Vừa giỏi viết báo, chụp ảnh đẹp, đam mê làm
phim... Nguyễn Siêu còn khiến bạn bè đồng trang lứa phải nể phục vì nhận được
lời mời từ 7 trường ĐH danh tiếng của Mỹ.
Học bổng
52.000 USD của ĐH Mỹ
Nguyễn Siêu (sinh năm 1995)
Nguyễn Siêu là một trong số ít học sinh Việt Nam đạt điểm
cao kì thi sát hạch để được nhận vào các trường ĐH Mỹ, cụ thể, Siêu đạt điểm
SAT 1 là 2220/2400, SAT 2 là 2340/2400, TOEFL 112/120.
Năm 2013,
Siêu đã nhận được thông báo trúng tuyển từ 7 trường ĐH danh giá của Mỹ là:
Vassar College, Tufts University, Oberlin College, Franklin and Marshall
College, Dickinson College, Saint John’s University, Yale-NUS College in
Singapore. Cuối cùng, chàng cựu học sinh chuyên Ams chọn học trường Vassar, nơi
Siêu được học bổng 100%.
“Em chọn
trường Vassar không chỉ vì trường cho nhiều học bổng (khoảng 52.000 đô/năm) mà
còn vì trường này có thiên hướng mạnh về đào tạo các môn khoa học xã hội, trong
đó có ngành truyền thông và ngành làm phim mà em đang theo đuổi”, Siêu chia sẻ.
Đối với
Siêu, sau một năm học và sống trên đất Mỹ, cậu bạn đã học được rất nhiều điều
thú vị. Trong đó, sự khác biệt về văn hóa – giáo dục là điều đầu tiên gây ấn
tượng cho chàng cựu học sinh chuyên Ams.
“Giáo dục
nước Mỹ và Việt Nam khác nhau rất nhiều. Ở Mỹ, học sinh có cơ hội để chọn những
gì mà mình muốn học, ngành nghề mà mình muốn theo đuổi hơn. Nhưng ở Việt Nam,
sự cạnh tranh thành tích học tập giữa các bạn học lại cao hơn. Và các du học
sinh sẽ thua kém các bạn học trong nước về các kĩ năng xã hội khi cả hai cùng
làm việc tại Việt Nam. Nhìn chung, em thấy rằng giữa giáo dục Mỹ và Việt Nam
không có nền giáo dục nào hơn mà chỉ là sự khác biệt mà thôi”.
Chàng
trai đa tài đa nghệ
Siêu (áo đỏ, hàng dưới cùng) cùng các bạn cùng trường đại học đi xem nhạc
kịch ở Broadway hồi tháng 10
Khi còn là
học sinh trường Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Siêu là người sáng lập, viết kịch
bản và MC của kênh phát thanh Ams' Radio. Ngoài ra, Siêu cùng từng là thành
viên ban quản trị website của trường, cộng tác viên nhiều tờ báo… Cậu bạn còn
có tài chụp ảnh khá đẹp.
Là một bạn
trẻ cá tính và năng động, Siêu dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại
khóa, trải nghiệm cuộc sống. Mới nhập học tại Mỹ, Siêu đã nhanh chóng trở thành
thành viên của trung tâm văn hóa dành cho học sinh da màu tại ĐH Varssar
(ALANA).
Siêu luôn là
người tích cực tổ chức các hoạt động cùng ALANA như chụp ảnh, thiết kế poster
cho các buổi tọa đàm về vấn đề chủng tộc, phụ nữ…; tham gia các hoạt động vui
chơi, sinh hoạt câu lạc bộ…
Vừa kết thúc
năm học đầu tiên trên đất Mỹ trở về Việt Nam, Siêu lập tức bắt tay vào việc làm
trợ lý thiết kế cho đoàn làm phim “SONA”. Lần đầu tiên được tham gia công việc
làm phim, Nguyễn Siêu rất hào hứng. Cậu bạn hi vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội để
tiếp cận với công việc làm phim nhiều hơn nữa.
Thời gian
này, Siêu cũng trở thành một trong những gương mặt đại diện du học sinh Mỹ,
tham gia chương trình hội thảo du học VietAbroader. Với tư cách là một người có
kinh nghiệm đi trước, Siêu mong muốn truyền lửa đam mê và kinh nghiệm cho các
đàn em đang có nguyện vọng du học Mỹ.
Bí quyết
giành học bổng 7 trường ĐH Mỹ
Để đạt được
học bổng của 7 trường ĐH Mỹ ngay trong lần đầu tiên nộp hồ sơ, Nguyễn Siêu cho
rằng việc là học sinh trường Ams cũng là một lợi thế, bên cạnh đó còn có một bí
quyết đặc biệt, đó là:
“Bạn phải
thể hiện trong hồ sơ xin học của bạn lĩnh vực mà bạn thật sự yêu thích và có
khả năng. Chúng em gọi đó là “nhọn”, để phân biệt với “tròn”. Ví dụ như em chọn
ngành truyền thông nên trong hồ sơ của em, từ bài luận cho tới các tài liệu
đính kèm đều thể hiện sở thích và các hoạt động truyền thông, báo chí mà em đã
tham gia. Em cho rằng đó là lí do em được chọn”.
Trong cuộc
trò chuyện cùng Dân trí, Siêu còn tiết lộ rằng, bạn đi du học
để thực hiện ước mơ còn dang dở của mẹ (trước đây mẹ Siêu từng có cơ hội
đi du học Nga nhưng đã nhường cho người khác để đi vào đợt sau, nhưng
cơ hội không đến lần thứ hai nên bà đã rất tiếc nuối).
Chàng du học
sinh Mỹ tin rằng đam mê là lẽ sống. “Em là người theo chủ nghĩa YOLO (you only
live once). Em muốn làm những gì mình thích, dù em biết lĩnh vực truyền thông
và làm phim mà em đang theo đuổi không phải là lĩnh vực “hái ra tiền” nhưng cho
dù có thế nào, em cũng không từ bỏ đam mê vì đồng tiền. Hơn nữa, em tin rằng
nếu kiên trì và hết mình theo đuổi đam mê thì sẽ có thành công”.
Mai Châm (Dân trí)
(Ảnh NVCC)