"Hiện tượng "Đồi Ngô" đã như một bài học cảnh tỉnh cho trò đùa với kiến thức, lời cảnh báo cho sự không trung thực với kiến thức. Đó là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người...".
GS Ngô Bảo Châu nói chuyện về: Học như thế nào?
Chiều ngày 13.3 tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc trò chuyện thân mật với giảng viên và sinh viên Bách Khoa xung quanh chủ đề: Học như thế nào?
Mở đầu buổi nói chuyện GS Ngô Bảo Châu thật thà cho biết: "Tôi rất hay được các em học sinh, sinh viên và phụ huynh hỏi về bí quyết học tập. Tôi thường trả lời là không có bí quyết gì, chỉ cần say mê. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi chưa suy nghĩ thấu đáo.
Tất nhiên không thể né tránh mãi câu hỏi này, trút hết trách nhiệm của những người làm chuyên môn. Điểm lại cuộc đời mình, tôi chỉ đi học, đi dạy. Trong quá trình đó tôi từng có những suy nghĩ riêng về việc học như thế nào. Tuy nhiên, điều đó chưa được sắp xếp có hệ thống mạch lạc, hôm nay tôi có thể làm điều đó, có thể vất vả nhưng cũng rất ý nghĩa".
GS Châu chia sẻ, ngày xưa muốn học cần phải có chí, nay có chí thôi không đủ. Sự học cần nhiều yếu tố, trong đó ngoài sự đam mê, tìm tòi cần có phương pháp. Việc học cũng không khác một trò chơi, người chơi ít khi có thể chơi một mình. Để cuộc chơi cuốn hút, cần có bạn chơi, có trọng tài. Hiện nay, nhờ vào sự phát triển của internet ta có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu quý, miễn phí, các chương trình học miễn phí thay vì phải bỏ ra rất nhiều tiền. Nhưng rất ít người có thể theo học những kiến thức trên mạng đó một mình một cách hiệu quả. Cần có tập thể, thầy cô, bạn bè...Gợi ý của tôi là tổ chức cùng học giáo trình trên mạng, biến tài liệu đó thành bài học chính khoá, nhờ thầy cô giải thích thêm...đó là một cách học hữu ích.
Ngoài ra, theo GS Ngô Bảo Châu việc học cần có tính kỷ luật và quan trọng là niềm đam mê. Trả lời cho câu hỏi của một sinh viên ĐH Bách Khoa về làm thế nào để giữ được đam mê trong học tập, nghiên cứu, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: "Giữ niềm đam mê rất quan trọng bởi nó là động cơ của sự học tập đích thực. Tuy nhiên, niềm đam mê không bao giờ ổn định, vì thế học cần tập thể, khi không còn đam mê vẫn phải cố hoàn thành bổn phận của mình. Phải có lòng tin rằng niềm đam mê có thể ra đi thì cũng có thể quay lại. Kỷ luật và tập thể sẽ giúp nó, bạn cần xác định rằng nếu bỏ cuộc nó sẽ ảnh hưởng đến bạn thì bạn phải cố gắng tiếp tục".
Hàng trăm sinh viên của trường ĐH Bách Khoa và các trường lân cận đến để được nghe giáo sư Ngô Bảo Châu thuyết trình.
GS cũng chia sẻ, bản thân ông đã từng gặp khó khăn khi thi tuyển vào Viện nghiên cứu ở Pháp: "Sau khi làm luận án tiến sĩ xong tôi thi tuyển vào viện nghiên cứu ở Pháp, nhưng tôi trượt. Buổi phỏng vấn đầu tiên người ta hỏi tôi nghiên cứu gì? Tôi nói: Bổ đề cơ bản, họ cười và đánh trượt tôi. Bản thân họ không tin vào tôi (- một người trẻ với một đề tài "khó nhằn" như vậy).
Đã có một thời gian sau đó tôi mất niềm tin, nhưng tôi bắt đầu quay lại làm Bổ đề cơ bản năm 2002, lúc đó tôi làm việc say sưa. Năm 2006 tôi mở rộng công trình, tôi hiểu đó không phải là con đường cụt. Tất cả những điều này là để nói rằng muốn học tốt cần có sự quả cảm nữa, nếu mình không tin vào chính bản thân mình thì làm sao người khác có thể tin vào khả năng của mình được" - GS nói.
Một vấn đề quan trọng để học tốt, theo GS Ngô Bảo Châu còn là sự trung thực trong học tập. Lấy ví dụ về sự việc "Đồi Ngô" đã làm nóng dư luận năm 2012, GS Ngô Bảo Châu nói: "Đây là một sự vụ đặc biệt mà thí sinh thuê giám thị vi phạm quy chế thi là một điều theo tôi biết chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người. Đây được coi là một tiếng chuông cảnh tỉnh về sự tha hoá của hệ thống. Hãy khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân. Nếu bình tâm suy nghĩ lại bạn sẽ thấy rằng, thì ra rất nhiều người từ trung ương đến địa phương trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi mà cụ thể là kết quả của một cuộc thi tốt nghiệp. Cái đáng lẽ ra phải được coi là một mốc quan trọng, thiêng liêng đánh dấu thành quả của cả một quá trình học tập của học sinh lại trở thành trò đùa".
Ở nước Mỹ, người ta tự hào về các trường học của mình. Những trường ĐH danh tiếng như Chicago, Harvard...ta thường nhầm tưởng họ có được những thành quả đó là do họ có nhiều giáo sư giỏi, điều kiện học tập tốt. Còn ở ta không được như vậy là do thiếu thốn, nghèo khó về vật chất...Nhưng thực tế, cái mà người ta nói đến chỉ là kết quả không phải là nguyên nhân. Trước đây họ cũng đi nên từ một nền giáo dục nghèo khó, thiếu thốn.
"Tôi cho rằng sự trung thực là một trong những sự quan trọng nhất trả lời cho câu hỏi: Cần học như thế nào, sự trung thực là một hành vi mà trẻ khó có thể học trong sách vở, trước hết người lớn phải trung thực" - GS nói.
GS khuyên các sinh viên khi đối mặt với kho kiến thức rộng lớn mà mình muốn khám phá thì không dược vội và không được sợ. Việc học phải xuất phát từ những mục đích rõ ràng, học phải học đến cùng, không thể lơ mơ, học phải học đến nơi đến chốn.
Theo Xa lột tin tức