Chấm thi môn Văn: Chấp nhận các đáp án khác nhau 11/06/2014 17:14:33
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí & Kiểm định Chất lượng Bộ GD&ĐT, do môn Văn ra đề theo hướng mở, nên khuyến khích và chấp nhận các phương án khác nhau.

Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam sau giờ thi môn Văn ngày 2/6. Ảnh: Như Ý

Ông Mai Văn Trinh nói:

Xu hướng ra đề mở, Bộ đã triển khai từ một số năm trước. Tuy nhiên, việc ra đề mở mà chấm thi vẫn làm theo cách thức truyền thống khiến hiệu quả đề mở chưa cao. Vì thế, năm nay, khi xây dựng hướng dẫn chấm thi cho các đề mở, Bộ đã hết sức thận trọng.

Ngoài việc ban đề thi xây dựng hướng dẫn chấm thì Bộ còn mời thêm các chuyên gia, các nhà giáo có nhiều kinh nghiệm để cùng thảo luận, để làm sao có một đáp án tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng kỳ thi. Chủ trương của Bộ là đề mở thì đáp án phải mở, đặc biệt là với các môn khoa học xã hội.

Chẳng hạn với môn Văn, thay vì đếm ý lấy điểm như trước, Bộ đưa ra chuẩn chung là yêu cầu thí sinh thể hiện được những ý tưởng chính, gửi gắm được thông điệp mình muốn nói tới người đọc. Những nội dung này phải phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam. Em nào trình bày với văn phong sáng sủa, diễn đạt logic, lập luận chặt chẽ thì chắc chắn sẽ được điểm cao.


Ông Mai Văn Trinh

Bộ phải mời thêm các chuyên gia, giáo viên phổ thông cùng góp ý để hoàn thiện hướng dẫn chấm thi trước khi công bố chính thức. Phải chăng vì Ban đề thi của Bộ chưa quen với yêu cầu chấm bài mở?

Mục đích ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội nhằm phát huy năng lực của học sinh, tạo điều kiện để các em có cơ hội thực hành thể hiện quan điểm bằng văn bản. Các em được trình bày quan điểm, ý kiến, được thể hiện tư tưởng, cảm xúc của cá nhân, nếu không trái với chuẩn mực đạo đức, pháp luật thì đều được đánh giá, cho điểm.

Nghĩa là khuyến khích và chấp nhận các đáp án khác nhau. Việc hướng dẫn chấm thi vì vậy mà trở nên khó khăn hơn. Do đó, để có hướng dẫn chấm tốt nhất, Bộ thấy cần có thêm ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở các trường THPT góp ý cho Ban đề thi. Đồng thời, đây là việc làm cần thiết, giúp công tác chấm thi được thuận lợi, từ đó nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Với hơn 900.000 bài thi, 64 hội đồng chấm thi trên cả nước phải sử dụng một lực lượng lớn giáo viên làm giám khảo, trong khi đó, trình độ giáo viên chấm hiện không đồng đều. Vậy làm thế nào để đảm bảo tất cả giám khảo ở 64 hội đồng chấm thi thực hiện đúng tinh thần mở khi chấm?

Đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện đổi mới chấm bài, nhưng thực tế, giáo viên ở các trường phổ thông đã được bồi dưỡng để hoàn thiện dần việc chấm bài theo hướng mở.

Theo kế hoạch, đến 18/6, tất cả các hội đồng chấm thi trên cả nước phải hoàn tất việc chấm thi tốt nghiệp THPT.

Trong hướng dẫn, Bộ cũng đã nêu rõ yêu cầu đối với bài làm của thí sinh cho từng khung điểm, đó là chuẩn chung. Trên cơ sở đó, cùng với trải nghiệm và kiến thức của mình, giáo viên quyết định mức điểm đạt được của từng bài làm là bao nhiêu. Điều này cũng phù hợp với quá trình ngày càng giao quyền chủ động, phát huy tính sáng tạo của giáo viên trong dạy học mà ngành GD&ĐT đang triển khai.

Như vậy, việc chấm thi năm nay ở các môn xã hội, đặc biệt là môn văn, đòi hỏi cao sự linh hoạt của từng người chấm?

Phải linh hoạt thì mới có sáng tạo, năng lực này cần có quá trình bồi dưỡng, rèn luyện. Như trên đã nói, giáo viên chúng ta đã và sẽ tiếp tục được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực này. Ra đề và chấm thi theo hướng mở vì vậy cũng là một quá trình ngày càng tốt hơn.

Bộ đã chỉ đạo những năm đầu chỉ đòi hỏi ở mức độ thấp, sẽ nâng cao dần trong những năm sau, đảm bảo phù hợp với sự tiến bộ của quá trình dạy học và năng lực của giáo viên và học sinh. Mặt khác, trong hướng dẫn chấm cần đặt ra các yêu cầu tối thiểu, đó là chuẩn chung, thống nhất áp dụng cho các bài thi đạt điểm, phần mở linh hoạt chỉ có thể có được trên nền chung đó.

Đề mở không yêu cầu và không thể yêu cầu các bài văn được viết theo một dàn ý giống nhau. Đây chính là hướng dạy văn học tiếp cận cuộc sống. Do đó, khi chấm không thể “đếm ý cho điểm”. Không quy điểm cho từng phần nhỏ được, nhưng hướng dẫn chấm đã đặt ra các mức độ yêu cầu tương ứng với các mức điểm khác nhau.

Không thể hiểu về tính chính xác trong văn học giống như trong toán học hay trong khoa học tự nhiên. Mặc dù có chuẩn chung, nghệ thuật trong văn chương phải chấp nhận cái riêng của người viết và cả cái riêng của người cảm thụ.

Cảm ơn ông!


Theo Quý Hiên (Tiền Phong)