Đại học VN sẽ đi giật lùi 01/08/2014 09:11:07


Theo GS Ngô Bảo Châu, điều đáng lo ngại nhất là quy trình xây dựng, cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các  hoàn toàn ngược với quy trình của các trường đại học ở các nước tiên tiến.

GS Ngô Bảo Châu

GS Ngô Bảo Châu trao đổi cùng các đại biểu hội thảo - Ảnh: Đăng Nguyên

GS Ngô Bảo Châu cho rằng nếu hiện trạng trên tiếp diễn thì e rằng chất lượng đại học (ĐH) VN sẽ đi giật lùi so với cả các nước láng giềng đang bước tiến nhanh và vững chắc.

Buổi đối thoại cởi mở và thẳng thắn về giáo dục ĐH VN đã diễn ra tại Trung tâm Hoa Kỳ TP.HCM ngày 31.7. GS Ngô Bảo Châu, người chủ trì và gần 200 đại biểu đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước sôi nổi cùng bàn luận nhiều vấn đề còn tồn tại.

Đại học VN sẽ đi giật lùi

Tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng giảng viên và giáo sư ĐH là khả năng nghiên cứu khoa học. Chỉ những người “sống và thở” ở tiền tuyến của tri thức nhân loại mới có khả năng hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng và những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí não tương lai

Đại học VN sẽ đi giật lùi

GS Ngô Bảo Châu

Ngay khi phát biểu khai mạc, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: “Trong bức tranh lớn của giáo dục VN, giáo dục ĐH có lẽ là mảng cần sớm nhất một sự đổi mới căn bản và toàn diện. Đó cũng là mảng phức tạp nhất. Trong sự phức tạp đó, đâu là những cái nút cần phải được gỡ đầu tiên là câu hỏi mà tất cả những người quan tâm đến giáo dục ĐH ở VN đều quan tâm”.

VN đi ngược lại quy trình của các nước tiên tiến

Vẫn với gương mặt trang nghiêm và giọng nói từ tốn, GS Ngô Bảo Châu đã khiến khán phòng ngưng lại khi đặt ra vấn đề rất then chốt về xây dựng đội ngũ trong trường ĐH.

GS rất thẳng thắn khi chỉ ra rằng chất lượng chung của các trường ĐH là điểm tối nhất trong bức tranh chung của ngành giáo dục VN. Quy trình xây dựng, cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các ĐH VN là tập trung bồi dưỡng mọi nguồn lực để đưa chính những sinh viên tốt nghiệp của trường mình trở lại làm giảng viên. Trong khi đó các nước phương Tây hạn chế tối đa ứng viên tốt nghiệp từ trường mình. Các trường chỉ ưu tiên tuyển người mình tạo ra nên thiếu sự cạnh tranh của các nguồn khác. GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: “Tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng giảng viên và giáo sư ĐH là khả năng nghiên cứu khoa học. Chỉ những người “sống và thở” ở tiền tuyến của tri thức nhân loại mới có khả năng hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng và những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí não tương lai”.

Tại các trường ĐH nước ngoài, tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn giảng viên là năng lực nghiên cứu khoa học. Trong khi đó ở VN quy trình này nặng tính hành chính...

Cũng theo GS Ngô Bảo Châu, thu nhập của giảng viên VN về định lượng còn thấp, trong khi cơ chế cứng nhắc, phức tạp và thiếu minh bạch. Lương giảng viên trẻ mới ra trường rất thấp, chính sách hỗ trợ dù có nhưng không giải quyết được căn bản vấn đề. “Tôi cho rằng mức lương giảng viên ĐH cần có sự quan tâm của xã hội. Cụ thể, một giảng viên ĐH cần phải được hưởng chế độ đãi ngộ của tầng lớp trung lưu trong xã hội”, GS Châu đề nghị.

Từ đó, GS Ngô Bảo Châu đề xuất, quy trình tuyển chọn giảng viên ĐH cần có sự thống nhất cho tất cả các trường tiến tới tạo thị trường tuyển dụng thông suốt trong cả nước. Quyết định của hội đồng tuyển dụng cần được minh bạch hóa, lý lịch tuyển dụng cần được công khai. Lấy việc bổ nhiệm GS làm nhiệm vụ trọng tâm cho việc thực hiện tự chủ khoa học của các trường chứ không phải là một phẩm tước danh dự như hiện nay. Bên cạnh thu nhập thông thường, giảng viên cần có mức thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải rõ ràng, minh bạch.

TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ khiến đại biểu tham gia hội thảo xôn xao khi phát biểu: “Với cơ chế hiện nay, đơn giản chỉ riêng vấn đề lương cho GS Ngô Bảo Châu mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ như tôi cũng không quyết được thì cơ chế tài chính còn rất gian nan”.

Được đương nhiên tự chủ hay phải đấu tranh?

Như đánh trúng ý của nhiều đại biểu, chủ đề tự chủ ĐH thảo luận trong buổi chiều diễn ra hết sức sôi nổi.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, chia sẻ: “Quyền tự chủ của trường ĐH đã được thừa nhận từ gần 10 năm nay nhưng chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, một phần do những vướng mắc về cơ chế nhưng phần quan trọng khác là do các trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng”. GS Thuyết dẫn chứng sự thiếu sẵn sàng của các trường thể hiện rõ ở kỳ thi tuyển sinh ĐH 2 năm gần đây. Thực hiện quy định của luật Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức tuyển sinh riêng nhưng chỉ có 62 trong số gần 500 trường hưởng ứng đề nghị này, mà chủ yếu là tuyển sinh riêng cho một số ngành đặc thù...

Ngoài ra, theo ông Thuyết, quyền tự chủ một mặt đảm bảo cho trường ĐH được tự quyết định các vấn đề của mình, nhưng mặt khác lại đề cao trách nhiệm của nhà trường trước xã hội. Đây là trách nhiệm giải trình, bao gồm các nghĩa vụ cung cấp thông tin, lý giải và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường. Trong khi nỗ lực đòi hỏi và thực thi quyền tự quyết định, nhiều trường lại tỏ ra miễn cưỡng, hình thức trong việc minh bạch hóa các thông tin về tài chính, đào tạo và việc làm...

Tuy nhiên, quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết lại tạo tranh luận nhiều phía.

GS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng việc tự trị ĐH nên làm từng bước và có sự phân loại. “Trong tình hình nước ta, với sự lộn xộn, đừng đánh đồng các trường ĐH như nhau. Vì có những trường không thể gọi là trường ĐH. Quyền tự trị chỉ nên giao cho những trường có năng lực tự giải quyết vấn đề của mình”, ông Tống đề nghị. GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, ủng hộ ý kiến này và khẳng định mức độ tự chủ phụ thuộc trình độ trường ĐH và không thể như nhau với tất cả mọi trường. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng khó chia sẻ ý kiến này vì quyền tự chủ là quyền đương nhiên của các trường ĐH. Tước quyền tự chủ từ đầu thì trường ĐH không thể phát triển. TS Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, ủng hộ điều này vì theo bà, tự chủ như quyền con người, sinh ra là đã có.

GS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh, tự chủ là phải đấu tranh. Còn GS Dương Minh Đức, Trưởng bộ môn Giải tích, Khoa Toán - tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ví von: “Nếu tất cả đều tự chủ có thể có thảm cảnh “cường hào ác bá trong lũy tre làng”. Nói về tự chủ phải từ hai phía: làm sao minh bạch, có trách nhiệm, có kiểm soát, nếu không sẽ dẫn đến tai họa”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Ngô Bảo Châu ủng hộ việc tự chủ ĐH phải có đấu tranh. Ông cho biết các trường phải khẳng định được mình để có được sự tự chủ. Hiện tại, sự tự chủ trong các trường ĐH VN vẫn còn rất thấp.

Sáng nay, hội thảo tiếp tục diễn ra, tập trung vào vấn đề nghiên cứu khoa học và đại học tư.

Ý kiến

Giảng viên không còn thì giờ nghiên cứu

Thực tế, số lượng sinh viên/giảng viên trong các trường rất cao, nên giảng viên bị quá tải giờ dạy, không còn thời gian cho nghiên cứu khoa học. Trong khi kinh phí nghiên cứu rất thấp. Để giải quyết vấn đề này cần có sự tham gia hệ thống của nhiều bộ ngành.

TS Nguyễn Quân(Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ)

Cần được thực hiện từ gốc

Tất cả những thứ thụ động, thiếu sáng tạo, không chấp nhận thay đổi... của sinh viên ĐH đều được hình thành từ bậc phổ thông. Khi hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp, không có sinh viên nào có thể viết đúng chính tả và ngữ pháp hoàn toàn. Việc cải cách giáo dục cần được thực hiện từ gốc, ngay từ bậc phổ thông, không phải từ ngọn, vì từ bậc ĐH không thể làm gì được.

TS Nguyễn Hoàng Ánh(Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương)

 

Hà Ánh - Đăng Nguyên (http://news.go.vn/)