Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc, nhiều học sinh nói đề thi vừa sức, tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, đề chưa phân hóa được thí sinh trung bình và khá, có thể sẽ gây thiệt thòi cho học sinh khá khi ứng tuyển vào ĐH, CĐ…
Các giáo viên chấm thi kỳ thi THPT Quốc gia tại trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.
Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, theo khảo sát của học sinh và giáo viên trong trường sau kỳ thi, đa số thí sinh đều nằm ở phổ điểm từ 6- 8, tương đối cao so với mọi năm. Em Lê Mỹ Thảo Nguyên, học sinh trường THPT Nhân Việt cho biết, so với đề thi thử ở trường, đề thi quốc gia có phần dễ hơn. Theo em Nguyên, đề toán nhẹ nhàng nhất bởi 7 câu đầu, hầu như học sinh nào cũng làm được nhưng các câu cuối thì quá khó, để làm được, đòi hỏi phải có học lực giỏi.
“Dựa theo đáp án của Bộ GD&ĐT, tính sơ bộ em được khoảng 18 điểm khối A. Điểm số này so với những năm trước tương đối tốt nhưng với đề thi năm nay, em khá lo lắng vì sẽ có rất nhiều bạn nằm ở mức điểm này, gây cạnh tranh cao khi chọn trường, chọn ngành…”, Thảo Nguyên nói.
Ông Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TPHCM) cho biết, đa số học sinh của trường làm bài tốt, đạt được điểm 5- 6 là không khó và chỉ khó ở mức điểm 8 trở lên. “Vì vậy, nhìn chung phổ điểm năm nay của trường tương đối cao so với mọi năm”, ông Cải nói.
Cân nhắc chọn trường
Nhận xét chung về đề thi năm nay, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, TPHCM cho rằng: “Đề thi tương đối vừa phải và phân hóa rõ hai mục tiêu là đảm bảo tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì thế, năm nay phổ điểm sẽ cao, học sinh 5- 7 điểm khả năng sẽ nhiều”.
“Để không trượt ĐH, các em học sinh cần phải cân nhắc và cập nhật thông tin về điểm số liên tục để ra quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp”.
Ông Bùi Gia Hiếu
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, đề thi chỉ mới phân hóa được học sinh trung bình khá với học sinh giỏi mà chưa phân hóa được học sinh khá với học sinh trung bình. “Nguyên do là đề thi có đến 60% kiến thức cơ bản nên hầu hết học sinh trung bình, học sinh khá đều làm được, trong khi phần kiến thức nâng cao, những câu hỏi khó thì quá khó, chỉ dành cho học sinh giỏi trở lên nên học sinh khá cũng bó tay như học sinh trung bình”, ông Hiếu nói.
Theo phổ điểm này, việc dùng 3 môn để tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay có khả năng sẽ khiến các trường ĐH gặp nhiều khó khăn bởi điểm trung bình của học sinh từ 14- 20 điểm sẽ phổ biến. “Vì thế, để không trượt ĐH, các em học sinh cần phải cân nhắc và cập nhật thông tin về điểm số liên tục để ra quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp”, ông Hiếu khuyên.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Thời Nhiệm, quận 9, TPHCM cho rằng: Với đề thi này, học sinh khá và học sinh trung bình có khả năng điểm số ngang nhau khá nhiều. Lúc này, nếu học sinh cùng nộp hồ sơ vào một trường ĐH để xét tuyển thì khả năng, các trường sẽ phải “đẻ” thêm nhiều tiêu chí phụ để chọn lọc thí sinh.
Theo Nguyễn Dũng (Tiền Phong)