Những chiêu lừa đảo sinh viên 12/11/2013 15:18:12
Để bảo vệ chính mình đồng thời để có thể yên tâm học hành, các bạn sinh viên cần cảnh giác với những chiêu lừa đảo sau:
 
Chính sự nhẹ dạ, cả tin, có phần “ngơ ngác” ở chốn đất khách quê người cùng với cuộc sống trọ học xa nhà nhiều thiếu thốn đã khiến các bạn sinh viên trở thành “miếng mồi ngon” cho bạn lừa đảo thực hiện hành vi của mình. Do đó, để bảo vệ chính mình đồng thời để có thể yên tâm học hành, các bạn sinh viên cần cảnh giác với những chiêu lừa đảo sau:
 
 
Hành vi lừa đảo tại cột trút tiền ATM:
 
Hầu hết các bạn sinhv iên xa nhà đều lựa chọn hình thức thẻ ghi nợ nội địa của các ngân hàng (mà chúng ta thường quen gọi là thẻ ATM) để gia đình gửi tiền chi phí ăn học hàng tháng nhằm đảm bảo tính nhanh, gọn, tiện lợi và khả năng bảo mật, tiết kiệm hiệu quả, dùng bao nhiêu rú bấy nhiêu. Tuy nhiên, bọn lừa đảo đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bạn sinh viên để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản rất trắng trợn và tinh vị, điển hình là:
 
Hành vi nhờ chuyển khoản giùm rồi nhanh chân biến mất:
 
Bạn Nguyễn Ngọc Nam, sinh viên năm 1 trường đại học Khoa học Huế chia sẻ: “Mới đầu tháng 11 này, bố mẹ tớ gửi tiền đóng học phí, tớ ra cột M để rút thì có 1 anh ăn mặc lịch sự, đi xe máy đang đứng ở đó để tìm người chuyển khoản cho người bạn đang bị tai nạn số tiền 2 triệu đồng do anh ấy không có thẻ ATM ngân hàng này, tớ thương tình bấm nút chuyển khoản giùm mà chưa kịp lấy lại tiền mặt thì anh ta đã lên xe máy chạy biến trong tích tắc, lúc đó cột ATM chẳng có ai mà mình có đến ngân hàng thông báo thì người ta cũng chẳng tin nên tớ đành khai thật với bố mẹ để bố mẹ tớ gửi tiền lại đấy”.Không chỉ có bạn Nam mà rất nhiều bạn sinh viên khác vì mật cảnh giác và tin người nên đã bị gặp phải trường hợp lừa đảo này.
 
Chính vì vậy, khi đi rút tiền các bạn cần cẩn thận, nếu có ai nhờ chuyển khoản phải cầm chắc số tiền đó trong tay đã rồi mới chuyển nhé, mà tốt nhất đối với người lạ thì các bạn cứ nói là trong thẻ không có đủ số tiền ấy, anh (chị) nhờ người khác đi nhé.
 
Bị thôi miên và…giao hết tài sản:
 
Nhiều bạn sinh viên cũng gặp phải trường hợp vừa rút tiền xong thì có người nhờ mở tin nhắn, kiểm tra xem điện thoại có bị gì không mà không gọi được, không nghe được,… và khi bạn đụng tay vào chiếc điện thoại sẽ có cảm giác bị thôi miên đến khi tỉnh lại thì tài sản trong người đã “không cánh mà bay” rồi.
 
  Do đó, khi vừa rút tiền xong hay trong người đang mang những tài sản giá trị, khi có người lạ nhờ làm một việc gì đó, để đảm bảo an toàn bạn nên nói không biết cách sử dụng, không biết làm và đi thật nhanh nhé. Vì khi bị thôi miên, dù biết mình đang bị chiếm đoạt tài sản nhưng bạn không thể kêu cứu được đâu đấy. Đặc biệt nếu có thể, khi đi rút tiền, đi học, đi làm thêm hay đi chơi, các bạn nên đi làm thành một nhóm 2,3 người thì bọn chúng sẽ không dám làm gì các bạn đâu nhé.
 
