàm
tiếu không đáng có trong cuộc sống. Mỗi hành động, cư xử, lời nói của
con, đều bị đánh giá để làm gương cho học trò. Bởi vậy, hãy luôn nhắc
nhở mình, sống sao để học trò vị nể. Đừng sống ủy mị hay giả dối, đừng
để một vết nhơ nào lấm lem trên tà áo của con, vì học trò sẽ thấy trước
tiên. Những ánh mắt thơ ngây, trong trẻo đó sẽ là tấm gương phản chiếu
đầu tiên khi con làm gì sai trái.
Trở thành giáo viên, không chỉ đơn giản như con hằng nghĩ, “ngoài các
ngày lễ, sinh nhật ra, con còn được nhận hoa trong ngày nhà giáo, như
thế quá vui, mẹ nhỉ”. Thế nhưng, để được nhận hoa, để được “tri ân” một
cách thành kính, để được học trò cũ nhớ tới con (chứ không chỉ riêng học
trò hiện tại) là cả một quá trình phấn đấu miệt mài. Con ngưỡng mộ mẹ
vì đến ngày lễ Tết, 20/11, các anh chị học trò cũ về thăm. Có người mang
theo cả chồng vợ, con cái, mỗi người một câu chuyện, nhắc lại những kỷ
niệm ngày xưa...
Mẹ nói con nghe, mỗi nghề có cái khắc nghiệt của nghề, “nghề nào
nghiệp nấy”. Song nếu con chọn cho mình con đường như mẹ, đứng trên bục
giảng say sưa với những ánh mắt của học trò thì con hãy luôn giữ cho
mình ngọn lửa đam mê ấy và đừng bỏ cuộc, cuộc sống sẽ ghi nhận nếu con
cố gắng không ngừng. Đừng bao giờ coi việc thức khuya, dậy sớm soạn bài
hay chấm điểm là trách nhiệm nặng nề, hãy làm bằng tất cả sự say mê.
Đừng đến lớp bằng tâm trạng bực bội, chán nản, bực tức chuyện ngoài
đường, vì như thế con đâu còn tâm trí để truyền thụ những bài giảng cho
học trò nữa. Hãy dẹp tất cả qua một bên trước khi con lên lớp. Đừng nóng
giận hay mất bình tĩnh trước những ngỗ ngược của học trò, hãy uốn nắn
các em một cách nhẹ nhàng nhất mà con có thể…
Nghề gì cũng cần đam mê, nhất là với nghề giáo, nếu không đam mê,
đứng trên bục giảng mà cứ chờ hết giờ thì nên xem lại lựa chọn đó. Mẹ
tin rằng, con gái mẹ không chọn nhầm đường, với những ước mơ, hoài bão
mà con có, nay mai con sẽ vững vàng trên bục giảng, sẽ xứng đáng với
những kỳ vọng của ba mẹ và thầy cô, xứng đáng với công sức con đã bỏ ra.
Nhớ nhé, cô giáo của ngày mai!
(Nguồn: Dân trí)