6 môn tốt nghiệp: Khối A-B vui, khối C ‘đứng ngồi không yên’ 01/04/2013 08:39:51
Bên cạnh việc ăn mừng của các bạn học khối A, B; nhiều sĩ tử khối C đang rất lo lắng bởi có đến 4 môn tự nhiên nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp năm nay.
 
Ngày 29/3, Bộ GD – ĐT đã chính thức công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa, Sinh và Địa lý. Khi biết được thông tin này, đa số các bạn học sinh đều vui mừng vì không có môn Lịch sử, bởi trong vài năm gần đây, môn học này luôn nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp và khiến sĩ tử luôn phải đau đầu.

Bản thân teen 12 cũng dự đoán môn học này sẽ tiếp tục được lựa chọn, bởi gần đây dư luận đang lên tiếng rất nhiều về việc “học sinh ngày nay dốt Sử”. Vì vậy, quyết định này của Bộ GD – ĐT gây bất ngờ cho đa số học sinh.

Bên cạnh đó, việc Địa lý 6 năm liền được chọn là môn thi tốt nghiệp, lại không khiến các học sinh bất ngờ bởi vấn đề biển, đảo hiện nay rất được quan tâm và cần giáo dục nhiều hơn cho giới trẻ.
 
Năm nay kỳ thi tốt nghiệp không có môn Sử như nhiều người suy đoán. Sĩ tử các khối khá nhẹ nhõm khi không có môn thi này. Ảnh Lê Hiếu.
 
Cụ thể, theo ghi nhận của chúng tôi, học sinh từng khối cũng có những phản ứng khác nhau khi biết được thông tin này.

Sĩ tử khối A, B ăn mừng

Năm nay, 3/6 môn thi tốt nghiệp là thuộc khối B (gồm: Toán, Hóa, Sinh), vì vậy đây là một lợi thế cho các bạn học sinh sẽ lựa chọn khối này để tham dự kỳ thi đại học.

Mai Linh (THPT Phương Nam, Hà Nội) chia sẻ: “Mình rất vui. Vì mình có thể dành nhiều thời gian hơn cho 3 môn thi đại học mà không lo ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp”.

Cùng quan điểm trên, chàng trai Minh Tuấn (THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) vui mừng cho biết: “Trước khi biết các môn thi tốt nghiệp, mình cảm thấy rất lo lắng vì thực sự mình học không đều. Vì là dân khối B nên các môn xã hội không phải là thế mạnh của mình. Khi biết được thông tin này, mình cảm thấy tự tin hơn và chắc chắn sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi”.

Tuy lợi thế nghiêng về các sĩ tử khối B, nhưng các học sinh khối A cũng rất vui mừng. Hầu hết các bạn đều cho rằng khối A, B tương đối giống nhau và cũng đều là các môn tự nhiên, vì vậy nhiều môn thi tốt nghiệp năm nay sẽ bổ trợ  tốt cho việc ôn thi đại học.

Mặc dù ăn mừng vì “trúng tủ”, nhưng hai môn Văn và Ngoại ngữ vẫn khiến các sĩ tử khối A, B “đau đầu”. Bạn Ngọc Anh (THPT Phan Chu Trinh, Hà Nội) cho biết: “Dù biết Văn và Ngoại ngữ luôn là hai môn bắt buộc trong tất cả các kỳ thi tốt nghiệp và cũng chuẩn bị sẵn tinh thần từ đầu năm để ôn thi nhưng mình vẫn cảm thấy không tự tin. Trong đó, minh lo nhất là về môn Văn phải học thuộc khá nhiều, ngoài ra còn cần phải trau dồi về ngôn ngữ để viết bài cho hay. Môn học này cũng chiếm khá nhiều thời gian ôn tập của mình”.

Còn Tuấn Anh (THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định) lại chia sẻ sự lo lắng về tiếng Anh: “Trong tất cả các môn thi tốt nghiệp, mình lo nhất là môn Anh. Thực sự mình không có “năng khiếu” về môn này nên học rất khó vào. Giá như được đổi thành Vật lý thì tốt!”.

Sĩ tử khối C lo lắng

Năm nay 4/6 môn thi tốt nghiệp là các môn tự nhiên, vì vậy điều đó đương nhiên khiến cho các bạn học sinh khối C “đứng ngồi không yên”.

Lan Anh (THPT Đại Mỗ, Hà Nội) chia sẻ: “Khi biết được thông tin này thực sự mình rất lo lắng. Bởi hai môn Sinh và Hóa không phải là thế mạnh của mình. Vì vậy, chắc từ giờ đến khi thi tốt nghiệp mình sẽ dành nhiều thời gian cho các môn tự nhiên”.

