Sinh ra ở miền quê biển nghèo xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, từ nhỏ cậu
bé Đào Thanh Hương đã chịu thiệt thòi do ảnh hưởng chất độc da cam từ
bố.
Biết mình bị khuyết tật, lớn lên Hương đã ý thức được tương lai của
mình. Lớn lên, anh tập tễnh đi học với nỗ lực đến trường như bạn bè.
Với một tay teo tóp, không có đôi bàn chân, biết mình đi lại đã khó khăn
chưa nói đến việc có thể làm được gì như người bình thường. Hương mơ
ước và luôn cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành thầy giáo.
Bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam, thầy giáo Đào Thanh Hương vẫn miệt mài đứng lớp suốt hơn 15 năm qua.
Những tháng ngày đến trường cực kỳ khó khăn và gian khổ đối với chàng
trai tật nguyền. Nghị lực, quyết tâm là vậy nhưng để đến được trường
học thực hiện ước mơ đó của mình là biết bao nhiêu cố gắng của bản thân,
gia đình cùng với cự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè. Nhiều năm liền
chàng trai khuyết tật Đào Thanh Hương là học sinh giỏi.
Khi bắt đầu đi học cấp 3, con đường đến trường lại càng gian nan hơn
đối với Hương, mỗi ngày anh phải vượt qua gần 10km để đến trường. Ngày
hai tiếng, chàng trai khuyết tật miệt mài đạp xe đến lớp. Dù trời nắng
hay trời mưa, anh vẫn quyết tâm không bỏ học dù chỉ một ngày.
Thầy Hương tận tình chỉ bảo cho học sinh.
Niềm vui lớn nhất đến với chàng trai khuyết tật Đào Thanh Hương sau
12 năm miệt mài đèn sách là anh đã thi đỗ vào khoa Văn Trường ĐH Hồng
Đức, Thanh Hóa. Niềm vui như vỡ òa không chỉ đối với bản thân Hương mà
cả gia đình khi cầm trên tay giấy báo nhập học.
Khi được hỏi vì sao lại chọn nghề giáo viên, thầy giáo Đào Thanh
Hương bộc bạch: “Bản thân bị nhiễm chất độc da cam, nhưng mình vẫn còn
may mắn hơn những khác. Tuy khiếm khuyết tay và chân nhưng mình vẫn có
thể di chuyển được. Không làm được việc gì nặng nhưng mình có thể cống
hiến bằng trí thức của mình. Làm thầy giáo là để thỏa được mong ước của
mình là sẽ dạy chữ cho trẻ em nghèo trên quê hương”.
Sau bốn năm đèn sách, Hương trở về quê để thực hiện ước mơ làm thầy
giáo dạy học. “Có nhiều nơi đã gọi tôi ở lại làm việc nhưng tôi quyết
tâm về dạy học tại quê. Không chỉ tiện cho việc đi lại mà còn thực hiện
được tâm nguyện của mình là dạy học cho trẻ em quê mình mà khi còn nhỏ
tôi đã nghĩ đến”, thầy Hương chia sẻ.
Cho đến nay, thầy Hương đã trải qua hơn 15 năm công tác trong nghề.
Khi kể lại những tháng ngày vất vả thực hiện ước mơ của mình, thầy Hương
bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm ngày nào như mới vừa diễn ra. Những tháng
năm trong nghiệp trồng người, có biết bao buồn vui, biết bao thế hệ học
sinh ra trường, có những người giờ cũng đã làm thầy và đi dạy học nhưng
thầy giáo Hương vẫn nhớ khuôn mặt từng người.
Không có bàn chân, một tay bị teo tóp, nhưng bằng tri thức của mình, thầy Hương đã gieo chữ cho nhiều thế hệ học trò.
Từ năm 2001 đến năm 2006, thầy giáo Đào Thanh Hương đã mở lớp dạy học
miễn phí cho trẻ em nghèo ngay trong nhà của mình vào dịp hè hàng năm.
Học sinh đến học tại nhà được thầy giáo tận tình chỉ bảo. “Nhiều em
không những học giỏi lên mà còn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện,
cấp tỉnh như em Trần Văn Chiến, Nguyễn Thị Tý… hay em Vũ Nguyên Giáp đã
tốt nghiệp đại học ra trường nhiều năm nay”, thầy Hương nhớ lại.
Điều thầy Hương luôn lo lắng và trăn trở nhất đó là về sức khỏe của
mình. “Tôi chỉ sợ mình ốm đau mà không đến lớp được lại không giúp cho
các em học sinh. Nhiều lần bị mệt nhưng tôi vẫn cố gắng đến lớp với các
em học sinh. Vì tôi biết các em đang rất mong mình. Có hôm tôi đến muộn
ít phút, các em học sinh chờ chưa thấy thầy đến đã chạy ra cổng để đón
tôi vào khiến tôi rất xúc động”, thầy Hương tâm sự.
Hàng ngày, thầy Hương đến trường trên chiếc xe đạp để dạy chữ cho học sinh.
Năm 2006, thầy Đào Thanh Hương là một trong 10 gương mặt tiêu biểu
trong công tác khuyến học của cả nước. Ba năm liền, thầy Hương là giáo
viên giỏi cấp huyện (từ năm 2005 - 2008). Công tác đào tạo học sinh mũi
nhọn của trường hàng năm đều được ban giám hiệu tin tưởng giao trọng
trách cho thầy Hương. Năm nào thầy hướng dẫn cũng có em đạt học sinh
giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Nói đến chuyện tình yêu của thầy giáo Đào Thanh Hương không ai
trong trường là không biết. Vợ thầy Đào Thanh Hương cũng tên là Hương -
cô là Trần Thị Hương, hiện là giáo viên dạy môn Địa. Tình yêu của vợ
chồng thầy như một câu chuyện cổ tích. Thầy Hương kể: “Trong một lần đi
dự lớp chuyên đề trên huyện cách nhà hơn 10km, trời đổ mưa giông làm tôi
bị ngã xe, bỗng có một người con gái ra đỡ tôi đứng dậy. Sau đó, chúng
tôi gặp lại nhau khi cô ấy tốt nghiệp, ra trường được phân công về
trường tôi công tác và cũng chính tôi là giáo viên hướng dẫn kèm cặp.
Qua tiếp xúc, sinh hoạt tập thể, chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn và tình
yêu cũng nảy nở từ đó”.
Thêm một niềm vui đến với thầy Đào Thanh Hương khi mới đây người vợ
sinh thêm một bé trai. Đến nay, hai vợ chồng thầy đã có hai người con,
cả hai cháu đều khỏe mạnh.
“Cả hai con rất ngoan, nên vợ chồng tôi yên tâm công tác. Hai năm
gần đây, vợ chồng tôi đã mua được đất, xây được nhà ở gần trường nên tôi
không phải đạp xe đạp đi dạy xa như trước nữa. Đi lại dễ dàng nên đến
lớp với các em học sinh được tốt hơn”, thầy Hương vui mừng nói.
Thầy Phạm Văn Đồng - phó hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc chia sẻ:
“Thầy Đào Thanh Hương là giáo viên giỏi của trường đã có nhiều năm đạt
giáo viên giỏi cấp huyện. Thầy là một trong những giáo viên mũi nhọn
trong công tác giảng dạy. Dù bản thân bị bệnh tật nhưng thầy Hương vẫn
thường xuyên bám lớp, bám trường, tích cực tham gia hoạt động công tác
Đoàn, Đội, văn nghệ của trường. Thầy Hương cũng là một giáo viên được
các em học sinh vô cùng quý mến”.
(Theo Dân trí)