'Cẩm nang sinh tồn' cho tân sinh viên 14/10/2013 11:13:40
Sinh viên năm nhất, đặc biệt là những bạn trọ học xa nhà khi bước vào một môi trường mới sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ và lo lắng.
 
Tự lập - tuy ai cũng muốn - nhưng không hề dễ thực hiện. Dưới đây là một số bí quyết dành cho tân sinh viên.
 
Sinh viên bước vào cánh cửa đại học với mong muốn tự lập.
 
Luôn mang bản đồ theo người

Đối với những bạn sinh viên lần đầu tiên đến một nơi ở mới, đường đi vẫn còn chưa biết hoặc hay quên thì nên có thói quen mang theo bản đồ. Bạn có thể gập nhỏ bỏ vào ba lô, túi xách, khi cần tra cứu thì sử dụng. Hoặc bạn có thể tìm đường qua Google map mọi lúc mọi nơi chỉ bằng một chiếc điện thoại có thể kết nối 3G để tránh muộn học, muộn thi, lỡ một chuyến bus, thậm chí thảm hoạ hơn là cho người yêu “leo cây”, tất cả chỉ tại lạc đường.

Cảnh giác với người lạ

Không nên thường xuyên đa nghi, nhưng sự cảnh giác trong một số trường hợp có thể giúp bạn thoát khỏi nguy hiểm và bị lợi dụng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào đó từ một người không hề quen biết, bạn nên nâng cao tinh thần chú ý để không bị móc túi, cướp giật, lừa đảo, gạ tình, đánh thuốc mê. Đừng nghĩ chuyện bắt cóc, lừa tình chỉ có trên phim. Thực tế có thể khủng khiếp hơn thế, nếu bạn quá ngơ ngác và dễ bị lừa gạt.

Luôn khoá cửa cẩn thận

Đối với những bạn sinh viên ở trọ, hệ thống an ninh không hoàn toàn đảm bảo thì bạn phải luôn khoá cửa thật cẩn thận để không mất cắp tài sản và bị nguy hại đến bản thân. Bạn cần chú ý từ cửa ra vào, cửa sổ, ban công, các lỗ hổng lớn, cả khi ra khỏi nhà lẫn ở trong phòng, nhất là ban đêm. Đôi khi cái giá phải trả cho một tích tắc đãng trí là laptop, điện thoại, ví tiền, xe máy có thể mãi mãi ra đi.

Không nên chen lấn xô đẩy 

Ở những nơi công cộng, khi đi cầu thang, cầu thang cuốn, cửa lên xuống ở xe bus, canteen..., không nên chen lấn xô đẩy vừa bị kẻ xấu móc túi, vừa có thể bị xô ngã, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bạn nên cố gắng kiên nhẫn chờ đợi hoặc tranh thủ thời gian đến sớm hơn và xếp hàng có ý thức. Đừng trở thành dũng sĩ chen lấn khi có thể chính bạn sẽ bị bong gân.

Tuân thủ luật giao thông

Không vượt đèn đỏ, đua xe, lạng lách đánh võng, không sử dụng rượu, bia, chất kích thích, nhất là khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bảo vệ bản thân cũng là bảo vệ an toàn cho những xung quanh. 

Sử dụng hợp lý tài chính

Để không xảy ra tình trạng kẹt tiền, túng thiếu đến mức nợ nần hay vay tiền nặng lãi các bạn tân sinh viên cần làm quen với việc sử dụng tài chính một cách khoa học và hợp lý. Chia đều chi phí học, ăn, ở và sống trong mỗi tháng ra thành các phần riêng biệt và rõ ràng. Đầu tháng ăn sang cuối tháng mỳ tôm đây là bài ca muôn thuở của sinh viên, nhưng bạn sẽ không cầm cự với mỳ tôm lâu được đâu. Hãy tự cứu lấy dạ dày của mình bằng cách cân đối chi tiêu mỗi ngày để các nhu cầu cá nhân không vượt quá tầm kiểm soát.
 
Chạy theo công nghệ là một trong những nguyên nhân “vắt kiệt” hầu bao sinh viên.
 

(Theo Tri Thức)