Nhà nghèo, mẹ bị bệnh tâm thần, anh trai qua đời do tai nạn giao
thông, những nỗi đau dồn dập đến với Mai Thị Thắm. Nhưng cô học trò quê huyện
Quảng Xương (Thanh Hóa) đã gắng gượng vượt khó, xuất sắc đỗ thủ khoa ĐH Hồng
Đức. Mong ước của Thắm là thay anh gánh vác gia đình.
Khi chúng tôi tìm đến
nhà em Mai Thị Thắm cũng là lúc giữa trưa, dù đã biết tin con đậu thủ khoa
nhưng ẩn chứa trong hai khóe mắt lõm sâu của anh Mai Văn Qúy là một nỗi buồn
lo. Người cha nghèo ở vùng quê xã Quảng Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) có
cô con gái học giỏi, đậu thủ khoa nhưng anh cũng chẳng biết mình nên vui hay
buồn và rồi đây sẽ nuôi con ăn học bằng cách nào...
Em Mai Thị Thắm - thủ khoa ĐH Hồng Đức.
Tuy vừa tốt nghiệp THPT, nhưng trông vẻ ngoài Thắm rất chững chạc.
Tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (huyện Quảng Xương), Thắm mang theo
ước mơ trở thành cô giáo. Em đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm Ngữ Văn, Trường
ĐH Hồng Đức. Với nỗ lực của mình, Thắm đã đậu thủ khoa với 23,5 điểm. Trong đó,
Văn 7,5; Sử 7,5 và Địa 8,5 điểm.
Đậu đại học với số điểm cao, nhưng không giống như những thủ
khoa khác, Thắm không có được niềm vui trọn vẹn mà sau đó là một nỗi lo lắng vì
hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mẹ ốm đau, bà nội mất mới được 50 ngày thì đến
lượt anh trai cũng bỏ gia đình ra đi mãi mãi, chính vì thế, em rất buồn và càng
thương bố mẹ nhiều hơn.
“Nhà em cũng hoàn cảnh, mẹ em ốm, với lại sau sự việc
anh trai mất, em cũng rất buồn, em thương bố mẹ rất nhiều. Còn hai chị em
gái, nên em tự nhủ mình phải thay anh chăm sóc gia đình, em phải cố gắng nhiều,
học đạt kết quả thật tốt để giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn để thoát khỏi cảnh sống khổ
sở của gia đình”, Thắm chia sẻ.
Nói về kinh nghiệm học tập để đạt được kết quả cao trong quá trình
học các môn khoa học xã hội, Thắm khiêm tốn cho biết: “Độ thông minh của khối C
có lẽ không bằng khối A, khối C chỉ cần chăm chỉ, cần cù nhiều. Bên cạnh
đó cũng cần sự tư duy logic như các môn khoa học. Trong các môn học cần sự cố
gắng nhiều. Em chọn học khối C vì nó phù hợp với bạn thân và sở thích, đặc biệt
có được nhiều kinh nghiệm sống. Em học không được giỏi lắm. Năm lớp 12 em được
giải Ba cấp tỉnh môn Lịch Sử”.
Thương bố mẹ, em Mai Thị Thắm luôn nỗ lực trong học tập để bố được
vui.
Đã hơn 20 năm nay, mẹ em bị bệnh động kinh, tâm thần, cứ khoảng 7
năm là căn bệnh lại tái phát một lần. Mong muốn ra Hà Nội thi đại học, nhưng vì
hoàn cảnh gia đình nên em chọn thi ĐH Hồng Đức để gần nhà đỡ chi phí.
Ngồi bên cạnh cô con gái của mình, anh Qúy ngước nhìn lên bàn thờ
mẹ, nét mặt chùng xuống nói: “Bà nội cháu Thắm mất được 50 ngày thì anh trai
cháu bị tai nạn qua đời. Những ngày đầu khi anh trai mới mất, cháu học rất sa
sút, tưởng cháu không học được nữa, gia đình rất lo lắng. Vậy mà không ngờ là
cháu đã xuất sắc đậu thủ khoa”.
Con đậu đại học là niềm vui không nhỏ đối với bậc làm cha, làm mẹ,
nhưng với anh Qúy, vui là một chuyện, nhưng anh lại lo lắng hơn: “Con đậu đại
học, là người bố người mẹ lấy làm vui, nhưng lại lo lắng. Cho cháu đi học chứ
chưa biết xoay sở vào đâu”. Rồi anh tự an ủi: “Cứ lo cho cháu đi học, mình tính
sau. Mẹ thì ốm đau, bệnh tật như thế”.
Thắm tự nhủ mình phải thay anh trai chăm sóc gia đình.
Còn với Thắm, niềm vui đậu thủ khoa chưa trọn thì nỗi lo lắng cho
những ngày tới khi nhập trường lại hiện về: “Nói đến ngành Sư phạm, ở nông thôn
nhiều người e ngại. Mọi người nói khi học ra không có việc làm nên em rất ngại.
Em chỉ mong sao khi vào trường, cố gắng học thật tốt để sau này ra trường xin
được việc làm”.
Việc Thắm chọn thi ngành Sư phạm là vì trong gia đình bên ngoại có
nhiều người theo nghề Sư phạm nên mọi người hướng em thi vào ngành này. Mẹ bị
bệnh nên không làm được việc gì nặng, chỉ phụ giúp một số việc nhẹ trong gia
đình.
Gia đình nghèo, Thắm không có một góc học tập riêng. Hai chị em
chỉ có chung một chiếc bàn xếp nho nhỏ đặt trên giường ngủ để học. Thắm cũng
không có nhiều tài liệu để phục vụ học tập, cũng như không đi học thêm ở
ngoài. Trong khi đó, cô học trò còn thêm gánh nặng gia đình, nhiều hôm phải
thay mẹ làm những công việc trong nhà.
Hàng ngày, Thắm làm mọi công việc trong gia đình giúp bố.
Nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt cô thủ khoa ĐH Hồng Đức.
Nhà Thắm cách trường ĐH Hồng Đức hơn 10km nhưng em cũng chưa biết
phải lựa chọn như thế nào. Ở trọ lại thì gia đình khó khăn không đủ chi phí
trang trải, đi đi về về thì phương tiện không có.
Chia tay gia đình nữ thủ khoa ra về, tiễn chúng tôi không phải là
nụ cười tươi trong niềm vui đậu thủ khoa mà trong ánh mắt bố con em
Mai Thị Thắm chất chứa đầy nỗi niềm, như muốn nhắn gửi một điều gì đó…
Duy Tuyên (Dân
trí)