Theo kết quả điều tra bằng bảng câu hỏi đối với 100 SV Trường CĐ Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng) do nhóm giảng viên (GV) tiến hành, chỉ có 7% SV thường xuyên tham gia phát biểu ý kiến trong giờ học, 55% SV thỉnh thoảng phát biểu - chủ yếu là do GV trực tiếp chỉ định, 22% SV rất ít khi phát biểu và 10% SV không bao giờ phát biểu. Nguyên nhân của hiện tượng này được giải thích là do “lười và ngại phát biểu trước đám đông”. Với việc chuyển đổi sang hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ, các trường ĐH, CĐ đều xác định “lấy người học làm trung tâm”, thế nhưng, người học vẫn chưa thực sự xem mình là trung tâm của quá trình đào tạo.
“Bắt mạch”...
Trong các hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy do các trường ĐH, CĐ tổ chức, nhiều CBQL và nhất là GV vẫn than phiền về tình trạng “mất lửa” học tập ở một bộ phận SV. Sự thụ động trong học tập của SV đang là vấn đề bức xúc vì những biểu hiện của nó ai cũng có thể nhìn thấy một cách dễ dàng: SV thiếu đầu tư, quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện cá nhân; không chú trọng sắp xếp như thế nào, phải làm gì để đạt kết quả tối ưu trong học tập. SV thiếu quan tâm, không nắm vững chương trình học toàn khóa, chương trình học của từng năm, từng học kỳ. Ít chú trọng đến mục đích của từng học phần mà chỉ quan tâm đến nội dung trong học phần đó nhằm mục đích đối phó trong thi cử. Việc tự học, tự nghiên cứu trong SV còn quá thiếu và yếu; việc chuẩn bị bài ở nhà chưa được SV xem trọng, nếu có chuẩn bị thì còn quá sơ sài, nhằm đối phó với GV là chính, không đọc tài liệu, tìm hiểu về bài học trước khi đến lớp nghe giảng cho dù đã có chương trình học, giáo trình, tài liệu. Phần đông SV thiếu sự tập trung khi học tập, không chủ động tiếp thu kiến thức, hoàn toàn dựa vào sự chỉ bảo, hướng dẫn của GV, rất ít khi thắc mắc về nội dung học tập hay phát biểu ý kiến trong lớp; SV chỉ học và thực hiện những gì do GV yêu cầu…
Giờ học được tổ chức theo hình thức thảo luận nhóm của SV Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kontum
GV Lê Thị Mỹ Dung - Khoa QTKD, Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng cho biết: “Những câu hỏi mà GV nêu ra trong giờ giảng thường đều nằm trong phạm vi hiểu biết và có thể trả lời của SV, nhưng rất ít khi có cánh tay nào giơ lên. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến không khí học tập trong lớp. Nó gây ra áp lực mỗi khi thầy cô đặt câu hỏi. SV thì cảm thấy áp lực, còn GV cũng cảm thấy chán nản vì chỉ có sự làm việc một chiều. Có lần, trong lúc đặt vấn đề cho SV trả lời, tôi đã không kìm chế được mà phải bực dọc thốt lên: Trời ơi, sao các em thụ động dữ vậy, các em mong học tập theo phương pháp mới, phát huy tính năng động, sáng tạo của mình nhưng chính các em đã “phản” lại mình”. GV Lê Hà Như Thảo và Trần Lương Nguyệt - Trường CĐ Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng) thì kể hai câu chuyện do chính SV kể lại, để minh chứng cho sự thụ động của SV trong học tập: “Mỗi khi GV có câu hỏi và yêu cầu SV thảo luận tìm câu trả lời thì không khí lớp học trở nên căng thẳng. Lớp học đông, GV cứ đứng trên bục giảng mà kêu gọi sự tự nguyện đóng góp ý kiến của SV, ở dưới, SV cứ cúi mặt xuống bàn. Một SV khác thì kể: Cứ mỗi lần thầy nói nhanh thì ở dưới lại nhao nhao: “Thầy ơi, thầy nói lại đi thầy ơi!”, thế là thầy nói lại cho chép, thầy nói thật chậm, không đọc mà chỉ gần như đọc. Nhiều bạn thích thầy đọc bài cho chép để đến khi thi cuối kỳ sẽ học theo nội dung đó, viết lại những gì GV đã đọc thì chắc chắn sẽ không bị trừ điểm”.
