Nhiều teen sẽ chép miệng “chuyện xưa như Trái Đất” khi được hỏi làm thế nào để không mắc phải sai sót trong bài thi trắc nghiệm.
Thế nhưng, vì chủ quan, nhiều teen không kiềm chế được cảm xúc tiếc nuối khi bước ra phòng thi và phát hiện thấy mình đã phạm những lỗi rất nhỏ nhặt.
Vì vậy, teen nên thực hành “tác chiến” theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
TRƯỚC GIỜ LÀM BÀI
Kiểm tra “vũ khí”
Thi trắc nghiệm cần chuẩn bị những gì thì hẳn teen nào cũng biết. Tuy nhiên, không phải đa số teen đều hiểu và vận dụng được câu nói “thừa còn hơn thiếu” trong trường hợp này. Tạo cho mình cảm giác an tâm bằng cách mang vào phòng thi hai cây bút chì và hai cục tẩy (gôm). Hơi cồng kềnh một tí nhưng bù lại, teen sẽ thấy bớt lo lắng hơn rất nhiều. Lưu ý cho teen là nên mang theo gọt bút chì, phòng khi ngòi bút tạm thời “đình công” vì sức tô vẻ “vô đối” của chủ nhân.
“Vũ khí” không thể thiếu
Đó là ngòi bút mực teen nhé. Bởi trong tờ bài làm sẽ có phần điền họ tên và các thông tin cá nhân khác. Dù chưa có quy định cấm thí sinh ghi họ tên bằng bút chì nhưng tất cả thầy cô đều nhắc nhở học sinh của mình nên chuẩn bị một ngòi bút mực (trừ màu đỏ) để ghi thông tin.
Không nên trao đổi trước giờ thi
Rất nhiều teen cho rằng: tranh thủ được phút nào hay phút ấy, vì vậy trước giờ thi, đứng trước cửa phòng thi, thậm chí là khi đã vào phòng thi (nhưng chưa phát đề) teen vẫn huyên thuyên “kiểm tra” bài lẫn nhau.
Điều này dễ gây tâm lí hoang mang cho người trong và ngoài cuộc, lại dễ gây nhầm lẫn vì mỗi bạn bàn đến một câu. Đến lúc cầm đề thi trên tay, nếu kiến thức không vững, teen dễ lẫn lộn các đáp án mà bạn mình đã nêu ra trước đó. Hơn nữa, trao đổi quá ồn ào dễ bị các thầy cô giám thị chú ý, phê bình và tất nhiên là teen đã tự ghi tên mình vào danh mục “thí sinh đáng lưu ý nhất buổi thi ngày hôm nay”. Nhưng những điều đó không là gì so với việc teen không tự tin vào trí nhớ và kiến thức mà mình đã chuẩn bị.
Thay vì trao đổi, teen nên tìm một góc thật sự yên tĩnh, đọc lại những gì mình thấy chưa thật chắc chắn.
TRONG GIỜ LÀM BÀI
Điền đầy đủ thông tin cá nhân
Thường thì trước khi phát đề thi trắc nghiệm, giám thị sẽ phát tờ bài làm và yêu cầu thí sinh kiểm tra xem có sự cố in ấn gì xảy ra hay không. Để đầu tư thời gian cho phần bài làm của mình, khi đã đảm bảo tờ bài làm không có vấn đề, việc teen nên làm đầu tiên là đặt bút điền đầy đủ thông tin (họ tên, SBD, phòng thi,…). Nếu lỡ may phát hiện sai sót, teen vẫn có đủ thời gian để xin một tớ bài làm mới. Teen hãy cố gắng viết thật rõ ràng, tránh chỉnh sửa, tẩy xoá, vì trong bài thi, những mục đó là cơ hội duy nhất để teen thể hiện nét chữ của mình.
Đánh đúng vị trí câu trả lời
Hiện tượng làm nhiều teen chao đảo, cuống quýt, càng làm càng rối là việc tô nhầm đáp án của câu này vào vị trí của câu khác. Để tri tận gốc “căn bệnh” này, teen nên dò thật kĩ (ít nhất hai lần) số thứ tự của câu trước khi tô đáp án. Tuy hơi mất công xíu nhưng teen có thể an tâm là không phải ngó đến câu đó khi dò lại toàn bộ bài làm nếu không kịp thời gian. Từ bỏ thói quen làm hết trên đề sau đó mới tô đáp án vào tờ bài làm.
Đánh đáp án vào tờ đề thi
Với thang điểm 10 cho mấy chục câu hỏi trắc nghiệm, teen dễ dàng tính được số điểm trung bình cho mỗi câu. Bởi thế, nếu được, teen nên đánh đáp án mình chọn vào tớ đề thi để dễ tính tổng điểm sau khi đáp án chính thức được công bố.
Chớ để trống câu nào
Ngoại trừ lí do hết thời gian, còn lại, teen dễ bị thầy cô chê là “chuối” nếu để trống vài ba câu trong bài làm trắc nghiệm, bởi vì teen vẫn có cơ hội chọn được đáp án đúng nếu… đánh đại “có chọn lọc”. Theo quy luật thì ngoài đáp án đúng, ba đáp án còn lại thường “có gì đó” liên quan đến nhau. Nếu teen đủ thời gian xài phương pháp loại trừ thì xác suất lựa chọn câu đúng vẫn cao như bình thường. Bởi thế, đừng để trống câu nào trong bài làm của mình, teen nhé.
Đếm lại số câu đã tô đáp án
Khi nghe giám thị thông báo còn 5 phút là hết giờ làm bài, teen nên dừng bút dù đã chọn đủ hay chưa đủ các câu trả lời. Tận dụng thời gian đó để đếm xem mình đã làm được mấy câu. Đây là cơ sở để teen khẳng định lại chắc chắn mình đã chọn hết số lượng câu như trong đề thi hay chưa. Đồng thời cũng là cách đối chiếu để tính điểm sau khi thi xong.
KẾT
Quả thực, những bí kíp trên có phần cũ kĩ nhưng không phải đã lỗi thời. Có thể hình thức thi khác nhau, nhưng kinh nghiệm truyền lại thì giống nhau như đúc.
Trong bất cứ kì thi lớn nhỏ nào, ngoài sự vững vàng về kiến thức, teen nên chuẩn bị chu đáo các dụng cụ cần thiết và cẩm nang xử lí nhanh các tình huống. Đừng bao giờ để bản thân phải thốt lên trong tiếc nuối “Giá như…”.
Theo: Mực tím