Để thực hiện học một ca và xóa các phòng học tạm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2013 - 2014, thời gian qua, các trường THPT của Nghệ An đã dồn nhiều công sức, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học.
Một tiết dạy của Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Nam Đàn 1
Năm học 2012 - 2013, 91 trường THPT của Nghệ An có 108.821 học sinh, 2.650 lớp học với 2.636 phòng học văn hóa (2.399 phòng kiên cố, 175 phòng bán kiên cố và 62 phòng tạm), bình quân mỗi lớp chưa được một phòng; ngoài ra còn có 494 phòng học bộ môn (417 phòng kiên cố, 47 phòng bán kiên cố và 30 phòng tạm). Chính vì vậy nên vẫn còn một số trường phải học hai ca, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức hoạt động tập thể và các hoạt động giáo dục khác.
Thầy Lê Đức Thục - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Mậu - cho biết: Mấy năm nay, năm nào Trường cũng có 39 lớp, nhưng mới chỉ có 30 phòng học kiên cố và 6 phòng học tạm, nên vẫn phải tổ chức học hai ca.
Khắc phục tình trạng này, ngay trong năm học 2012 - 2013, Trường đã khởi công xây dựng 2 nhà học kiên cố gồm 9 phòng học văn hóa và 9 phòng học chức năng với tổng trị giá trên 11 tỷ đồng. Bước vào năm học 2013 - 2014, 1 nhà học được đưa vào sử dụng, nhà học thứ hai sẽ hoàn thành vào cuối học kỳ 1 này.
Trường THPT Nghi Lộc 4 đang bề bộn với nhiều đống gạch và cát. Nhưng Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết: Chỉ hai ngày nữa là số gạch và cát kia sẽ biến mất, thay vào đó là sân trường mới được lát gạch. Cô còn dẫn chúng tôi ra phía sau các dãy nhà học cao tầng để “khoe” những dãy nhà để xe xinh xắn, vững chắc đang được nhiều tốp thợ gấp rút hoàn thành.
Cô Nhàn cho biết thêm, nhà trường vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng một nhà học 3 tầng với 16 phòng học. Với việc xây mới nhà học, lát sân, làm nhà để xe, nhà trường còn nợ nhà thầu gần 4 tỷ đồng.
Đổi lại, Trường có đủ 36 phòng học văn hóa cho 36 lớp, 15 phòng chức năng. Trường cũng đã đầu tư và hiện có 4 phòng thực hành, 2 phòng học tin học, 1 phòng học ngoại ngữ với đầy đủ trang thiết bị nội thất. Có được cơ sở vật chất này, chắc chắn chất lượng dạy và học của thầy và trò sẽ tốt hơn lên.
Trường THPT Nghi Lộc 4 tập trung vật liệu để lát lại sân trường
Còn thầy Lô Văn Ngọ - Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong - cho biết: Phòng học, phòng chức năng của Trường đã đủ, chỉ có phòng dùng cho học sinh ở xa trọ lại là còn thiếu (tuy đã có 208 chỗ), trước mắt đành phải tổ chức cho một số em ở trong nhà dân quanh Trường. Để tạo điều kiện cho học sinh thực hành, hiện nay Trường đang xây dựng vườn sinh vật trong khuôn viên trường. Công trình này sẽ được hoàn thành vào trước ngày khai giảng năm học mới.
Thầy Hồ Việt Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 1 - nói: Cùng với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong việc xây dựng đội ngũ, ngoài việc nâng cao trình độ, năng lực cho giáo viên, nhà trường hết sức chú ý đến hai việc: bố trí hợp lý để ai cũng có thể phát huy tối đa khả năng của mình và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn trẻ.
Để làm được hai việc này lãnh đạo nhà trường phải sâu sát, đánh giá đúng năng lực của từng người trong trường; nhưng quan trọng hơn là làm sao để mọi người cùng đồng thuận, bởi vì khi bố trí một giáo viên trẻ có năng lực làm Tổ trưởng hay Tổ phó chuyên môn, rất dễ làm chạnh lòng những người lớn tuổi, những người đã công tác ở Trường nhiều năm.
Thực tế thầy cũng đã từng bị anh em hiểu lầm. Khó thật, nhưng phải tìm cách để làm, bởi nếu không, không thể nào nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Và thực tế năm nay, Trường THPT Nam Đàn 1 đã có 3/7 Tổ trưởng và 5/7 Tổ phó các tổ chuyên môn là những người trẻ.
Thầy Võ Thanh Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 3 - cho biết: Năm học 2013 - 2014, Trường có 35 lớp với 78 giáo viên. Trong đó, 33 người có trình độ thạc sĩ; 1 người đang làm luận văn tiến sĩ; 12 người là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, không thể làm ngày một ngày hai mà phải kiên trì, bền bỉ, liên tục, nhưng mỗi năm phải tập trung vào một vài nội dung. Nếu lơ là, bỏ qua năm nào là mình tụt hậu năm ấy.
Năm nay, nhà trường tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý đội ngũ thông qua các quy chế nội bộ ngoài các quy định của cấp trên. Mọi cán bộ, giáo viên dựa vào bộ quy chế mà chính mình đã biểu quyết thông qua để thực thi nhiệm vụ của mình và cũng được kiểm tra, giám sát việc thực thi đó theo bộ quy chế này.
Trên cơ sở thực hiện theo bộ quy chế, nhà trường phấn đấu để tạo ra sự công bằng một cách tối đa trong cán bộ, giáo viên; bởi chính sự công bằng sẽ tạo nên động lực để mọi người cùng tâm huyến, cùng gắng sức vì sự tiến bộ của học sinh.
(Theo: Gdtd.vn)