Đỗ đại học, nữ sinh lo đi làm công nhân vì không có tiền nhập học 29/08/2014 14:13:53

"Nhận giấy báo nhập học, em mừng lắm, nhưng cha mẹ em không thể nào có số tiền bạc triệu làm hồ sơ nhập học cho em. Em định đi làm công nhân một năm rồi đi học trở lại” - em Nguyễn Thị Ngọc Mai - cựu học sinh Trường THPT Lưu Tấn Phát (Tiền Giang) chia s

Theo lời giới thiệu của cô Trần Bích Ngọc và Hội Phụ huynh Trường THPT Lưu Tấn Phát, chúng tôi tìm đến ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) để tìm gặp nhà em Nguyễn Thị Ngọc Mai - cựu học sinh lớp 12B4 của trường. Được biết, Ngọc Mai vừa đậu vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức ngành Công nghệ may với tổng số điểm là 18,5 điểm nhưng có nguy cơ lỡ giấc mơ giảng đường vì hoàn cảnh gia đình gặp khó.

 Ở cái xóm nhỏ này, ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình Mai. Nhà chỉ có hơn 1/2 công đất vườn tạp, trồng được 10 gốc sầu riêng nhưng chẳng có thu nhập gì vì sâu bệnh. Cha em là ông Nguyễn Văn Hùng sức khỏe yếu nên công việc làm thuê cũng bấp bênh. Mẹ em là bà Đoàn Thị Chanh bị căn bệnh thoái hóa cột sống và mắt mờ do bẩm sinh nên chỉ biết nhận cạo vỏ hột điều gia công mà thôi. Cố gắng lắm nhưng cuộc sống gia đình vẫn cứ rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau…

 

Ngoài việc phụ mẹ lột hạt điều, Ngọc Mai còn đi cắt rau ngổ bán lấy tiền mua gạo

Ngoài việc phụ mẹ lột hạt điều, Ngọc Mai còn đi cắt rau ngổ bán lấy tiền mua gạo.

Đến thăm nhà của Mai, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí và nghị lực vượt khó của em. Căn nhà nhỏ tềnh toàng trống trước, hở sau. Mái nhà dột được che chắn bằng những tấm nilon bởi chẳng có tiền để mua tol lợp lại. Nhà khó đến nỗi, khi chúng tôi đến thăm, bà Chanh - mẹ của Mai lúng túng vì không có cái bàn và đủ 4 cái ghế để mời khách ngồi…

Khi chúng tôi đến, Mai đang ngoài vườn, cặm cụi lội dưới ao để cắt rau ngổ, kèo nèo, đọt lục bình để bán kiếm thêm tiền đong gạo. Hàng ngày, ngoài giờ học trên lớp, Mai phụ mẹ cạo vỏ hột điều lấy chút tiền công mong đỡ đần cho ba mẹ trong gánh nặng mưu sinh. Mỗi kg hột điều, em được trả tiền công là 6.000 đồng nhưng công việc này cũng không ổn định vì không phải lúc nào cũng có hột điều để làm. Do đó, Mai xoay sang hái rau dại bán để kiếm tiền giúp mẹ mua thuốc giảm đau và dành một ít để mua sách học.

Bà Chanh tâm sự: “Năm học cuối cấp, bài học nhiều nhưng thấy gia đình gặp khó vì vợ chồng tôi thường hay nay yếu, mai đau nên đi học ở trường về là cháu nó xếp cặp để giúp tôi. Đến tối, cháu nó mới ngồi vào bàn học bài. Nhà xa trường, mỗi ngày Mai lót dạ bằng chén cơm nguội, củ khoai hay thỉnh thoảng gói xôi. Lúc nào trường học 2 buổi, nó thường nhịn buổi trưa vì không có tiền. Có lúc, thấy con đi học về mặt xanh lét vì đói và mệt, vợ chồng tôi như đứt từng đoạn ruột… Biết được hoàn cảnh của cháu, thầy cô ở trường giúp đỡ rất nhiều từ vật chất đến tinh thần. chiếc xe đạp cũng do trường tặng chứ nhà cũng đâu có tiền để mua cho cháu. Rồi thì tập sách, tài liệu, thầy cô cũng giúp".