Cùng tâm sự, Nguyễn Linh (THPT Trần Quang Khải, Nam Định) cho biết: “Mình lo lắng khi biết Hóa sẽ là môn thi tốt nghiệp, môn học này luôn khiến mình gặp rắc rối bởi những dãy phương trình phức tạp. Còn lại mình khá thích và tự tin với môn Sinh, Địa”.

Còn Minh Nguyệt (THPT Phan Chu Trinh, Hà Nội) tỏ ra khá lo lắng: “Học lực của mình các môn tự nhiên chỉ ở mức trung bình. Vậy mà năm nay có 4/6 môn tự nhiên sẽ thi tốt nghiệp khiến mình thực sự lo lắng. Thời gian tới chắc mình phải đăng ký học gia sư thêm môn Toán, Hóa và Sinh để vượt qua kỳ thi này”.

Thực tế, nếu xem xét kỹ các môn thi tốt nghiệp năm nay sẽ thấy được hầu như khối nào cũng có ít nhất 2 môn nằm trong danh sách. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho số đông học sinh trên cả nước trong việc ôn thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng.

Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD – ĐT) đề thi năm nay sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Bộ sẽ tiếp tục giao chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức coi thi, chấm thi tốt nghiệp.

Vì vậy, các bạn học sinh nên ổn định tâm lý và tận dụng thời gian nước rút còn lại để lên hết hoạch ôn tập để hoàn thành thật tốt kỳ thi này.

Điểm đáng chú ý trong kỳ thi năm nay đó là để siết chặt kỷ cương kỳ thi, ngăn chặn tiêu cực, trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình (không truyền và nhận thông tin trực tiếp tại chỗ) vào phòng thi để ghi nhận bằng chứng tiêu cực.

Chọn môn thi bằng cách rút thăm ngẫu nhiên
 
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, một chuyên gia của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD - ĐT giải thích “Trong mỗi phương án (sáu môn thi), việc lựa chọn cũng cân nhắc đến việc cân đối giữa tỷ lệ các môn tự nhiên và xã hội, tỷ lệ các môn thi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận. Thực tế, các em học sinh năm cuối cấp THPT đều có định hướng thi ĐH, CĐ và tập trung học tốt một số môn thi theo khối mình đăng ký. Nếu nhóm môn thi có các môn thi của cả khối A, B, C, D thì lợi thế sẽ chia đều cho tất cả thí sinh. Tương tự, nếu nhóm môn thi có số lượng môn tự luận và trắc nghiệm cân bằng thì sẽ không khiến thí sinh bị nặng nề”.
 
Sau khi các phương án được xem xét để loại trừ những phương án bất hợp lý, Bộ GD - ĐT rút thăm ngẫu nhiên để chọn một phương án chính thức.
 
Các môn thi có lợi cho số đông học sinh
 
Nhận định về các môn thi tốt nghiệp năm nay, trả lời trên báo Thanh niên, Ông Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Nếu năm ngoái, ngoài 3 môn công cụ, 2 môn còn lại thuộc khối khoa học xã hội (Sử, Địa) thì năm nay 2 môn còn lại thuộc khối khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, cả 6 môn thi năm nay, mỗi khối cơ bản đều giao nhau ít nhất 2 môn”.
 
Về việc cùng lúc thi Hóa và Sinh, dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng học sinh sợ môn Sinh vì theo các em môn này hơi dài.
 
Bà Kim Anh, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết: “Giữa lý và hóa, các em thích lý hơn vì theo các em, lý dễ có điểm hơn. Nếu so giữa sử và sinh thì các em thích sử hơn sinh, vì dẫu sao với môn sử các em có thể chăm chỉ để gỡ điểm”. Với các em ban A thì thi môn gì có lẽ không quan trọng, tư duy các em vốn dĩ tốt nên môn gì cũng dễ đạt điểm đỗ, nhưng các em ban C thì các môn thi tốt nghiệp năm nay không thuận lợi.
 
Cùng điểm lại môn thi tốt nghiệp THPT của một số năm trước:

Năm 2012: 
Hệ THPT: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lý (môn thi thay thế cho môn Ngoại ngữ là Vật lý); 
Hệ GDTX: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Vật lý

Năm 2011: 
Hệ THPT: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học, Địa lý (môn thi thay thế cho môn Ngoại ngữ là Lịch sử); 
Hệ GDTX: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử

Năm 2010: 
Hệ THPT: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lý (môn thi thay thế cho môn Ngoại ngữ là Vật lý); 
Hệ GDTX: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Vật lý

Năm 2009: 
Hệ THPT: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học, Địa lý (môn thi thay thế cho môn Ngoại ngữ là Lịch sử); 
Hệ GDTX: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử

Năm 2008: 
Hệ THPT: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học, Lịch sử (môn thi thay thế cho học sinh không đủ điều kiện thi môn Ngoại ngữ là Hóa học); 
Hệ GDTX: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử
 
AN HOÀNG
Theo Infonet