"Cháy" phòng trọ và nỗi lo ở ghép 30/08/2014 09:21:10

Đến hẹn lại lên mùa nhập trường đang đến gần, tình trạng “cháy” nhà trọ đang trở thành nỗi lo của các tân sinh viên. Nhiều người khổ sở loay hoay mãi vẫn chưa tìm được phòng.

Mỏi chân vẫn không có phòng

Theo chân sỹ tử Nguyễn Diệu Linh tân sinh viên trường CĐ Sư phạm Trung ương trong một ngày nắng nóng đi tìm nhà trọ mới thấy hết được nỗi khổ cực vất vả của cảnh tìm phòng. Đi tới đâu cũng là cái lắc đầu, những câu nói “hết phòng”, ngồi nghỉ bóp chân Linh tâm sự, “mệt quá chị à, từ sáng tới giờ mấy chị em đi mãi các ngõ nghách ở gần trường sang cả các ngõ Phạm Văn Đồng nhưng đều hết phòng. Có phòng thì toàn tiền triệu làm sao chúng em kham nổi ở Thủ đô, cứ đà này hết ngày chắc cũng không có phòng đâu”, nói xong cô bé đứng dậy đi tiếp.

Đôi chân dù đã mỏi nhừ nhưng Linh vẫn cố gắng gõ cửa từng xóm trọ, nhìn đâu thấy có chỗ treo biển là cô nàng xông xáo vào hỏi nhưng khi ra với vẻ mặt tiu nghỉu.

Cô tân sinh viên Nguyễn Diệu Linh cùng bạn đi tìm phòng trọ cả ngày nhưng chẳng được.

Cô tân sinh viên Nguyễn Diệu Linh cùng bạn đi tìm phòng trọ cả ngày nhưng chẳng được.

Không ít trường hợp đều rơi vào tình trạng trên, sát ngày nhập trường mới lên tìm phòng phần do điều kiện hoàn cảnh gia đình, phần chưa nhận được giấy báo, có bạn chờ đợi nguyện vọng trường xét tuyển nên giờ mới tìm phòng. Hoàng Hưng quê Nghệ An than thở, “em đợi giấy báo không biết mình có trúng tuyển không nên giờ mới lên, làm thủ tục nhập học rồi nhưng sau 2/9 mới vào học, tranh thủ ở lại nhờ bạn tìm phòng giúp nhưng cả tuần nay vẫn chưa tìm được phòng ưng ý”.

Để có cái nhìn khách quan tôi cũng loanh quanh mấy khu trường học vào trong khu Mỹ Đình để tìm phòng cho đứa em. Được giới thiệu có phòng cho thuê, gặp bác Ngữ chủ nhà dễ tính, niềm nở, bác dẫn lên xem phòng, căn phòng nhỏ vẻn vẹn 10m2 ở tầng 2 nhưng giá cả lại không hề nhỏ, 1triệu đồng/tháng.

Sau khi thương lượng bác Ngữ nói, “nếu ở một mình bác lấy 1triệu/tháng cả tiền nước còn tiền điện 4 nghìn/số dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, chỗ để xe thoải mái an ninh tốt cứ suy nghĩ đi xong đặt cọc tiền lúc nào ở thì dọn đến”. Xin giảm bớt tiền nhà xuống chút nữa bác nói tiếp, “giá chung rồi, giờ cái gì cũng đắt đỏ, xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác đều tăng không giảm được nữa, các cháu ở được thì ở”.

Sinh viên đi học trăm bề thiếu thốn, nhưng cái cốt lõi nhất vẫn mong sao tìm được chỗ ở hợp lý như vậy mới chuyên tâm học hành. Cũng chính vì điều này nên nhiều chủ nhà đã ép giá, dọa dẫm không đặt cọc sẽ không có phòng ở...

Hiện nay, hầu hết các phòng trọ đều theo giá chung, trung bình từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/tháng từ 8 - 14m2, còn phòng đẹp, rộng hơn chút thì giá "chát" hơn từ 1,5 – 2 triệu/tháng. Đâu đâu cũng có biển cho thuê phòng trọ, những khổ giấy A4 có ghi địa chỉ nhà, số tiền, diện tích phòng kèm theo số điện thoại liên hệ được dán khắp nơi. Nhưng để tìm được phòng ưng ý và hợp với túi tiền đâu phải chuyện dễ.

Bi hài chuyện ở ghép

Để giảm chi phí tiền phòng nhiều bạn đã chọn phương pháp ở ghép, hay nhiều tân sinh viên đã lần mò lên nhưng trang web đăng tin tìm người ở cùng. Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp chết đứng vì tin bạn dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc xẩy ra.

Gạt nước mắt, Phạm Thu Trang tân sinh viên trường công nghiệp mếu máo kể, “do tiền phòng cao muốn tìm người ở cùng em đã lên mạng đăng tin vài hôm sau cũng có người đến hỏi, nhìn hiền lành ngoan ngoãn em đồng ý luôn ai ngờ ở mới được một ngày tiền tiêu cả tháng, điện thoại, bạn cùng phòng biến mất một cách bí ẩn, đây là bài học cho em khi bắt đầu bước vào giảng đường đại học đầy mơ mộng”.

Tuy lụp xụp xuống cấp, nhưng dãy nhà trọ ở xóm 1 ngõ Phạm Văn Đồng này đã chật kín các phòng và có giá 800.000 1 tháng.

Tuy lụp xụp xuống cấp, nhưng dãy nhà trọ ở xóm 1 ngõ Phạm Văn Đồng này đã chật kín các phòng và có giá 800.000đồng/ tháng.

Không riêng gì Trang, Nguyễn Văn Mạnh- sinh viên Đại Học Mở, nhớ lại cú lừa vẫn cay cú, “muốn tìm phòng cho em gái nên em lần theo chỉ dẫn của số điện thoại trên quảng cáo vào xem phòng, đi vòng vèo mất bao thời gian nhưng vẫn chưa tìm thấy, bực quá em gọi lại cho chủ phòng thì thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, đành ôm cục tức đi về vừa tốn thời gian, công sức lại không được việc gì”.

Sau lần đó, Mạnh không còn tin vào mấy tờ quảng cáo nữa và đề phòng cảnh giác hơn để tránh bị lừa. Còn Hạnh- sinh viên Trường Thương Mại cho hay, “do không hợp khẩu vị nên hai đứa em mỗi đứa nấu ăn riêng, mỗi người một nồi, một bếp ai vào cũng cười nhưng được cái ở với nhau lại hợp nên không muốn chuyển đi”.

Tiền mất tật mang mà không mang lại kết quả gì, không chỉ vậy nhiều nữ sinh còn cho biết khi họ dán thông báo kèm số điện thoại nên thường xuyên bị các chàng “hoàng tử” gọi điện tán tỉnh, quấy rối...

Quỳnh An