Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi tin học trẻ toàn quốc (phần mềm), cậu học sinh lớp 5 trường tiểu học Chi Lăng (quận Tân Bình), Hảo đã cắp sách đến giảng đường 100% người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Nguyễn Dương Kim Hảo.
Đều sinh sau năm 2000. Đã có rất nhiều gương mặt 10X sớm bộc lộ khả năng đặc biệt của mình trên rất nhiều lĩnh vực: âm nhạc, thể thao, văn học, sáng chế... Tìm một hướng đi cho trẻ sớm phát lộ năng khiếu là điều mà nhiều bậc phụ huynh đang hướng đến...
12 tuổi, gương mặt bầu bĩnh, nói chuyện lễ phép, nhưng đến khi vào lớp tại trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế FPT-APTECH, cậu bé này lại hết sức đĩnh đạc. Em có thể thảo luận ngang ngửa với các anh chị sinh viên, thậm chí có người đã ra trường, đi làm. Đó là Nguyễn Dương Kim Hảo (lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM).
“Sinh viên” lớp... 6
Năm 2012, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi tin học trẻ toàn quốc (phần mềm), Nguyễn Dương Kim Hảo được Thành đoàn TP.HCM trao một phần học bổng là hai khóa học làm quen với ngôn ngữ lập trình tại Trung tâm FPT-APTECH. Thế là dù chỉ mới học lớp 5 trường tiểu học Chi Lăng (quận Tân Bình), Hảo đã cắp sách đến một lớp học 100% người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Ngày đầu tiên đến lớp, nhân viên bảo vệ đã chặn cả hai mẹ con Hảo lại vì “ở đây không có dạy cho con nít đâu”, nhưng rồi chỉ hai tháng sau đó, cậu bé bụ bẫm, đứng chưa đến vai các bạn học đã có mã số sinh viên. Học hết học bổng, quyết tâm phải học tới cùng để trở thành một lập trình viên quốc tế chuyên nghiệp, Hảo xin ba mẹ cho phép học tiếp.
Học đến đâu Hảo tiếp thu trọn vẹn đến đó. Việc họp nhóm, làm đồ án với các sinh viên khác, lên thuyết trình... trở thành một phần rất bình thường trong cuộc sống của em, bên cạnh việc học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều. Nhiều môn Hảo đã được nêu tên trên bảng vàng, vị trí dành cho sinh viên xuất sắc nhất trong môn học tại mỗi trung tâm.
Cô Trần Thị Hường (giảng viên dạy bộ môn lập trình viên của Hảo) cho biết: “Trình độ của Hảo tốt đến mức lúc đầu tôi cứ tưởng em là người lớn nhưng có thể trạng nhỏ, sau này hỏi ra mới biết cậu bé thật sự chỉ mới 12 tuổi, bất ngờ lắm! Theo tôi, Hảo tuy còn nhỏ nhưng nắm khá vững kiến thức căn bản về lập trình, tiếp thu bài nhanh và làm xong bài sớm, em còn hỗ trợ, giúp đỡ hướng dẫn những bạn bè khác. Nếu được đầu tư lâu dài và tự bản thân nỗ lực, tôi nghĩ Hảo có thể đi rất xa”.
Không chỉ là một “hiện tượng lạ” khi học lập trình ở lớp, về nhà Hảo cũng đã khiến nhiều người ngạc nhiên với góc học... điện của em. Rất nhiều linh kiện điện tử được sắp xếp ngăn nắp trong từng ngăn tủ ở bàn và khi hỏi Hảo có thể trả lời rất rành rọt tên và công dụng của mọi loại linh kiện.
Được biết tất cả linh kiện này đều do chính Hảo tự mày mò, lang thang tìm mua trong chợ Nhật Tảo (quận 10). Mua về, Hảo một mình mày mò chế ra mạch điều khiển và mô hình cho bảng điều khiển thông minh, một phần mềm mà người dùng có thể dùng máy vi tính hoặc điện thoại di động để bật tắt, điều khiển tất cả thiết bị điện trong nhà (tủ lạnh, tivi, máy giặt...) dễ dàng. Chế tạo xong, đoạt giải rồi, cậu bé này vẫn chưa thấy thỏa mãn, thế là mỗi ngày cứ học bài xong, Hảo lại lôi máy tính, dây điện ra tìm cách thêm cái này bớt cái kia, đến nay thì phần mềm này đã có thêm chức năng báo động khi có trộm vào nhà.
