Hiệu trưởng ĐH-Kinh tế quốc dân bị xử lý thế nào? 13/12/2012 14:52:30
Với hàng loạt các sai phạm trên nhiều lĩnh vực, thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiến nghị xử lý trách nhiệm theo đúng pháp luật.
 Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết sai phạm tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân xảy ra ở 4 nhóm vấn đề: Công tác tổ chức, cán bộ; Công tác đào tạo sau đại học và liên kết đào tạo; Công tác xây dựng cơ bản và các khoản thu chi, tài chính. 

Phải thu hồi quyết định sai
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân bị xử lý thế nào?
 Lãnh đạo ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ phải thu hồi những quyết định sai quy định
Trước những sai phạm của ĐH Kinh tế Quốc dân, theo quy định, Hiệu trưởng với tư cách là người đứng đầu nhà trường, chịu trách nhiệm chung về mọi thiếu sót, sai phạm trong quản lý. 

Các Phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm về những sai sót, vi phạm trong phạm vi trách nhiệm được Hiệu trưởng phân công trong các lĩnh vực: Đào tạo, Tài chính, Xây dựng cơ bản.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra cũng yêu cầu Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân hồi các quyết định sai phạm để ban hành văn bản thay thế theo đúng quy định của pháp luật. 

Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng trường tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản do Trường ban hành, đặc biệt đối với Quy chế tổ chức hoạt động và Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường phù hợp với quy định của pháp luật (xong trước 30/3/2013).

Chấn chỉnh công tác cán bộ, đào tạo

Trong đó, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu hiệu trưởng nhà trường tạm dừng việc sắp xếp bộ máy và bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều chuyển cán bộ, viên chức cho đến khi có phương án được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, đối với 49 cán bộ đã được bổ nhiệm từ nguồn tại chỗ nhưng không lấy phiếu tín nhiệm tại đơn vị công tác, cần tổ chức đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm lại trong đơn vị; những trường hợp không đủ uy tín, nhà trường có phương án thay thế.

Chuyển 54 sinh viên gửi học về Trường ĐH Tây Bắc.

Kỷ luật hiệu trưởng, phó hiệu trưởng

Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị xử lý hành chính, theo đó yêu cầu tổ chức kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng trong việc quản lý điều hành và ban hành văn bản trái quy định dẫn đến thiếu sót, vi phạm trong 04 nội dung nêu trên. Báo cáo Bộ GD-ĐT (qua Vụ TCCB) trước ngày 28/02/2013.

Hiệu trưởng Trường tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân thuộc phạm vi quản lý để xảy ra vi phạm trong 04 lĩnh vực nêu trên theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả về Bộ GD-ĐT (qua vụ Tổ chức Cán bộ trước ngày 30/3/2013).

Trước nhiều ý kiến cho rằng cần có kiến nghị mạnh tay hơn như là việc đề nghị cách chức hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trước khi hết nhiệm kỳ tháng 6/2013, thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết thời hạn để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đến hết tháng 3/2013 là hợp lý. Nhiều trường hợp cần phải tổ chức kiểm điểm xem trách nhiệm đó là thuộc về hiệu trưởng hay hiệu phó.

Thanh tra cũng kiến nghị Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội: Chỉ đạo Đảng ủy Trường tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể và trách nhiệm của cá nhân Đảng viên theo đúng các quy định của Đảng; Kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội xử phạt hành chính Trường.

Thu hồi 3 tỷ đồng
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân bị xử lý thế nào?
Danh sách 14 khoản thu sai và vượt quy định tổng cộng hơn 51 tỉ đồng. 
Nhiều phóng viên cũng đưa ra câu hỏi tại sao trong hai năm 2009 và 2011, trường ĐH Kinh tế Quốc dân thu sai quy định hơn 51 tỷ đồng nhưng chỉ kiến nghị thu lại 3 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi này, đại diện thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng theo báo cáo, hầu hết các khoản thu này nhà trường đã chi hết cho các nội dung thực hiện. 

Một số hoạt động có chênh lệch thu, chi nhà trường đã chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và tạo lập các quỹ theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. 

Cụ thể số tiền đã thu sai quy định được giải trình “rất hợp lý”. Số tiền thu trong 2 năm 2009 và 2011 để hỗ trợ đào tạo sau ĐH là hơn 22 tỷ đồng. Đây là khoản thu không có trong quy định và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện thu theo kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính tại kết luận thanh tra năm 2008.

Đối với lệ phí tuyển sinh các hệ bao gồm các khoản thu lệ phí tuyển sinh đào tạo từ xa, văn bằng 2, thi tốt nghiệp, liên thông, thu học khối kiến thức A1 và hoàn chỉnh kiến thức. Tổng số thu vượt quy định hiện hành trong 2 năm 2009 và 2011 là hơn 7 tỷ đồng. 

Thanh tra Bộ GD-ĐT giải thích: Đây là khoản thu lệ phí tuyển sinh vượt mức quy định, phục vụ cho việc tổ chức các kì thi tuyển sinh, có tính chất bù đắp chi phí và thực tế các khoản thu nói trên đã chi dùng hết cho công tác tuyển sinh của trường.

Đối với khoản thu một lần vào đầu năm học và thu khác, số tiền thu trong 2 năm 2009 và 2011 là hơn 18 tỷ đồng. Đây là các khoản thu không có trong quy định của nhà nước, chủ yếu là khoản thu mang tính chất thỏa thuận, thu hộ, chi hộ… để bù đắp các chi phí liên quan. 

Để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy cho sinh viên đối với học phần bị điểm D, trường đã tiến hành tổ chức thu học phí theo tín chỉ ở mức thu vượt khung quy định tại Nghị định số 49/2010-NĐ-CP với tổng số tiền vượt năm 2011 là hơn 3 tỷ đồng. Đây là khoản thu học phí chính quy vượt quy định hiện hành.

Vì vậy, thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị thu hồi số tiền hơn 3 tỷ đồng thu vượt học học phí nâng điểm của sinh viên hệ ĐH chính quy năm 2011 về Ngân sách Nhà nước.

Khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao số tiền 3 tỷ đồng thu sai quy định không trả lại cho chính sinh viên, thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng trong số này có nhiều sinh viên đã ra trường nên việc trả lại khá phức tạp. Số tiền thu chênh lệch cũng chỉ có 3 nghìn đồng/ sinh viên (từ 30 nghìn đồng lên 33 nghìn đồng ). Việc thu học phí là nộp vào ngân sách nên số tiền này sẽ được chuyển về ngân sách.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng quyết định phân công các Vụ chức năng giám sát việc thực hiện các nội dung kiến nghị trên.
 
Nguồn: VTC News