Khi Ban Giám hiệu công bố bảng vàng thành tích của Lê Thị Huỳnh Như (lớp 10A1, thủ khoa đợt tuyển lớp 10 của trường) thì “dân tình” trong trường đã xôn xao: “Con nhà ai mà giỏi ghê ta…”. Muốn biết con nhà ai thì phải theo “thủ khoa” về tận nhà thôi!
Không chỉ bẻ giỏ, Như còn là “chuyên gia” phân loại ve chai giúp mẹ
Thành tích của Huỳnh Như ghi trong bảng vàng danh dự của trường
5 năm đi nhờ xe của bạn
Điều thú vị đầu tiên là khi Như vừa bước ra khỏi cổng trường, là đã có một bạn dựng xe đạp điện chờ sẵn để chở Như về nhà. “Nữ tài xế” xinh xắn - Mỹ Hoàng (lớp 10A2, THPT Quang Trung) chia sẻ: “Nhà Như chỉ có 1 chiếc xe đạp để mẹ đi thu mua ve chai. Hai đứa lại học cùng buổi nên 5 năm nay ngày nào tớ cũng qua chở Như đi học. Trên đường đi, Như hay “khảo bài” và chỉ cho tớ nhiều chiêu học tập hay ho lắm…”.
“Nghệ nhân bẻ giỏ”
Vừa về đến nhà, không có thời gian tiếp khách vì đã sắp đến giờ giao hàng cho người ta, Như vội đem ghế ra khoảnh sân chất đầy giỏ tre đan và bắt đầu “bẻ giỏ” (lấy giỏ tre đan sẵn, ráp với miệng giỏ rồi gấp những thanh tre thừa phía trên để gắn chúng lại với nhau). Cứ khoảng 10 phút cần mẫn, Như “xử” xong một giỏ. Rồi cô “nghệ nhân” dừng tay lại “khoe”: “Bình thường tiền công bẻ giỏ chỉ là 400 đồng, nhưng vì tớ làm chu đáo, được nhiều người khen nên người ta tăng lương thành 500 đồng/giỏ đó”.
Thương mẹ đi lượm ve chai cực nhọc, ba bị đau lưng chỉ có thể ở nhà bẻ giỏ kiếm tiền, nên từ nhỏ Như đã trở thành “nghệ nhân bẻ giỏ” phụ ba. Ba Như khoe: “Nhìn nó nhỏ con vậy chứ bẻ giỏ còn khéo và nhanh hơn chú nữa. Có bữa nó không ngủ trưa ngồi bẻ giỏ được gần 30 cái, kiếm thêm được hơn chục ngàn mà thấy thương…”.
Tổng đài Má Như
Bẻ giỏ xong Như lại tất bật xem bài cho buổi chiều học phụ đạo. Vừa ngồi vào bàn đã nghe chuông điện thoại reng reng, Như nhấc máy và bắt đầu giảng bài từ xa. Như nói vui: “Ở lớp tụi bạn gọi tớ là Tổng đài Má Như, chuyên giải đáp thắc mắc các bài học. Có bạn hỏi nhiều đến độ quen lịch của tớ luôn, biết khi nào tớ đang bẻ giỏ, biết khi nào tớ đang nấu ăn, làm việc nhà, biết khi nào tớ đang ngồi học để canh giờ điện thoại hỏi bài…”.
Đau đầu vì quá nhiều… giấy khen Như dắt chúng tớ đi tham quan ngôi nhà tình thương xây từ 5 năm trước, tường gạch còn chưa có tiền để tráng xi măng. Chỉ lên bức tường nhà treo đầy giấy khen, Nhi cười: “Đây là niềm tự hào của tớ, nhưng chỉ là một phần nhỏ thôi, vì không có đủ khung để treo hết lên đây. Lúc trước đã từng treo thử nhưng tường ẩm làm giấy khen bị phai màu nên tớ tháo xuống và cất trong tủ”.
Cả ngôi nhà tạm bợ như sáng bừng lên với bộ sưu tập giấy khen và nụ cười lạc quan của cô bạn nhỏ.
(Theo: Mực tím)