Bằng cách nào mà một cậu bé 12 tuổi, mới bắt đầu học môn vật lý cách đây bốn tháng nhưng lại có thể nói rành rọt về các nguyên tắc hoạt động của điện, các phần mềm máy tính và ứng dụng thành thạo đến thế? “Con tự học trên mạng từ hồi lớp 3, con vô mấy diễn đàn đọc hoài là biết, cái gì khó lắm con mới hỏi vì hầu như các anh đã cung cấp rất đầy đủ rồi ạ”.
Cậu học trò huyện vùng sâu Bình Phục Nhứt
Cách đây không lâu, Hảo vẫn còn là một cậu học trò ở huyện vùng sâu Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, nơi mà ngay cả việc mua linh kiện điện tử đơn giản cũng rất khó khăn, phải lên đến Mỹ Tho (cách đó 20km). Chính vì thế, sau khi cậu bé này đoạt giải ba tin học trẻ toàn quốc (phần kiến thức chung), chị Dương Trần Thanh Thảo, mẹ Hảo cho biết: “các anh trong Thành đoàn TP.HCM đã động viên gia đình tôi cho cháu lên thành phố học để có điều kiện phát triển khả năng hơn”.
Suy nghĩ tới lui, quyết định cũng rất khó khăn vì gia đình neo đơn, cuối cùng chị Thảo đã cùng Hảo lên TP.HCM, sống trong một căn hộ tập thể bé xíu ở đường Nghĩa Phát (quận Tân Bình) của gia đình dì ruột Hảo, trong khi ba em, anh Nguyễn Kim Hải, vẫn ở lại tiếp tục công việc dạy học tại trường THCS Bình Phục Nhứt.
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là ba mẹ đặt áp lực lên cho Hảo, “nhà không có ai giỏi về tin học, điện tử nên cũng không chỉ dạy được nhiều cho cháu, chỉ thấy con thích nên gia đình cũng cố gắng tạo điều kiện cho bé được tự do khám phá. Ví dụ, khi lên đây bé mua linh kiện gì cũng thoải mái hơn vì không sợ bị hư, không có cái để làm tiếp như ở dưới quê, lại có thầy cô, bạn bè trong lớp FPT để thảo luận, hướng dẫn cho các đam mê của bé. Dù có hơi vất vả vì nhà đơn chiếc nhưng tôi nghĩ là mình đã quyết định đúng” - mẹ Hảo cho biết.
Ngoài học chính quy ở lớp, Hảo đang theo học ngôn ngữ lập trình tại APTECH.
Lịch học, sinh hoạt của Hảo cũng khá nhẹ nhàng và đúng kiểu phát triển tự nhiên. Không đi học thêm môn nào ở trường, mỗi buổi chiều lại được tự do chơi với máy tính, lắp ráp các thiết bị điện tử, tối cứ đúng 10 giờ là đi ngủ. Không chỉ học cho riêng mình, Hảo cũng có những cách riêng để chia sẻ tình yêu công nghệ với mọi người, nhất là trong gia đình. Mới đây Hảo vừa chế tạo một hộp nhạc để ba tặng sinh nhật mẹ, trong dịp hiếm hoi ba Hảo có thể lên thăm em vào Tết Dương lịch.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Hảo cho biết: “Con muốn sau này trở thành một lập trình viên giỏi và sẽ có ba ở chung để ráp điện chung với con. Làm một mình buồn lắm, với những lúc khó quá con phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới ra được, không ai chỉ con hết”.
Cùng với sự hỗ trợ của gia đình, Thành đoàn TP.HCM đã đồng hành cùng với em bằng học bổng Bảo trợ tài năng trẻ trị giá 20 triệu đồng nhằm tài trợ cho việc thử nghiệm, chế tạo các thiết bị điện tử mới của Hảo. Nhờ đó, hiện nay Hảo đang tiếp tục nghiên cứu và lên kế hoạch để cho ra đời phần mềm Học tốt và thiết bị điều khiển máy tính từ xa cho các thầy cô khi giảng dạy.
“Thiết bị bình thường chỉ có điều khiển slide qua lại trên power point thôi, cái này con thêm vào nhiều tính năng khác như lật ô chữ, hiệu ứng âm thanh... để lúc học tụi con sẽ thấy hứng thú hơn”, nhà phát minh nhí cho biết.
Theo Tuổi Trẻ