Bí ẩn những hòn đá biết đi ở thung lũng chết 10/06/2013 16:43:36
Racetrack Playa là một trong những nơi kì lạ nhất trên thế giới, với những hòn đá khổng lồ nhẹ nhàng di chuyển trên khắp vùng sa mạc dưới cái nóng 50 độ C. Điều này đã làm đau đầu giới khoa học trong nhiều năm qua… 
 
 
Thung lũng chết ở California có một nơi có tên gọi là "Racetrack Playa".

Racetrack Playa thực chất là một cái hồ khô, nằm ở độ cao 1130m trên mực nước biển, có chiều dài 4,5km và điều thú vị là bề mặt của nó hoàn toàn bằng phẳng (độ chênh lệch chiều cao chỉ khoảng 4cm giữa đầu hai phía bắc và nam).

Núi bao quanh hồ khô này chứa chủ yếu đá bạch vân, cao 1731m tính từ đáy hồ. Mỗi khi mưa xuống, nước chảy từ núi và tràn vào hồ, tạo thành một lưu vực đọng nước, không chảy ra sông hay biển mà chỉ bốc hơi cho đến khi hồ khô trở lại. Bởi vì nhiệt độ ở vùng này khá nóng, sau khi nước bốc hơi hết, mặt hồ chỉ còn lại một lớp bùn mềm; sau đó, các vết nứt trên bề mặt khiến mặt hồ trong như một mặt khảm. Tuy nhiên, điều kì lạ hơn nữa mà đến bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa thể hiểu được hoàn toàn, đó là nơi này có những hòn đá biết "bò". Và chính đặc điểm này đã biến nơi đây trở thành nơi độc nhất vô nhị trên thế giới.
 
 
Theo thời gian, các viên đá này rơi từ trên núi xuống đáy hồ, có những viên nặng đến 320kg. Tưởng chừng như sẽ nằm yên tại ví trí rơi xuống trong suốt mấy nghìn năm, những viên đá khổng lồ được tìm thấy nằm trên khắp trên mặt hồ, phía sau là những vết trượt dài giống như đã được đẩy đi, kéo dài đến hàng trăm mét. Bởi vì không hề có bằng chứng nào chứng tỏ có sự can thiệp của người và động vật, hiện tượng kì lạ này vẫn còn là một điều khó giải thích.

Những hòn đá này di chuyển theo nhiều hướng khác hẳn nhau. Ví dụ, 2 hòn đá nằm kế nhau, cùng có thời điểm bắt đầu giống nhau và di chuyển với tốc độ xấp xỉ như nhau, nhưng có viên bỗng nhiên dừng lại, hoặc thay đổi hướng di chuyển. Đôi lúc những viên đá bò này cũng quay ngược trở lại, di chuyển về điểm xuất phát ban đầu. Dấu vết chúng để lại khi di chuyển chỉ rộng trên dưới 30cm, và sâu nhất chỉ khoảng 2,5cm. Những vết dài nhất đã được hình thành qua rất nhiều năm, và tính đến thời điểm bây giờ, chưa có ai theo dõi được hiện tượng này xảy ra.
 
 
Năm 1972, 2 nhà nghiên cứu Bob Sharp và Dwight Carey bắt đầu cuộc nghiên cứu trong vòng 7 năm. 30 hòn đá được đặt tên và sự di chuyển của chúng được theo dõi bằng cách dùng cọc. Trong khoảng thời gian đó, 2 viên đá có cùng kích cỡ được đặt trong một khoảng có đường kính 1,7m, bao quanh bởi các thanh thép nằm cách nhau 64-76cm. Và kết quả thu được là chỉ một viên đá di chuyển, và viên kia nằm im. Kết thúc cuộc nghiên cứu, tổng cộng 28/30 hòn đá đã di chuyển, và chỉ di chuyển vào mùa đông. Viên đá nhỏ nhất sử dụng trong nghiên cứu có đường kính chỉ 6,5cm, nhưng lại “đi” được dài nhất (201m), trong khi đó, hòn đá lớn nhất có thể di chuyển được nặng 36kg. Hòn đá to nhất nặng đến 320kg, tuy nhiên, nó là một trong 2 viên không hề di chuyển. Trước năm 1994, viên đá khổng lồ này đã biến mất, nhưng 2 năm sau đó, nó lại được tìm thấy nằm cách vị trí biến mất 800m.

Một nghiên cứu khác thực hiện vào giữa những năm 90 đã kết luận rằng, những vệt dài được hình thành vào những năm 80s là kết quả của một tảng đá nổi khổng lồ (có thể rộng lên đến 800m) kết hợp với gió mạnh trong vùng (khoảng 145km/h).

Mặc dù vậy, trừ khi một ai đó có thể chứng kiến tận mắt được hiện tượng này, chúng ta vẫn không thể biết chắc chắn được làm thế nào mà những hòn đá khổng lồ này có thể đi lại quanh mặt hồ ở thung lũng chết.
 
 
 Lặng lẽ "đi" theo nhiều hướng khác nhau

Theo ANTD