Ngoài việc phụ mẹ lột hạt điều, Ngọc Mai còn đi cắt rau ngổ bán lấy tiền mua gạo

Trước cảnh khó của gia đình, bà Chanh - mẹ Ngọc Mai chẳng biết làm sao có số tiền bạc triệu cho con gái nhập học.

 

Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Mai rất chăm học, vì em biết chỉ có học thì mới thoát được cảnh nghèo. Suốt 12 năm đi học Mai thường đạt thành tích khá giỏi, em có năng khiếu về hội họa, em từng đạt giải nhì về vẽ tranh về môi trường. Từ nhỏ em nuôi ước mơ trở thành họa sĩ. Nhưng khi đăng kí thi đại học em đăng kí vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, vì em biết nếu học ngành Mỹ thuật thì chi phí cho việc học cao, trong khi điều kiện gia đình khó khăn, em sợ không kham nổi, còn ngành Công nghệ may thì dễ tìm việc làm.

Khi được hỏi hoàn cảnh gia đình khó khăn như thế nhưng động lực và bí quyết nào giúp em vượt qua khó khăn và có được thành công, không ngần ngại, Mai chia sẻ: “Nhà nghèo quá em tự nhủ phấn đấu học, vì có học tốt thì mới có điều kiện hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Không có tiền để học thêm và để luyện thi như các bạn, em tự mài mò tự học là chính. Điều cần học để học tốt là phải có kiến thức căn bản. Học bài nào thì cần xoáy vào trọng tâm và thường xuyên làm bài tập thì kiến thức mới được khắc sâu. Có gì chưa tỏ nhờ thầy cô giải đáp. Thời gian quan trọng nhất để tiếp thu kiến thức là các giờ học trên lớp, lúc ấy thầy cô truyền đạt nội dung trọng tâm, hướng dẫn phương pháp học, nếu tập trung thì nắm bắt ngay được và chính điều nầy đã giúp em tích lũy kiến thức và đạt được kết quả như ngày hôm nay”.

Mai bảo: “Khi cầm giấy báo trúng tuyển gọi nhập học, em rất vui. Nhưng vui một thì em lại buồn mười. Vì khi học gần nhà, có khó khăn thì được thầy cô và các bạn động viên, giúp đỡ. Nay nếu phải đi học xa, thì cần có một khoản tiền lớn để đóng học phí, tiền sách vở, tiền ăn, tiền kí túc xá… Ngày nhập học sắp đến nhưng cha mẹ em khó long tìm được số tiền bạc triệu để làm hồ sơ nhập học cho em. Nếu không có điều kiện đi học, em xin vào làm công nhân cho hãng cá, dành dụm năm sau, tiếp tục việc học của mình”. Lời tâm sự của cô học trò như nghẹn lại, tay em cầm tấm giấy báo nhập học mà nước mắt rưng rưng…

Ngoài việc phụ mẹ lột hạt điều, Ngọc Mai còn đi cắt rau ngổ bán lấy tiền mua gạo

Nếu không có điều kiện học năm nay, Ngọc Mai định đi làm công nhân một năm rồi năm sau sẽ học trở lại.

Ước mơ lớn nhất của Mai là muốn được bước chân vào giảng đường đại học, tiếp tục con đường học vấn của mình, ra trường có được việc làm ổn định để trả hiếu cho ba mẹ và góp phần làm đẹp cho mọi người. Ước mơ của Mai liệu có thành hiện thực khi mà hiện tại, đường đến giảng đường của em còn lắm chông chênh và thử thách?

Cô Trần Bích Ngọc (giáo viên chủ nhiệm Mai 2 năm lớp 10, 11) và cô Nguyễn Lê Thiên Hương (ban chấp hành Hội Phụ huynh Trường THPT Lưu Tấn Phát) cho biết thêm: “Nhà Mai nghèo, cha mẹ lạ thường xuyên bệnh tật, trong hoàn cảnh như thế nhưng suốt 12 năm học, Mai luôn học tốt và đỗ đại học là một nỗ lực phi thường của Mai. Hiện tại chúng tôi đang vận động thầy cô ở trường hỗ trợ để em có điều kiện lên Sài Gòn để làm hồ sơ nhập học, nhưng còn về lâu dài thì cần rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người để em Mai có thể thực hiện được ước mơ của mình…”.

Nguyễn Hành - Diệu Hiếu (Dân trí)