Bộ GD&ĐT thừa nhận chấm thi chưa nghiêm túc 28/01/2013 10:32:50

 

Một thống kê do Bộ GDĐT vừa công bố khiến nhiều người không khỏi giật mình: Sau khi chấm thẩm định hơn 1.000 bài thi môn toán, văn, lịch sử, địa lý ở các trường khác nhau, Bộ GDĐT đã phải nhận định việc chấm thi chưa nghiêm túc.

Kết quả chấm thi tốt nghiệp ở 16 địa phương đầy sự bất thường! 

Cán bộ chấm thi thiếu trách nhiệm?

Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng- Bộ GDĐT cho biết, dựa trên kết quả tốt nghiệp năm 2012 của các đơn vị, Bộ GDĐT đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định bài thi tự luận các môn toán, ngữ văn, lịch sử và địa lý của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kết quả thi tăng đột biến so với các năm trước và trùng lặp nhiều ở một mức điểm. Kết quả chấm thẩm định cho thấy, một số cán bộ chấm thi không thực hiện đúng quy định của quy chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạ thấp yêu cầu đánh giá bài làm của thí sinh so với hướng dẫn chấm, đáp án của bộ. Vì vậy có nhiều bài thi bị chấm sai, chấm không đúng đáp án và thang điểm hoặc bị cộng điểm sai. 

Thầy cô chấm thi nghiêm túc mới đảm bảo công bằng cho thí sinh. Ảnh: GIANG HUY

Một số lượng đáng kể các bài thi có kết quả công bố khác biệt so với kết quả chấm thẩm định của bộ, chủ yếu là điểm công bố cao hơn từ 1,0 điểm đến 2,0 điểm, cá biệt là 3,0 điểm và cao hơn so với đáp án và thang điểm của bộ. 

Còn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận của Bộ GDĐT đã chấm 1.405 bài thi môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý của một số trường. Kết quả cho thấy: "Việc chấm thi của các trường có sai sót, chưa nghiêm túc, không chấm hai vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài". 

Có thể nói, đây là vấn đề rất đáng chú ý vì số lượng bài chấm thẩm định mới chỉ hơn 1.000 bài mà đã có "đầy đủ" những kiểu sai phạm. Trong khi đó, số lượng bài thi của kỳ thi này lên tới hàng triệu bài, thì nếu thẩm định lại toàn diện, những sai phạm sẽ còn nhiều tới mức nào? 

Theo ông Ngô Kim Khôi, những hạn chế trong công tác coi thi, chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi, chấm thi, công tác kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi ở các cơ sở giáo dục chưa thực sự sâu sát và thiếu chặt chẽ. Hậu quả của những thiếu sót, khuyết điểm kể trên là kết quả thi tốt nghiệp THPT ở một số hội đồng thi, cũng như kết quả thi tốt nghiệp THPT của 16 tỉnh, thành có bài thi được chấm thẩm định của cả nước bị sai lệch, cao hơn thực chất. Đối với các trường ĐH, phát hiện chấm thi có sai phạm đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc và xử lý kỷ luật các đơn vị, cá nhân có liên quan. 

Sẽ bổ sung vào hội đồng tổ chấm kiểm tra

Để chấn chỉnh công tác chấm thi, trong năm 2013 các biện pháp mà Bộ GDĐT đưa ra là: Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT bổ sung mỗi hội đồng chấm thi một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, thực hiện chấm lại để kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi do các giám khảo đã chấm xong, theo tiến độ chấm của hội đồng chấm thi, nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo tính khách quan trong chấm thi tự luận. 

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ bổ sung ban chấm thanh tra trực thuộc hội đồng tuyển sinh trường, ban chấm thanh tra có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn tự luận. 

Tuy nhiên, ông Vũ Viết Bình - Phó Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội- cho rằng, bộ cần cân nhắc số lượng chấm thanh tra 10% số bài thi vì đây là một số lượng rất lớn. Thành phần chấm thanh tra cũng cần phải quy định chặt chẽ, những người đã chấm thi thì không ở trong tổ chấm thanh tra. 

Theo ông Nguyễn Đức Minh - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TPHCM: Việc chấm thanh tra 10% là quá nhiều, các trường sẽ không đủ thời gian để thực hiện theo quy định của bộ, nhất là đối với những trường đông thí sinh. Trường cũng không nên thành lập ban chấm thanh tra vì sẽ tốn kém, cồng kềnh. Không chỉ thế, ngay chính trong quy định vấn đề này của bộ thì lại không yêu cầu nhất thiết phải sử dụng kết quả của ban này, điều này cho thấy tính hiệu quả của ban này sẽ rất... kém! 

Những biện pháp giám sát bổ sung như trên phát huy tác dụng đến đâu, phải sau khi kết thúc kỳ thi mới biết. Nhưng để có những kỳ thi thực sự khách quan, công bằng, nghiêm túc, thì có lẽ- như một lãnh đạo trường đại học đề xuất- phải dạy lại sự trung thực trong toàn bộ ngành giáo dục, bắt đầu từ những giáo viên tương lai trở đi.


Theo Giaoduc.net.vn