Sở Giáo dục TP HCM: 'Thay thế Cambridge bằng chương trình tốt hơn' 25/06/2014 09:33:35

Sáng 23/6, trước phản ứng trái chiều về việc bỏ chương trình Cambridge, giám đốc Sở Giáo dục TP HCM Lê Hồng Sơn khẳng định sẽ thay thế bằng chương trình khác tốt nhất cho học sinh.

- Sau bốn năm thực hiện, Sở Giáo dục đột ngột ngưng chương trình Cambridge để thay thế bằng chương trình khác khiến nhiều phụ huynh cho rằng "đem con bỏ chợ", ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Sau một thời gian giảng dạy, chương trình Cambridge phát sinh ra nhiều vấn đề không phù hợp với giáo dục Việt Nam. Theo tiêu chuẩn của Cambridge, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phải được tuyển chọn rất gắt gao trước khi mở lớp dạy nên những trường vùng ven hoặc nơi không đủ điều kiện thì không thể mở lớp. 

Học sinh theo chương trình Cambridge vẫn phải học môn Toán theo chương trình của Bộ nên áp lực nhân đôi. Hơn nữa, chương trình thuộc bản quyền của ĐH Cambridge, toàn bộ nội dung cũng như quy trình, phương pháp giảng dạy đều phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của Anh nên không có bản sắc, phương pháp dạy phù hợp với học sinh Việt Nam.

Từ những khó khăn trên, Sở đã phối hợp với Bộ Giáo dục Anh xây dựng chương trình tiếng Anh tích hợp dựa trên chương trình của ĐH Cambridge, theo hướng giảm tải cho học sinh (đã học chương trình tích hợp thì không phải học môn Toán ở chương trình khác) và phù hợp điều kiện của Việt Nam.

 

 

Ông Lê Hồng Sơn giải đáp những thắc mắc của phóng viên trong buổi họp báo. Ảnh:Nguyễn Loan

Với học sinh đã theo học chương trình Cambridge thì đến năm 2018 Sở mới cho ngưng hoàn toàn chương trình này. Các em có thể học tiếp đến hết cấp hoặc chuyển qua chương trình mới đều được.

Khi thực hiện, đã nói là thí điểm thì sẽ có điểm dừng để đánh giá lại nếu không phù hợp, nên không thể nói rằng chúng tôi đem học sinh ra làm thí nghiệm hay "đem con bỏ chợ".

- Chương trình mới có gì ưu việt hơn và lấy gì đảm bảo sẽ không bị dừng giữa chừng?

- Từ năm 2011 Sở Giáo dục đã cùng Bộ giáo dục Anh xây dựng một chương trình dạy Toán khoa học bằng tiếng Anh theo dạng tích hợp.Chương trình này vừa đảm bảo việc dạy môn Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến của quốc tế vừa khắc phục được yếu điểm từ chương trình Cambridge. Các em không phải học theo chương trình của Bộ, sẽ giảm được rất nhiều áp lực cho học sinh.

Chương trình do Việt Nam xây dựng nên ngoài các chuẩn kiến thức thì các yếu tố như văn hóa, phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy sẽ phù hợp với học sinh Việt Nam.

Nếu trước đây Cambridge chỉ có một chuẩn đầu ra duy nhất là Hội đồng khảo thí Anh thì chương trình mới này học sinh có thể chọn học và sau đó được kiểm định bởi nhiều hội đồng khảo thí trên thế giới như Anh, Australia, Mỹ, Việt Nam...

Chương trình đã được Bộ Giáo dục Anh và Bộ Giáo dục Việt Nam thẩm định về chất lượng. Sở cũng đã thành lập hai hội đồng để xây dựng và thẩm định chất lượng của chương trình trước khi đưa vào giảng dạy.

Bước đầu, chương trình được thí điểm ở 20-30 trường, sau đó Sở sẽ xây dựng bổ sung để ra được chương trình phù hợp nhất cho các em.

- Sở chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên như thế nào?

- Sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nước ngoài của chương trình Cambridge nên học phí chương trình mới sẽ tương đương mức cũ. 

Sau đó, Sở sẽ đào tạo đội ngũ giáo viên người Việt thay thế và không dừng lại ở giáo viên tiếng Anh mà còn là giáo viên các bộ môn khác. Chúng tôi sẽ chọn lọc trong đội ngũ có sẵn hoặc tuyển dụng mới. Đến năm 2020, sẽ có khoảng 50% giáo viên người Việt tham gia giảng dạy, lúc đó chi phí cho các khóa học này có thể giảm.

Chương trình sẽ được mở dạy ở các bậc phổ thông, trong đó bậc tiểu học dạy môn Toán, bậc THCS sẽ dạy Toán - Hóa - Sinh.

- Vì sao Sở không xây dựng một chương trình đào tạo tiếng Anh chung cho tất cả học sinh mà lại triển khai cùng lúc nhiều chương trình tiếng Anh vàlấy cơ sở vật chất trường công để thí điểm?

- Trong chương trình học phổ thông hiện nay có chương trình tiếng Anh tăng cường, Đề án tiếng Anh của chính phủ, tiếng Anh phổ thông và giờ có thêm tiếng Anh tích hợp. Tôi cho rằng với nền giáo dục hiện đại, việc có nhiều chương trình tiếng Anh là lẽ hiển nhiên. Hơn nữa TP HCM là thành phố mà phụ huynh có rất nhiều nhu cầu cho con học tiếng Anh nên chúng tôi không chỉ xây dựng một chương trình chung và bắt tất cả các em cùng học mà tùy vào điều kiện của từng gia đình họ có thể chọn cho con em mình một chương trình phù hợp nhất.

Còn về việc chúng tôi chỉ chọn các trường công lập làm nơi mở chương trình, vì cơ sở vật chất ở đây đáp ứng được. Một chương trình quốc tế nếu được mở ở một trường quốc tế thì học phí sẽ cao hơn rất nhiều so với chương trình này. Như vậy chúng ta đang tận dụng cơ sở vật chất của các đơn vị để thí điểm, mỗi trường dành thêm một, hai phòng học ưu tiên cho chương trình mới. Chúng tôi cũng đã báo cáo với Thảnh ủy, UBND TP HCM và được chấp thuận để đem lại những điều tốt nhất cho học sinh.

Nguyễn Loan ghi ( Vnexpress)