Cảm phục người thầy trên xe lăn 31/10/2012 10:34:58

Hơn 5 năm qua, trên chiếc xe lăn cũ kĩ, thầy giáo tật nguyền vẫn lặng lẽ dạy học cho những đứa trẻ nghèo để thấy mình vẫn còn có ích giữa cuộc đời…

Đó là thầy Tư Trang (Phạm Viết Trang), SN 1971, ở làng Gia Hội, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nằm cách Quốc lộ 1A chừng 30 km về phía Tây, làng Gia Hội lọt thỏm giữa những ngọn núi cao chót vót, đường vào thôn nhiều đoạn dốc đá dựng đứng với nhiều khúc cua tay áo.

Trong căn phòng rộng chưa đầy 20m2, với những bộ bàn ghế mộc mạc, chiếc bảng đen cũ kĩ, thầy Tư Trang và học trò hằng ngày miệt mài với cái chữ, con số. Lớp học của thầy không phân biệt độ tuổi và cấp học, học sinh ở đây trình độ rất khác nhau, có em đang học lớp 2 - 3, cũng có em đang học lớp 6 - 7. Thầy không dạy theo chương trình mà trực tiếp kèm từng em. Em Nguyễn Khánh Ly, học sinh lớp 7 cho biết: “Ở trường thời gian có hạn, thầy cô giảng bài nhanh nên em không nắm bắt hết những kiến thức trong sách giáo khoa. Buổi chiều em tranh thủ đến lớp học của thầy để được giảng giải cặn kẽ đến khi hiểu thấu mới thôi. Nhiều đêm tụi em cùng thầy thức đến khuya để tìm ra bằng được lời giải của bài toán khó hay chỉ để luận bàn về một bài văn”.

Không kể mưa nắng, trong căn nhà cấp 4 xập xệ, lúc nào cũng rất nhiều học sinh đến học. Thầy Trang tâm sự: “Các em theo học ở đây còn phụ thuộc vào thời khóa biểu ở trường nên tôi tổ chức dạy cả ngày để các em thuận tiện chọn buổi để học. Có hôm học sinh đến quá đông, thầy phải huy động các em lớn tuổi bưng bê các vật dụng trong nhà ra ngoài sân để có chỗ cho các em ngồi học”.

Thầy giáo Tư Trang bị tật nguyền vẫn dạy chữ cho học sinh nghèo.
Thầy giáo Tư Trang bị tật nguyền vẫn dạy chữ cho học sinh nghèo.

Bén duyên với nghề dạy học được 5 năm, chứng kiến những học sinh của mình ngày càng tiến bộ. Đó là niềm an ủi người thầy tật nguyền kể từ khi bi kịch cuộc đời ập đến.

Sinh ra lành lặn, nhưng năm 33 tuổi thầy gặp tai nạn lao động bị gãy xương sống, đôi chân bị liệt. Từ đó, cuộc đời thầy gắn liền với chiếc xe lăn. Một thời gian dài thầy chỉ quanh quẩn trong nhà thay vợ lo bữa cơm gia đình, chăm sóc con cái. Và rồi cái ý định mở lớp dạy học lóe lên trong đầu khi thầy tình cờ nghe được những lời phàn nàn của thầy cô giáo về việc học của con em trong làng. Phần lớn người dân trong thôn làm nông, quanh năm bận bịu với công việc đồng áng nên ít quan tâm đến việc học của con em mình, nhiều em vì thế học hành sa sút, có em bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh quá khó khăn. Thấy vậy, thầy muốn làm một điều gì đó cho tụi nhỏ để chúng sau này không phải khổ vì thất học. Từ đó, lớp học thêm tại nhà của thầy Tư Trang mở ra, học trò đến ngày càng đông. Thấy thầy mất nhiều công sức với con em mình, các phụ huynh đến xin nộp tiền học phí nhưng thầy một mực từ chối vì không muốn nhận tiền của những người nghèo như mình. Không biết làm cách nào, họ tình nguyện phụ giúp thầy những công việc nặng nhọc trong gia đình mà một người khuyết tật như thầy không thể gánh vác nổi. Thương thầy, học sinh nhiều khi đến lớp ngoài sách vở còn mang theo bó rau, con cá để giúp gia đình thầy cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Phần thưởng lớn nhất mà thầy nhận được từ những học trò nghèo có lẽ là những tờ giấy khen, những điểm 10 mà tụi nhỏ mang ra khoe mỗi khi đến lớp. Nhờ thầy mà nhiều em tiến bộ trông thấy. Em Nguyễn Công Cường, từ một học sinh yếu kém đã vươn lên tiên tiến rồi trở thành học sinh giỏi. Và hơn thế nữa, những học sinh nghèo bỏ học giữa chừng được thầy “lăn bánh” đến từng nhà động viên, khuyến khích nên nhiều em tưởng như thất học lại có cơ hội đến trường.

Năm tháng vẫn trôi, người thầy tật nguyền ấy vẫn lặng lẽ dạy học cho những đứa trẻ nghèo để thấy mình còn có ích giữa cuộc đời…

Theo Ngọc Viên (Người Cao Tuổi)