Tuổi đã cao nhưng TS Nguyễn Lê Đắc vẫn tâm huyết với sự nghiệp trồng người, nâng cao chất lượng dạy và học.
Cả cuộc đời gánh con chữ trên vai
Sinh ra ở và lớn lên ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ nhỏ cậu học trò nghèo Nguyễn Lê Đắc đã tỏ rõ sự thông minh vượt trội, ham học hỏi. Lớn lên với mong muốn có thêm cái chữ, mở mang hiểu biết cậu đã lăn lội ngược xuôi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức.
Trong những năm khói lửa của hai cuộc trường kỳ kháng chiến, là một người lính tiên phong cần mẫn diệt “giặc dốt”, ông đã tình nguyện đi dạy học ở các lớp thời kỳ kháng chiến. Đã không biết bao nhiêu thế hệ học sinh (HS) được người thầy ấy cần mẫn "đưa đò" để biết đến mặt con chữ, để hiều được điều những trang sách nói trong những căn hầm chật chội, trong những mái nhà tranh lợp vội làm lớp học dã chiến…
Nhận thấy ông là một người tâm huyết với sự nghiệp trồng người, ngành giáo dục tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ đã quyết định cử ông ra học tập nâng cao chuyên môn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ). Ngay sau khi tốt nghiệp, với kiến thức chuyên môn sâu rộng, ông được giữ lại làm giảng viên chuyên ngành Tâm lý học của trường.
Đến năm 1974, do một số lý do đặc biệt ông xin chuyển về công tác tại trường ĐH Sư phạm Vinh (nay là ĐH Vinh). Với kiến thức chuyên môn sâu rộng, khả năng truyền đạt tốt, lại có kinh nghiệm giảng dạy, ông nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình ở ngôi trường mới và trở thành một giảng viên có tiếng thời bấy giờ.
Sau 10 năm công tác, phấn đấu tại Trường ĐH Sư phạm Vinh, ông Đắc đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành Tâm lý học và trở thành một cán bộ cốt cán của ngành giáo dục Nghệ Tĩnh. Nhưng ông vẫn luôn trăn trở, không ngừng tìm tòi nghiên cứu hoàn thiện phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo ở từng giờ lên lớp.
Trong một lần về thăm quê, ông Đắc băn khoăn với thực trạng giáo dục của quê nhà. Còn rất nhiều HS mong muốn được đến lớp, được đến trường nhưng do điều kiện cơ sở vật chất của địa phương lúc bấy giờ còn có hạn nên không thể đáp ứng được. Chính vì vậy còn rất nhiều HS sau khi học xong cấp 2 phải nghỉ học ở nhà.
Đúng lúc này lãnh đạo địa phương lại bất ngờ gợi ý, đề nghị ông thành lập một trường THPT dân lập trên địa bàn. Như được “gãi đúng chỗ ngứa”, ông Đắc bừng tỉnh. Với tâm huyết, mong mỏi được đóng góp xây dựng cho quê hương, tròn một năm sau ngày nhận được lời gợi ý bất ngờ đó, ông Đắc khiến lãnh đạo địa phương phải “tròn xoe mắt” với bản đề án thành lập ngôi trường THPT dân lập mang tên vị bác sĩ nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện. Và ông đã chuẩn bị mọi thứ cần và đủ để công cuộc xây dựng trường.
Bán nhà thành phố để... lên núi lập trường
Trong một thời gian ngắn, ông Đắc đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để khai sinh ngôi trường. Nhưng do kinh phí hỗ trợ của Nhà nước ít, nên việc lo đủ số tiền khổng lồ để xây dựng sở vật chất mua sắm trang thiết bị là hết sức khó khăn.
Trăn trở, trằn trọc lo lắng nghĩ tới thực trạng giáo dục của huyện nhà lúc bấy giờ, ông càng quyết tâm hiện thực hóa ngôi trường trong mơ của mình cho kỳ được. “Khi đó tôi về bàn với vợ con, hay nó cách khác là “xui” vợ bán căn nhà ở thành phố rồi chuyển cả gia đình lên đây ở trong trường, lấy số tiền đó để đầu tư vào cơ sở vật chất của trường… Phải mất nhiều thời gian lắm, tôi mới “xúi” được bà ấy bán nhà lấy tiền xây trường đó”, ở cái tuổi xế chiều, thầy Đắc móm mém cười tâm sự.
Thầy Đắc vui vẻ giải thích về phương pháp “lạ” mà mình áp dụng.
Tất cả cơ ngơi của mình ở thành phố, ông đã bán sạch, dồn hết tiền vào thêm kinh phí xây dựng trường. Vậy là vấn đề kinh phí tạm thời được giải quyết.
Không ít người lúc bấy giờ gọi ông là lão “gàn” dở, vì chẳng ai lại bán nhà mình đang ở để đi xây trường học bao giờ, rồi họ tự khẳng định với nhau rằng ông sẽ thất bại, cái “ngông cuồng” của ông sẽ phải trả giá.
Ngày 19/8/1997, sau bao nỗ lực cố gắng, ngôi trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện đã chính thức được thành lập đóng trên địa bàn xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh), do Tiến sĩ Nguyễn Lê Đắc đích thân làm hiệu trưởng.
Trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện - ngôi trường mà TS Nguyễn Lê Đắc áp dụng những phương pháp mới “lạ” vào giảng dạy.
