Xác định lại cách tính điểm sàn, tăng lệ phí thi, cho phép thí sinh mang máy quay tiếp tục trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi trong Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013.
Chiều 22/1, tại Hà Nội, Bộ GD – ĐT và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã tham gia Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013.
Bên cạnh những vấn đề đã được các đại biểu nhất trí thông qua như rút ngắn thời gian tuyển sinh, mở rộng đối tượng ưu tiên xét tuyển, thí điểm tuyển sinh đối với 10 trường thuộc khối ngành văn hóa – nghệ thuật. Hội nghị cũng còn tồn tại rất nhiều vấn đề gây tranh cãi và cần được xem xét kỹ lưỡng.
Trong kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng đã đề cập đến và đề nghị các Sở, Ban, ngành, các trường cần tiếp tục cho ý kiến thảo luận để đưa ra giải pháp thích hợp.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu kết luận Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013.
Tăng lệ phí thi tuyển sinh ĐH, CĐ
Hầu hết ý kiến của đại diện các Sở GD – ĐT, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng đều cho rằng lệ phí thi quá thấp. Phó hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp (Hà Nội) cho biết trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012 trường đã phải bù lỗ 600 triệu đồng. Vì vậy đa số đại biểu đều có ý kiến cho rằng nên tăng lệ phí từ 20–30%.
Kết luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết vấn đề này không nằm trong phạm vi quyết định của Bộ GD – ĐT, nhưng Bộ sẽ có công văn đề nghị chuyển sang Bộ Tài chính để xem xét tăng lệ phí tuyển sinh lên 80.000 – 100.000 đồng.
Xác định lại điểm sàn
Đây vẫn là vấn đề “nóng nhất” của hội nghị thi và tuyển sinh năm nay. Đại diện của Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên cho rằng tuyển sinh bằng điểm sàn chung sẽ gây khó khăn cho các trường cấp tỉnh.
Còn theo ý kiến của các đại biểu tại Thái Nguyên chung 1 điểm sàn là quá cứng nhắc, nên xét điểm sàn theo thứ bậc đào tạo của các trường khác nhau, trường công lập cần có điểm sàn khác trường ngoài công lập, các trường chất lượng cao cần có điểm sàn cao hơn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết điểm sàn được Bộ GD – ĐT xác định trên nhiều thông số, nhưng dường như chỉ đúng về mặt lý thuyết còn khi áp dụng vào thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thay mặt Bộ GD – ĐT, Thứ trưởng đồng ý sẽ tiến hành nghiên cứu, xác định lại điểm sàn dựa trên sự công khai phổ điểm và điểm trung bình của các thí sinh dự thi.
Theo đó, Bộ GD – ĐT khẳng định điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH sắp tới sẽ được thí sinh, các trường công lập và ngoài công lập đều chấp nhận. Ông cho biết dự kiến điểm sàn của khối A khoảng 12-12,5 điểm.
Thứ trưởng cũng khẳng định mỗi vùng miền đã có sự chênh lệch về điểm ưu tiên, vì vậy không cần điểm sàn riêng cho từng vùng.
Hội nghị thu thu hút đông đảo các đại biểu đến dự.
Tiếp tục cho phép thí sinh mang máy quay, ghi âm vào phòng thu
Quy định cho thí sinh được phép mang máy quay phim, máy ghi âm không có khả năng phát sóng vào phòng thi nhận tuy đã được thực hiện từ mùa tuyển sinh năm 2012, nhưng hội nghị nhận được rất nhiều kiến trái chiều từ các đại biểu về vấn đề này.
Theo Phó hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp thay vì việc cho thí sinh mang máy quay phim, ghi có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh, Bộ GD – ĐT có thể trang bị camera trong tất cả các phòng thi, như vậy vẫn hoàn toàn kiểm soát được tình hình.
Hiệu trưởng ĐH Sư Phạm Nghệ thuật trung ương cho rằng: “Tôi thấy có điểm tốt bởi khi thí sinh được quyền mang vào phòng thi thì giám thị, giám khảo sẽ rất nghiêm túc, không dám có bất cứ hành động nào sai trái. Nhưng vấn đề ở đây đó là hiệu trưởng trường nào có đủ điều kiện để kiểm soát phương tiện đó không phát sóng được. Do đó, Bộ nên căn cứ vào điều kiện của từng trường để đưa ra quyết định”.
Ông cho biết, tại trường do không đủ khả năng để đánh giá chiếc máy ghi âm chỉ thu mà không phát nên đã thống nhất các thí sinh không cho mang vào phòng thi.
Tuy không nhận được sự đồng tình của tất cả các đại biểu, nhưng Thứ trưởng Bùi Văn Ga thay mặt Bộ GD - ĐT quyết định vẫn tiếp tục thực hiện quy định này. Ông cho rằng các trường không nên phức tạp vấn đề này, bởi kỳ thi tuyển sinh năm 2012, đã có quy định này nhưng không có thí sinh nào mang máy quay phim, máy ghi âm vào phòng thi.
Thứ trưởng cho biết: “Quy định này của Bộ hướng tới tâm lý người làm công tác tuyển sinh phải nghiêm túc hơn và xã hội cũng có thể quản lý vấn đề này”.
Giữ vững lập trường về đào tạo liên thông
Vấn đề đào tạo liên thông cũng là vấn đề gây tranh cãi của các đại biểu trong Hội nghị. Nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ GD – ĐT quyết tâm thực hiện quy định này sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề tuyển sinh của các trường cao đẳng bởi sẽ có nhiều thí sinh bỏ thi. Hơn nữa, quy định này cũng gây khó khăn cho các sinh viên muốn tiếp tục học lên cao.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định lại: “Mục đích của đào tạo trung cấp, cao đẳng không phải để liên thông mà để làm việc, sinh viên nào nghĩ mình có thể học tiếp thì thi liên thông, nếu không nên tập trung vào tích lũy chuyên môn. Không có nước nào được vừa học vừa làm lại được cấp bằng chính quy”.
Lãnh đạo Bộ cũng cho biết nếu thí sinh đã học liên thông cao đẳng vào trường đại học sẽ được khấu trừ 3 năm. Ông cũng cho biết, quy định này cũng đã được thực hiện, trong bản đăng ký dự thi cao đẳng, đại học năm nay sẽ thêm phần dành cho các thí sinh có nhu cầu học liên thông.
Kết thúc bản kết luận, Thứ trưởng nhận định lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ đến 2015 cơ bản không thay đổi. Bộ GD – ĐT vẫn nắm quyền ra đề và xác định điểm sàn, còn lại các trường sẽ tự chủ những khâu còn lại. Nếu có bất cứ thay đổi nào sẽ thông báo trước 2–3 năm để học sinh có đủ thời gian chuẩn bị.
Tuy nhiên đối với tất cả các trường công lập và ngoài công lập cảm thấy có đủ điều kiện tự tổ chức thi, cần xây dựng đề án gửi trình lên Bộ GD – ĐT xem xét.
Theo Infonet