Kỳ thi THPT quốc gia: Tiết kiệm bao nhiêu tỷ đồng? 05/01/2015 11:00:59

 Kỳ thi THPT quốc gia 2015, thí sinh được giảm bài thi, giảm ngày thi, giảm chi phí đi lại, không phải nộp lệ phí thi tốt nghiệp… nhưng lại tăng cụm thi. Vậy, kỳ thi này sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ đồng tiền ngân sách?


Thi THPT quốc gia 2015: Thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là làm được bài

Thi THPT quốc gia 2015: Thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là làm được bài.

Giảm được 320 tỷ đồng?

Giải thích về việc giảm áp lực, tốn kém của kỳ thi trong bài trả lời PVDân trí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, từ năm 2014 trở về trước, thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau: thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ hoặc tại 4 cụm thi liên tỉnh; Số lượng bài thi nhiều hơn: 7 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH một khối (3 bài); 10 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài); 13 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài), tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài) và tuyển sinh CĐ (3 bài). Nay, thí sinh dự một kỳ thi, làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi.

Trước đây, các thí sinh phải thi TN THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH), 12 ngày (nếu thi tốt nghiệp, 2 đợt ĐH và 1 đợt CĐ). Nay các em chỉ thi 4 ngày nên giảm được chi phí dự thi.

Trước đây, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường ĐH, CĐ hoặc đến 4 cụm thi (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng) nên phải đi quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại là khá lớn. Nay, với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình. Không chỉ vậy, giảm được một kỳ thi thì sẽ giảm được kinh phí rất lớn để tổ chức hội đồng ra đề, kinh phí in sao, vận chuyển, bảo mật, chi cho các lực lượng đảm bảo an toàn bí mật, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo…

Bộ trưởng Luận dẫn chứng, trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi cháu. Chúng ta có khoảng một triệu học sinh, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng năm nay chỉ có khoảng 20% học sinh có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT mà không thi ĐH, CĐ, như vậy dự kiến giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp.

Học sinh và phụ huynh, kể cả các cháu chỉ thi tốt nghiệp không có gì khó khăn. Chi phí nhà nước được tiết kiệm, chi phí của thí sinh phải bỏ ra không tăng. Những khó khăn khác sẽ có hỗ trợ như thanh niên tình nguyện, các hình thức xã hội hóa giúp các cháu vượt qua bỡ ngỡ. Như vậy Bộ đã tính toán đến lợi ích của học sinh và tiết kiệm chi phí cho ngân sách, giảm áp lực xã hội”.

Bộ trưởng Luận cho biết, chúng tôi chủ trương các cháu không phải nộp lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ khoản tiết kiệm được do bỏ một kỳ thi. Trước đây địa phương phải lo 100% cho các cháu thi tốt nghiệp, nay chỉ lo cho một phần nhỏ các cháu chỉ thi tốt nghiệp, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20%, như vậy tiết kiệm được 80% so với trước đây.

Lo lắng cụm thi!

Kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT dự kiến có khoảng 34 cụm thi trên cả nước. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng: “Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây. Đồng thời giảm áp lực và tốn kém cho học sinh và xã hội. Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước”.

Tuy nhiên, nhiều nhà giáo vẫn băn khoăn lo lắng về việc tổ chức cụm thi sẽ nảy sinh bất cập. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre cho biết: “Do việc tổ chức thi theo cụm với số lượng cụm thi nhiều hơn, mở rộng ra cả nước, trong đó có những tỉnh khó khăn, nên Bộ GD-ĐT cần có tính toán kỹ để việc tổ chức, điều hành cụm thi và thí sinh được thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, nếu việc tổ chức thi ở cụm thi tỉnh giống như ở cụm thi liên tỉnh, cùng một quy trình và đều do trường đại học chủ trì thì không nên phân biệt cụm thi nào sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp, cụm thi nào xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển sinh cao đẳng, đại học và cho phép thí sinh ở cụm thi tỉnh cũng được quyền sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học”.

Ông Huấn cho rằng, tổ chức thi cụm liên tỉnh, dự thảo quy chế cũng chưa thể hiện rõ sẽ phải thành lập các điểm thi như thế nào. Ví dụ, nếu số lượng thí sinh ở cụm thi gồm 2 tỉnh khoảng 20.000 đến 30.000 thí sinh, thì thí sinh không thể tập trung ở một số ít điểm thi trong một hoặc hai thành phố được vì không thể đảm bảo điều kiện phòng thi, nơi ăn ở cho thí sinh, nên phải chia thí sinh ở rất nhiều điểm thi ở ở các huyện của 2 tỉnh.

“Việc điều hành cụm thi ở liên tỉnh với hàng trăm điểm thi như vậy sẽ hết sức khó khăn đối với trường đại học chủ trì trong khi mỗi điểm thi đều phải có lực lượng của trường đại học. Bộ GD&ĐT cần dự kiến trước tình huống này...” - ông Huấn cảnh báo.

Còn Phó Giám đốc sở GD-ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng kiến nghị: “Về tổ chức thi, với nhũng tỉnh khó khăn, Bộ xem xét cho lập hội đồng riêng, do ĐH chủ trì, cho tất cả thí sinh của tỉnh dự thi và quyền lợi xét vào ĐH bình đẳng như mọi cụm thi khác. Không nên phân biệt thí sinh chỉ dự thi xét tốt nghiệp THPT với thí sinh khác vì với các em, dự định chỉ mang tính tương đối. Vậy, mỗi cụm thi là 1 hoặc nhiều tỉnh (do Bộ duyệt), mọi thí sinh đều thi tại cụm thi, quyền lợi xét tốt nghiệp, ĐH-CĐ như nhau”.

Tiến sĩ Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế cho hay: “Các trường ĐH sẽ đảm nhiệm tốt vai trò chủ trì cụm thi. Tuy nhiên, việc điều phối cơ sở vật chất, con người có khó khăn hơn một chút vì chỉ thi một đợt, lượng thí sinh sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, sau khi có kết quả thi, các thí sinh trước đây chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp nếu thấy mình đạt điểm thi cao lại đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ thì sao? Đây là điều khiến các trường khá bối rối”.

Hồng Hạnh ( dân trí)