Trường học tách riêng nam - nữ, tiết học kéo dài 90 phút
Vượt qua những khó khăn ban đầu với sự hỗ trợ quan tâm của ngành giáo dục địa phương, hiệu trưởng Nguyễn Lê Đắc đã mạnh dạn áp dụng những phương pháp và nguyên tắc giáo dục chưa từng có tiền lệ để đưa vào ngôi trường của mình.
Nhưng điều khiến ông Đắc ngày đêm suy nghĩ là phải làm sao nâng cao chất lượng giáo dục khi mà HS vào trường của ông đều có học lực trung bình và một số HS cá biệt. Ông quan niệm “phương pháp đào tạo quyết định chất lượng HS”. Và cuối cùng ông quyết định thay đổi thời gian học từ một tiết 45 phút lên đến 90 phút.
Giải thích cho những phương pháp đặc biệt mà ông đưa vào ứng dụng, là một tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý học và từ kinh nghiệm giảng dạy của mình, thầy Đắc nói: “Mỗi tiết học chỉ có 45 phút thì thời gian ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, dặn dò HS chuẩn bị bài ở nhà đã mất 10 -15 phút. Như vậy, thời gian giảng bài mới của giáo viên sẽ còn rất ít, HS không thể tiếp thu hết kiến thức quy định trong tiết học đó. Vì vậy tiết học 90 phút đối với học sinh cấp 3 là để rèn luyện “độ bền”, tính kiên trì và sự tập trung cao độ”.
Đối với mỗi tiết học, thầy Đắc yêu cầu giáo viên chỉ giảng bài mới trong vòng 40 - 45 phút. Thời gian còn lại là học trò hỏi giáo viên trả lời. Sau mỗi tiết học thì các em sẽ được nghỉ 20 phút.
Thầy Đắc cho rằng: "Sự chú ý là một trạng thái tâm lý đặc biệt quan trọng để mang lại hiệu quả làm việc không những chỉ trong ngành giáo dục nói riêng mà tất cả các ngành nghề khác trong xã hội. Vậy nên để nâng cao chất lượng học trên mỗi giờ lên lớp của HS, tôi đề ra các phương pháp dạy học như vậy để giảm thiểu tối đa sự chú ý của HS vào những việc khác và dành sự chú ý đó vào việc nhận thức và tiếp thu bài vở trên lớp".
Nhưng còn một thực trạng làm ông đau đầu bây giờ là HS trong trường hay xảy ra gây gổ đánh nhau. Là một tiến sĩ tâm lý, ông cho rằng HS cấp ba là lứa tuổi mới lớn, bắt đầu phát triển tình cảm giới tính, các em thường thích chứng tỏ mình. Vì vậy đó là nguyên nhân xảy ra các vụ HS đánh nhau. Chính vì vậy ông quyết định tách riêng nam, nữ. Theo ông Đắc, việc tách riêng nam nữ như vậy là để các em có thể thoái mái trao đổi kiến thức mà không còn ngại ngùng bạn khác giới. Còn các bạn nam, khi không trêu chọc các bạn nữ thì các em sẽ tập trung vào việc học hơn.
Tại trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện, các lớp học tách riêng học sinh nam và nữ.
Những phương pháp “lạ” được thầy Đắc áp dụng trong cách giáo dục của mình nhận được nhiều phản ứng trái chiều khác nhau. Nhưng theo ghi nhận thì luồng ý kiến tán thành vẫn chiếm tỉ lệ đa số.
Khi chúng tôi hỏi một số HS đang theo học tại trường thì tỉ lệ HS đồng ý với phương pháp tách riêng HS nam và nữ của thầy Đắc là khoảng 65%, 25% không đồng ý, số còn lại không có ý kiến gì. Phần HS đồng ý chủ yếu là các HS nữ.
Và thực tế cũng đã chứng minh cho những phương pháp đó đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Khi nhìn nhận chất lượng đầu vào của đại đa số các em HS khi vào học tại các trường dân lập phần đa đều là những em có học lực kém, hoặc không tốt lắm… nhưng tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp ở trường luôn chiếm tỉ lệ cao so với các trường công lập đóng trên địa bàn có chất lượng HS đầu vào cao hơn.
Năm học vừa qua, tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp của trường đạt 99%. Tính đến nay, trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện đã đi vào hoạt động được 15 năm. Những quy tắc “lạ” của ông Đắc lúc đầu thường nhận được những ý kiến trái chiều nhưng đa số HS của ông đều thích thú với cách làm này.
Là hiệu trưởng một trường ở miền núi nghèo huyện Hương Sơn, ông Nguyễn Lê Đắc luôn muốn tạo điều kiện để HS có điều kiện học tập tốt nhất, có điều kiện đến trường. Vì vậy mức học phí nhà trường đề ra là 140.000 đồng/tháng (năm học 2011 - 2012), thấp hơn nhiều so với các trường dân lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.
Dù đã ở tuối “xế chiều” nhưng ông Đắc luôn nhiệt tình với sự nghiệp trồng người của mình. Có những buổi học, giáo viên bộ môn có việc đột xuất không thể đến lớp thì hiệu trưởng Đắc sẽ đích thân lên lớp, không để các em phải thiếu bất kỳ tiết học nào trong thời khóa biểu.
Dù bất kỳ lúc nào nếu có tiết học nào trống giáo viên, thầy hiệu trưởng Nguyễn Lê Đắc vẫn có mặt để “chữa cháy” ngay.
(theo Dantri)