Là nữ sinh người dân tộc Ê đê đầu tiên của Đại học Tây Nguyên được học bổng toàn phần ngành vật lý tại Cu Ba, sau khi tốt nghiệp, H’Linh H’Mok tiếp tục giành học bổng ở Mehico.
“Siêu” săn học bổng
Với lợi thế tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh tốt, nữ sinh H’Linh H’Mok biết cách kiếm bội tiền trong những chuyến về thăm quê bằng nghề làm hướng dẫn viên du lịch cho du khách nước ngoài. Ngày đầu năm mới, cô nữ sinh người dân tộc Ê Đê này đã “bật mí” về bí kíp săn học bổng và kiếm tiền để trang trải cuộc sống.
Nữ sinh người dân tộc Ê đê H'Linh H'Mok - niềm tự hào của buôn làng.
Sinh năm 1987, ở nơi miền đất đỏ cao nguyên của huyện EaH’Leo, tỉnh Đăk Lăk, dù gia cảnh khó khăn nhưng nữ sinh H’Linh H’Mok của trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Long liên tục dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Vì đam mê môn vật lý và nghề giảng dạy nên năm 2005, Linh đã thi đậu vào ngành Sư phạm Vật lý của ĐH Tây Nguyên.
Năm đầu của chương trình đại học, Linh đạt được thành tích cao trong học tập và năm 2006 em được vinh dự nhận bằng khen cấp tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động công tác đoàn năm học 2005 - 2006. Kết thúc năm nhất, Linh nhận được học bổng toàn phần cử nhân ngành vật lý của Trường ĐH Tổng hợp La Habana, Cu Ba.
Sinh viên nước ngoài đang khai tiệc sinh nhật tại gia đình chủ nhà người Cu Ba.
Có người hỏi tại sao con gái mà học Vật lý và ở Cu Ba, ai nghe đến ngành này cũng sợ vì ngành này rất khó nhưng em thích vật lý và toán nên càng học càng thấy thú vị, đặc biệt là nghiên cứu lại càng thú vị hơn nữa”, H’Linh chia sẻ.
Khi sang nước bạn, H’Linh có 8 tháng để học ngoại ngữ. Nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các anh chị đồng hương khóa trước, H’Linh đã hòa nhập nhanh với cuộc sống nơi đây.
Mặc dù đất nước bạn còn gặp nhiều khó khăn nhưng với H’Linh, người dân Cu Ba thật tuyệt vời. Linh đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ phía thầy cô, bạn bè và các gia đình người Cu Ba cả về học tập lẫn cuộc sống. Ngoài việc học tập, Linh còn tham gia nhiều event khoa học, tham gia viết báo để gởi đăng các tạp chí khoa học…
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ở Cu Ba, H’Linh lại nhận được học bổng toàn phần của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Mehico (CONACYT) để tiếp tục học lên chương trình thạc sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học của Ensenada, Baja California (CICESE).
Cô gái người dân tộc giàu nghị lực này luôn mong muốn quay về phát triển buôn làng.
Kiếm bội tiền nhờ làm hướng dẫn du lịch
Ngày khăn gói ra nước ngoài học tập, H’Linh nghĩ chắc phải 5 - 6 năm mới có điều kiện về thăm nhà vì chi phí cho một chuyến bay từ đất nước cách nửa vòng trái đất về Việt Nam rất đắt đỏ. Gia cảnh khó khăn, lại phụ thuộc hoàn toàn kinh phí học bổng tài trợ nên những ngày đầu, H’Linh “cắn răng” để quên đi nỗi nhớ nhà.
“Nhiều lần em nghe tin mẹ ốm mà lo lắng không yên, đã bao lần em ngủ mơ hay nhớ đến bố mà khóc. Bố em mất thì hơn một tháng sau em nhận được giấy báo du học. Giá như lúc ấy bố vẫn còn sống chắc sẽ hạnh phúc lắm”, H’Linh bồi hồi về quá khứ và chia sẻ.
May mắn thay, nơi nước bạn, H’Linh luôn được những anh chị đồng hương và người xứ bản địa yêu thương, chia sẻ. Sau 3 năm xa nhà, H’Linh đã biết cách kiếm tiền về thăm gia đình nhờ vốn ngoại ngữ của mình.
Linh giỏi tiếng Tây Ban Nha trong khi rất ít hướng dẫn viên người Việt Nam biết ngôn ngữ này, vì vậy mảng du khách đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha ở Việt Nam là một thị trường rộng lớn.
H’Linh trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ nhưng được nhiều công ty du lịch săn đón với số tiền lương… khủng. Thế là, mỗi dịp hè, H’Linh lại bay về Việt Nam vừa để thăm gia đình vừa làm hướng dẫn viên du lịch. H’Linh được các công ty du lịch “săn đón”.
Khách du lịch đến Việt Nam không những chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh của Việt Nam mà ngoài ra họ còn muốn hiểu biết thêm vế lịch sử, văn hóa, món ăn Việt Nam… chính vì thế mà lúc nào H’Linh cũng nhiệt tình giải thích cũng như giúp đỡ khách để khách có một chuyến đi đáng nhớ và không quên lưu giữ những hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam khi họ trở về nước.
Một tháng hè ở Việt Nam, Linh chỉ có vài ngày ghé thăm nhà ở Đăk Lăk, còn lại, Linh đưa du khách đi thăm quan Hội An, Huế… Thu nhập trong tháng hè của H’Linh vì thế cũng ngót nghét 100 triệu đồng. H’Linh dành hơn phân nửa số tiền này trang trải chi phí vé máy bay, còn lại cũng bỏ túi “rủng rỉnh” để lo cho cuộc sống cá nhân…
“Em thấy làm hướng dẫn viên du lịch cũng rất thú vị. Em rất thích công việc này vì ngoài được thực hành ngoài ngữ ra em còn được đi du lịch miễn phí rất nhiều nơi”, H’Linh tâm sự.
Trước khi chia tay lên đường sang Mehico tiếp tục chương trình học bổng, cô gái người dân tộc Ê đê này cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành một cách tốt nhất chương trình thạc sĩ để tiếp tục học lên chương trình tiến sĩ.
H’Linh cho biết, cô luôn nghĩ và mong mỏi một ngày không xa lại trở về Việt Nam để được cống hiến, để có thể làm gì đó giúp đỡ các em nhỏ đăc biệt là các em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học giỏi.
“Em chưa có sự hình dung rõ rệt về việc mình cần phải làm để có thể đóng góp cho sự phát triển của ngưới dân tộc Ê đê nhưng em sẽ luôn tìm kiếm cơ hội để có thể giúp đỡ người đồng bào mình” - H’Linh chia sẻ.
Theo: Tiin