Nhiều GV đã thẳng thắn nêu ra nguyên nhân của tình trạng thụ động trong học tập của SV: Sự thụ động của SV có nguồn gốc sâu xa về mặt văn hóa, về học chế tín chỉ chưa được áp dụng triệt để, chưa phát huy hết những ưu điểm của nó; phương pháp giảng dạy của GV và phương pháp học của SV còn có vấn đề. Học chế tín chỉ với tiêu chí hàng đầu là lấy người học làm trung tâm nhưng thực tế còn mang tính hình thức, chính vì vậy, SV khó lòng thiết kế được “lộ trình học tập” của riêng mình, phải “chạy” theo hoàn thành những chỉ tiêu môn học do nhà trường quy định sẵn, SV chưa hoàn toàn được phép chọn GV mình sẽ theo học. Việc đăng ký học phần chỉ mới dừng lại ở mức độ cho phép SV được lựa chọn những giờ khác nhau của môn học.
“Kê toa”...
Phương pháp giảng dạy của GV là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến thái độ học tập nói chung và sự thụ động nói riêng của SV. SV thường chọn cách học, cách tư duy, cách tiếp cận vấn đề sao cho phù hợp với cách dạy của GV. Chính vì vậy, TS Võ Như Tiến - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, “GV cần tạo ra môi trường cho SV làm việc càng nhiều càng tốt một cách chủ động, tự giác; tăng cường cho SV làm việc trước, trong và sau giờ giảng bằng cách tổ chức làm việc nhóm, giao bài tập hoặc các vấn đề cần thảo luận…”. Nếu GV thường đặt những câu hỏi mở rộng, đòi hỏi SV phải tìm hiểu bài trước khi đến lớp và phải tích cực động não kết hợp với thưởng phạt bằng điểm số hoặc GV tổ chức được nhiều buổi thảo luận, thuyết trình cho SV thì khả năng phần lớn SV sẽ phải tích cực hoạt động theo sự hướng dẫn ấy của GV và sau đó cho dù có đạt điểm tốt hay không thì SV cũng sẽ được luyện tập thói quen chủ động trong học tập.
Ở một khía cạnh khác, theo GV Lê Thị Mỹ Dung, Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng, việc đánh giá SV một cách khách quan, chính xác, công bằng là động lực thúc đẩy quá trình học tập của SV. Hiện nay, điểm của môn học tín chỉ là kết quả tổng hợp của rất nhiều bài kiểm tra, thực hành, thảo luận, tổ chức hoạt động nhóm… Do đó, người thầy phải có khả năng đáp ứng cho học trò về nhiều mặt: kiến thức, kỹ năng, nhân cách… Thầy cần khuyến khích, hướng dẫn SV tự đánh giá mình và biết tìm biện pháp tự điều chỉnh mình cho kết quả học tập tốt hơn. “Điều quan trọng từ phía GV là khả năng tự học của mình. Mong muốn SV tích cực trong học tập, thì trước hết người thầy phải là tấm gương cho trò. GV phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức mới, đưa minh chứng thực tế vào bài giảng” - cô Dung nhấn mạnh.
Để thay đổi được hành vi học tập của SV, tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu cho SV trong đào tạo, cần thiết phải có sự nỗ lực từ nhiều phía: từ bản thân của người học, từ phương pháp giảng dạy và đánh giá của GV đến công tác quản lý của các khoa, phòng ban chức năng trong toàn trường. Trong đó, thầy và trò trong mối quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau: thầy định hướng – trò làm việc, là hai yếu tố quan trọng nhất để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng thụ động trong học tập của SV.
Theo: Giáo dục và thời đại