Thu phí giới thiệu việc làm thêm rồi cuối cùng “tiền mất tật mang”:
 
     Do nhu cầu cuộc sống và hoàn cảnh gia đình, nhiều bạn sinh viên đã phải lựa chọn giải pháp làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nhưng rồi cũng chính sự nhẹ dạ cả tin và có phần kém hiểu biết nhiều bạn sinh viên cũng rơi vào tình trạng tiền mất tật mang rất nguy hiểm. Bạn Nguyên Thị Bích Hồng, sinh viên năm 2, Khoa Luật Đại học Huế chia sẻ: Tớ lên mạng tìm việc làm thêm thì thấy công ty A đang tuyển 2 nhân viên bán shop quần áo, mỗi ca từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, lương 1,8 triệu đồng, tớ thấy công việc nhẹ nhàng mà thu nhập khá tốt liền tìm đến công ty tuyển thì đó là công ty môi giới, họ bảo phải nộp 600.000 đồng tiền lệ phí giới thiệu việc làm, tớ liền nộp ngay vì nghĩ với mức lương và công việc phù hợp như thế thì 600.000 đồng lệ phí là đúng, ai ngờ tớ đến shop quần áo gặp người chủ thì nọ nói phải làm từ  giờ sáng đến 2 giờ chiều, lương chỉ 1 triệu đồng ngoài ra phải phụ chị dọn dẹp việc nhà nữa. Khi tớ quay lại công ty môi giới thì họ nói đây là giao dịch thuận mua vừa bán, đã giới thiệu công việc rồi còn đòi hỏi, thế là tớ đành ngậm ngùi làm 1 tháng để lấy lại số tiền môi giới đã mất vì công việc rất vất vả và làm như thế tớ không có thời gian để học hành.
 
     Chính vì vậy, khi tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm các bạn cần cẩn thận không nên liên hệ với những trung tâm nhỏ chỉ có 2-3 nhân viên, nằm trong hẻm hóc, cảm giác thiếu tin cậy. Chỉ nên liên hệ với những trung tâm uy tín, đặc biệt là những trung tâm hỗ trợ việc làm của đoàn thanh niên, liên đoàn lao động,… đồng thời mức phí học thu cho mỗi lần giới thiệu chỉ có dưới 100.000đồng, thậm chí miễn phí. Để đảm bảo an toàn, các bạn cần dò hỏi nhiều kênh thông tin để tránh trường hợp tiền mất tật mang như kể trên nhé.
     Còn có nhiều trường hợp, các bạn sinh viên tìm việc làm thêm part –time trên mạng cũng với những lời tuyển dụng rất hấp dẫn nhưng yêu cầu đầu tiên của công ty là bạn phải hỗ trợ tiền internet (khoảng 400.000 – 600.000 đồng) thì các bạn cũng nên tránh xa nhé.
Rất nhiều bạn sinh viên trở thành đối tượng của các công ty bán hàng đa cấp:
 
  Chưa có bao giờ các công ty bán hàng đa cấp lại hoạt động rầm rộ, phong phú, đa dạng hình thức như hiện này. Bây giờ đi đâu các bạn cũng có thể thấy những trang quảng cáo tuyển dụng của các công ty này, từ trên các mục rao vặt các báo, trên báo mạng hay các tờ rơi dán khắp đường phố,… tuyển một số lượng lớn nhân viên kinh doanh, nhân viên quản lý với mức thu nhập “khủng”, ít nhất là 3-5 triệu/tháng, công việc đơn giản, yêu cầu trình độ, khả năng ở mức tối thiểu… mà bất kỳ ai cũng có thể làm được thì đích thị là những chiêu trò lừa đảo tinh vi của các công ty bán hàng đa cấp rồi đấy, vì thực tế sẽ không có những công việc mang tính chất “việc nhẹ lương cao” như thế đâu. Chính vì vậy, khi tìm việc làm thêm bạn cần tìm hiểu cẩn thận và nhanh chóng nhận diện các công ty bán hàng đa cấp chủ yếu lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin như sinh viên chúng mình nhé.
 
  Đối với các bạn sinh viên, nhu cầu đi làm thêm là hoàn toàn chính đáng nhằm có thêm chi phí trang trải cuộc sống thường nhật, đồng thời góp phần tích lũy kỹ năng và vốn sống. Tuy nhiên, trong quá trình tìm việc, các bạn cần cẩn thận, bình tĩnh để khỏi mắc phải những chiêu trò của bọn lừa đảo như đã kể trên nhé, đây cũng chính là những kinh nghiệm sống mà sinh viên chúng mình cần nắm vững đấy. Chúc các bạn luôn biết cách bảo vệ chính mình và tìm được công việc làm thêm thật phù hợp nhé.


(Theo:Mực Tím)