Hai bộ không ký được lương cho GS Ngô Bảo Châu 01/08/2014 09:17:38

Nhiều vấn đề được đề đưa ra thảo luận tại cuộc đối thoại giáo dục Việt Nam sáng 31/7. Trong khi các diễn giả cho rằng ĐH Việt khó được tự quản trị, tự chủ tài chính thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng khẳng định “ở một đất nước mà tôi và anh Phạm Vũ Luận (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) không thể ký được lương cho GS Ngô Bảo Châu thì làm sao các trường ĐH làm sao có thể được tự chủ được”

Nhà khoa học phải nói dối để được giải ngân kinh phí nghiên cứu

Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân

Theo GS Ngô Bảo Châu muốn cải cách giáo dục ĐH, điều tiên quyết là thay đổi và cải tổ phương thức quản trị cho các trường ĐH.

GS Châu viện dẫn, hiện việc xây dựng nhân lực các trường ĐH tại Việt Nam vẫn nghiêng theo hướng bồi dưỡng các SV giữ lại trường; tuyển chọn đội ngũ giảng viên ở ĐH Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn chung của công chức nhà nước, tiêu chí hàng đầu cho đội ngũ giảng viên là nghiên cứu khoa học, các cơ quan chức năng không có tham gia vào quá trình tuyển chọn.

“Việc bổ nhiệm giáo sư không do sự chủ động của các trường; hệ thống quản lý, tư duy quản lý xin - cho vẫn còn khá rõ. Chính sách tiền lương, chính sách thu hút và đãi ngộ vẫn chưa rõ ràng. Thu nhập của giảng viên ĐH tại Việt Nam hiện còn quá thấp và khi xét tăng lương thì lại cứng nhắc” – lời GS Châu.

Trong khi đó, PGS Trần Ngọc Anh – ĐH Indiana tại Blooomington và PGS thỉnh giảng tại ĐH Harvard cho rằng, cần có minh bạch tài chính và làm rõ trách nhiệm tài chính. Trong quản trị đại học hiệu trưởng phải có trách nhiệm với toàn bộ sự thành công của nhà trường.

Ở khía cạnh sử dụng, ông Lương Hoài Nam (cty Thiên Minh) cho hay:  “Chúng tôi thật sự không muốn phàn nàn về chất lượng giáo dục nhưng chúng tôi là người sử dụng sản phẩm giáo dục và không muốn nhận các sản phẩm giáo dục về mà phải đào tạo lại mới sử dụng được”.

Còn GS Nguyễn Minh Thuyết lập luận, tự chủ đại học bao gồm tự chủ về tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật. Ở Việt Nam quyền tự chủ đã được ghi nhận trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH nhưng nhà nước vẫn kiểm soát. Việc phát triển trường vẫn do các yếu tố ngoài trường quyết định, trong khi việc chia tách, sát nhập do cơ quan chủ quản quyết định, hội đồng trường không có thực quyền.

Một vị đại biểu khác cho hay, muốn tự trị đại học, tự chủ tài chính cần có sự đồng bộ giữa Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính và Bộ GD- ĐT…

Trong khi đó trao đổi khá thẳng thắn về tự chủ tài chính, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương nêu nghịch lý, về nguyên tắc người làm khoa học không được nói dối, nhưng năm nào tôi cũng nói dối vì không nói dối không thể giải ngân để lấy kinh phí nghiên cứu.

Bà Ánh tự đặt câu hỏi “Tôi xấu hổ không? và trả lời “có” - nhưng tôi nghĩ sự hèn nhát, ngại đổi mới, ngại sáng tạo, nói dối, không chấp nhận cái mới nó ăn sâu, bén rễ không chỉ ở thế hệ của tôi mà còn cả thế hệ sau này. Những thứ không ai chịu trách nhiệm đã hình thành, thành thói quen từ các bậc học dưới bởi chính cái cơ chế quản lý đầy bất cập.”

“Vì thế, muốn cải cách thì phải làm từ gốc và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ phải kết hợp với Bộ trưởng Tư Pháp để cải cách thật sự, sự cải cách này phải làm từ gốc” – bà Ánh đề xuất.

“Hai bộ không ký được lương cho GS Châu”

Trước sự thắc mắc của nhiều diễn giả về tự chủ đại học, tự chủ tài chính, nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, quan điểm của bộ luôn xem các trường ĐH là một tổ chức của Bộ Khoa học - Công nghệ và bộ luôn sát cánh với các trường ĐH.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, Bộ GD-ĐT nói giao quyền tự chủ cho các trường, nhưng trên thực tế việc tự chủ ấy vẫn mang tính nửa vời và bị ràng buộc bởi quá nhiều cơ chế, luật định. Đặc biệt ngành nào cũng giữ khư khư luật của mình.

“Giáo dục đại học khó tự chủ được bởi hiện các trường ĐH vẫn phải hoạt động chung trong một cơ chế. Ở một đất nước mà tôi và anh Luận (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) không thể ký được lương cho GS Châu thì làm sao các trường ĐH có thể được tự chủ được.”

“Đáng ra lương của anh Châu phải do anh quyết định vì anh ấy là một Viện trưởng nghiên cứu cao cấp về Toán…” – Bộ trưởng Quân trăn trở.

Cũng theo Bộ trưởng Quân, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và Nghị định của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ giao biên chế nghiên cứu viên cho các ĐH. Tuy nhiên chúng tôi đề xuất nhưng Bộ Nội vụ trả lời rằng là chỉ giao biên chế theo đúng luật công chức và viên chức, không giao biên chế nghiên cứu từ năm 2003. Nhưng Luật Khoa học và công nghệ ra đời sau phải có hiệu lực hơn những luật ra đời trước. Bộ Nội vụ không giao biên chế nghiên cứu, làm sao Bộ Tài chính có căn cứ để cấp kinh phí cho các nhà nghiên cứu ở các trường đại học”,

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, hiện giáo dục ĐH đã có sự thay đổi đó là chuyển từ việc cung cấp kiến thức là chính sang phát triển năng lực, sáng tạo cho sinh viên, dù vậy việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH vẫn còn rất nhiều thách thức.

Thứ trưởng Ga thừa nhận, do sự phân tầng của các cơ sở giáo dục ĐH chưa rõ ràng, khiến các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể. Việc nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH chưa được xem là hoạt động bắt buộc khiến cho kiến thức của giảng viên nhanh chóng bị lạc hậu, việc thiếu hụt đội ngũ quản trị giáo dục ĐH giàu kinh nghiệm tại các nhà trường.

Trong khi đó, lý giải về tự chủ đại học phi lợi nhuận ông Ga cho hay ở VN muốn trường ĐH phi lợi nhuận phải tìm mạnh thường quân có tài sản lớn để xây dựng. Nếu yêu cầu một nhà đầu tư  bỏ tiền vào mà họ không có lợi nhuận rất khó. Vì thế trường ĐH phi lợi nhuận được xem khi chia lợi nhuận không vượt quá mức trần của chính phủ. Hiện, Chính phủ khuyến khích mô hình phi lợi nhuận như các nước.

Về tự chủ học phí và tài chính, theo thứ trưởng Ga hiện nay trần học phí không còn giới hạn. Cách đây hai tuần Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về đào tạo chất lượng cao, các trường có thể thu bao nhiêu cũng được với điều kiện chất lượng đào tạo phải tương xứng với học phí. Với việc thu như vậy việc trả lương do trường quy định

Lê Huyền (http://vietnamnet.vn)