Sinh viên già nhất VN: “Tôi đi học không phải để lấy bằng” 18/07/2014 09:12:36

Chỉ còn 2 tháng nữa, sinh viên già nhất Việt Nam sẽ nhận tấm bằng đại học chuyên ngành Luật Kinh tế. Tuy nhiên, “cụ sinh viên” không mấy quan tâm đến tấm bằng này.

Ông Hoàng Ân, 82 tuổi, thôn Tân Phượng, Tân Mỹ, TP Bắc Giang, là sinh viên nhiều tuổi nhất Việt Nam hiện nay. Ông sắp hoàn thành 5 năm học tại Đại học Mở Hà Nội, chuyên ngành Luật Kinh tế, hệ từ xa.

“Giáo sư” đi học đại học

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ rêu phong, nhiều mảng vữa bong tróc, một ông lão dáng người bệ vệ, tập tễnh từng bước khó nhọc tới chiếc bàn chất đầy sách vở. Mấy ngày trở trời, vết thương thời chiến tranh tái phát, khớp xương đau nhức khiến ông đi lại nặng nề hơn.

Ngồi vào chiếc bàn học, vuốt lại mấy sợi tóc bạc vắt qua vầng trán hói, “cụ sinh viên” Hoàng Ân bắt đầu buổi học ôn cho kỳ thi tốt nghiệp đại học vào tháng 9 tới.

5 năm qua, người dân làng Tân Phượng đã quen với hình ảnh ông lão tóc bạc đeo cặp sách, cưỡi xe Chaly cà tàng đi học vào mỗi dịp cuối tuần.

Trái ngược với dáng vẻ chậm chạp của tuổi già, giọng ông sôi nổi khi kể lại những ngày đầu nhập học: “Nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, tôi sung sướng như được trở về thời trai trẻ. Đến giảng đường, bạn học cùng lớp đều trạc tuổi con cháu mình. Nhiều bạn hỏi: Giáo sư tìm ai ạ? Tôi nói đi tìm chữ. Họ không tin cho tới khi tôi ngồi nghe giảng ở bàn của học viên”. Nói đến đây, ông Ân bật cười sảng khoái, lộ ra hàm răng móm mém.

Sinh viên già nhất VN: “Tôi đi học không phải để lấy bằng” - 1

Ông Hoàng Ân, sinh viên già nhất VN ôn thi chuẩn bị cho kỳ thì tốt nghiệp ĐH.

Khi quyết định học đại học, ông Ân đã 77 tuổi. Sự kiện ông lão “thất thập cổ lai hy” đi học đại học trở thành đề tài bàn tán xôn xao của bà con làng xóm. Nhiều người nói ông làm việc ngược đời, không tin ông có thể học hết 5 năm. Vợ con ngăn cản vì lo ông vất vả, không đủ sức khoẻ.

“Ở cái tuổi kề miệng lỗ, lẽ ra tôi nên nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu. Nhưng tôi vốn thích học để mở mang đầu óc. Trước đây, vì kinh tế khó khăn, tôi mải lo cho con cái yên bề gia thất, về già mới dám nghĩ đến chuyện học hành” - "Cụ sinh viên" chia sẻ.

Ông Ân cho biết, trước đây từng làm kế toán, năm 1965, được cử đi học ở Trường Cán bộ Tài chính Kế toán Ngân hàng Trung ương, nay là Học viện Tài chính. Đến năm 1970 tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm kế toán trưởng rồi chủ nhiệm hợp tác xã mua bán Hà Bắc.

Sau khi nghỉ hưu, ông đam mê nghiên cứu, viết sử cho các dòng họ, đình chùa địa phương, tham gia cộng tác với Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ông viết tài liệu tham khảo ở một số hội thảo sử học về bảo tồn di sản. Công việc này cũng là nguồn động lực thôi thúc ông Ân đi học để tăng kiến thức, khả năng phân tích, tổng hợp.

“Khi chưa đi học, tôi viết bài tham luận thường dài từ 15-16 trang. Đi học tôi biết thêm nhiều, trí não cũng hoạt động nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, nên tôi viết sử ngắn gọn và hay hơn.” - Ông Ân tự hào nói.

Ông Ân cho biết mình chọn ngành Luật Kinh tế vì muốn giúp bà con ở quê, tư vấn để họ đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm.

Thẻ học viên và giấy báo nhập học của ông Hoàng Ân

“Tôi đi học không phải để lấy bằng”

Trong 5 năm học, cũng có lúc ông Ân tưởng phải bỏ học giữa chừng vì tuổi già, sức yếu. Năm ngoái, đúng vào ngày thi hết môn, ông bị ốm liền mấy ngày, nhưng vẫn xin giảng viên được nộp bài vào những ngày sau đó.

Lão sinh viên chia sẻ: “Tuổi già, sức khoẻ không nói trước được, nay khoẻ mai ốm cũng là chuyện thường. Những lúc ốm nhẹ tôi vẫn cố đi, nặng quá mới nghỉ. May mắn cho tôi vẫn còn bộ não minh mẫn, nhanh nhẹn. Trên lớp, nhiều giảng viên giảng rất nhanh nhưng tôi vẫn ghi kịp và tổng hợp được”.

Mỗi khi kết thúc năm học, hội khuyến học địa phương mời ông ra nhận thưởng khuyến học. Phần thưởng chỉ là mấy cuốn sổ, bút, nhưng ông rất phấn chấn đi lĩnh thưởng cùng các cháu học sinh. Ông coi đó là điều thú vị khi đi học ở tuổi 80.

Với những người trẻ, đi học lấy bằng chủ yếu để có một công việc tốt, thu nhập ổn định. Nhưng với “cụ sinh viên” Hoàng Ân, điều đó không quan trọng, ông nói: “Tôi đi học để lấy kiến thức và vì ham thích. Được cấp một tấm bằng danh dự, ghi nhận tôi từng học ở Đại học Mở Hà Nội, đó đã là thành công lớn rồi. Bằng khá hay giỏi tôi cũng chỉ giữ làm kỷ niệm và để nhắc nhở con cháu lấy sự học làm trọng”.

Các cháu thấy ông học say mê cũng noi theo gương học tập chăm chỉ, ông Ân có 4 đứa cháu là thạc sĩ, 8 cháu vào đại học. Trong dòng họ, nhiều người đỗ đạt cao và làm nhiều chức vụ quan trọng.

Khi ông Hoàng Ân nhập học, Bộ giáo dục & đào tạo, Viện Đại học Mở về thăm và tặng toàn bộ giáo trình của 5 năm học để động viên tinh thần ham học của ông. Ông được miễn học 12 môn, giảm 50% học phí. Lớp học của ông Ân chỉ học tập trung vào thứ 7, Chủ nhật do các giáo sư, tiến sĩ từ Hà Nội về giảng dạy.

Ở thành phố Bắc Giang không chỉ có ông Ân là sinh viên đặc biệt. Còn một sinh viên cao tuổi nữa, đó là ông Nguyễn Văn Thành, 74 tuổi, học cùng lớp ông Ân.

Tất Định (Khampha.vn)