Trước mùa tuyển sinh 2013, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng cảnh báo tình trạng dư thừa nguồn nhân lực ngành tài chính – ngân hàng đồng thời tuyên bố sẽ dừng mở mới ngành này. Điều này đã tác động mạnh đến các trường và thực tế, chỉ tiêu khối kinh tế năm 2013 nhiều trường công bố giảm mạnh.
Thí sinh nên cân nhắc ký khi chọn ngành nghề trước mùa tuyển sinh. Ảnh: gdtd.vn
Giảm mạnh nhất tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán
Năm 2013, Trường ĐH Sài Gòn dự kiến 3900 chỉ tiêu, giảm đáng kể so với năm 2012, trong đó, lượng giảm nhiều nhất nằm ở các khối kinh tế gồm quản trị kinh doanh, tài chính–ngân hàng, kế toán. Nếu như 3 ngành này đứng đầu bảng về lượng chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm 2012 của trường thì vị trí này năm 2013 không còn nữa. Năm nay, ĐH Sài Gòn chỉ tuyển tổng 600 sinh viên cho 3 ngành trên, mỗi ngành 200 sinh viên (con số này năm 2012 là 1090. Riêng hệ CĐ, 3 ngành quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, kế toán trường tạm ngưng tuyển sinh.
Tương tự với Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, năm nay, trường này giảm 1.000 chỉ tiêu so với năm trước, trong đó các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán có chỉ tiêu giảm mạnh nhất (Chỉ tiêu ngành Tài chính - Ngân hàng năm nay của trường là: 650; Quản trị Kinh doanh: 200; Kế toán: 300). Bậc CĐ, ngành tài chính ngân hàng cũng giảm 50% chỉ tiêu so với năm 2012.
ĐH Bà Rịa Vũng Tàu, chỉ tiêu ngành kế toán bậc ĐH và CĐ năm 2012 lần lượt là 240 và 220 chỉ tiêu, nhưng năm 2013, dự kiến chỉ tiêu ngành này của trường giảm đi trên một nửa với 70 chỉ tiêu ĐH và 100 chỉ tiêu CĐ. Tương tự với ngành quản trị kinh doanh, từ 230 (ĐH) và 220 (CĐ) giảm còn 70 (ĐH) và 100 (CĐ).
Chỉ tiêu ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán của Trường ĐH Bạc Liêu cũng giảm mạnh so với năm 2012. Theo đó, năm 2013, chỉ tiêu ngành kế toán của trường này là 120 và quản trị kinh doanh là 60 (năm 2012, trường tuyển 180 chỉ tiêu kế toán và 120 chỉ tiêu quản trị kinh doanh).
Học viện bưu chính viễn thông cũng giảm chỉ tiêu ngành kế toán từ 250 năm 2012 xuống còn 150 chỉ tiêu năm 2013; ngành quản trị kinh doanh từ 200 xuống 140...
Dự kiến 1/3 sinh viên thất nghiệp hoặc làm trái ngành
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2012, ngành kinh tế - Tài chính – Ngân hàng đứng vị trí số 2 tổng quy mô đào tạo của các trường trực thuộc Bộ với 27,42%, chỉ đứng sau Kỹ thuật công nghệ với 30,18%.
Hiện số sinh viên kinh tế hiện đang chiếm 30% tổng số sinh viên cả nước, tức khoảng 570.000 người. Theo một nghiên cứu, năm nay, khoảng 32 nghìn sinh viên các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh ra trường nhưng sẽ có khoảng 1/3 trong số này thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề. Còn theo Viện Nhân lực Tài chính ngân hàng, trong vòng 4 năm tới, khoảng 13000 \ sinh viên tài chính ngân hàng không xin được việc.
Tuy nhiên, sinh viên những ngành này không chỉ phải đối mặt với khó khăn do khó xin được việc làm mà có thể còn phải chịu mức học phí cao. Bộ GD&ĐT cho biết, định hướng trong thời gian tới sẽ thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao như kinh tế, tài chính, luật...
Với các ngành này, Bộ sẽ cho phép cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, tiến tới các cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác. Dự kiến mức học phí cho các nhóm ngành trên sẽ tăng dần, từ đảm bảo 50% đến 90% cho phí đào tạo từ năm học 2012 đến 2016.
Theo: Giáo dục và thời đại