Đa phần các công ty không muốn nhận cử nhân làm công nhân vì lo
ngại họ làm việc không ổn định, hay nhảy việc. Và hầu hết cử nhân cũng xác định
điều này, họ coi đó là bước đệm chờ… lên đời.
Làm công nhân lấy tiền “chạy” biên chế
Để thuận tiện cho công việc, tôi đến khu trọ gần Công ty Giày Hong
Fu (Thanh Hóa) để tìm phòng. Tuy nhiên, việc tìm phòng trọ ở đây không hề dễ
như tôi nghĩ. Nơi đây có khá ít nhà trọ, bởi đa phần công nhân đều ở gần nhà.
Số khác, nhà ở các huyện lân cận thì thuê xe ca, sáng đi tối về.
Chỉ số ít công nhân ở quá xa hoặc các tỉnh ngoài thì ra ngoài thuê phòng trọ
giá rẻ. Với lý do, nhà nghèo ở xa nên tôi xin ở ghép với 2 công nhân khác tại
khu trọ 5 phòng, cách công ty khoảng 700m. Giá thuê phòng, tính cả tiền điện
nước là 700.000 đồng/tháng, chia đều cho 3 người.
Trong số 8.000 công nhân của Công ty TNHH Điện tử
Poster Đà Nẵng, có tới hơn 400 người có bằng cử nhân, cao đẳng.
Hai người bạn cùng phòng của tôi tên là Hường và Gấm, quê ở huyện
Triệu Sơn (Thanh Hóa). Hường tốt nghiệp CĐ Sư phạm Hà Nội gần 2 năm, đã đi làm
công nhân được 2 tháng. Còn Gấm là cử nhân ĐH Hồng Đức cũng không tìm được việc
làm và đã đi làm công nhân được 3 năm. Cả hai đều làm cho Công ty Giày Hong Fu.
Vì thường xuyên phải tăng ca, kíp thậm chí làm cả tuần không nghỉ
ngày nào nên chúng tôi ít có điều kiện tiếp xúc, nói chuyện với nhau. Mặc dù
làm nhiều, nhưng lương của Hường và Gấm cũng chỉ dao động từ 3,5 – 3,7
triệu/tháng. Tháng nào tăng ca liên tục thì mức lương mới nhỉnh hơn một chút,
khoảng 4-4,2 triệu/tháng.
Nhà nghèo nên Gấm sống rất ky cóp, ngoài thời gian đi làm, cô hầu
như không bao giờ đi chơi. Việc tiêu dùng của cô chủ yếu là mua xà phòng, đồ
ăn. “Nhà nó nghèo, nghe đâu bố mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ thì làm ruộng. Anh chị
em cũng đều khó khăn nên học xong ra trường không có tiền xin việc, phải đi làm
công nhân. Hồi đi học, mẹ nó vay tiền ngân hàng cho nó học nên giờ còn nợ một
đống tiền. Nó đi làm phải tiết kiệm tiền gửi về cho mẹ trả nợ đó” – Hường nói
về gia đình Gấm.
Trên bức tường ẩm mốc là tờ giấy trắng ghi chi chít những khoản
tiền Gấm chi tiêu trong tháng. Bữa cơm của hai cô, ngày nào cũng như ngày nào,
thường là cơm, đậu phụ rán, canh rau đay với cà. Hôm nào mệt quá không nấu cơm
thì ăn mì tôm, hoặc làm đùm xôi mang theo ăn trưa cho qua bữa.
Gia đình Hường thì không quá khó khăn. Hường xin đi làm công nhân
với lý do… góp tiền xin việc. Hường nói: “Bố mẹ em cũng làm ruộng thôi, ky cóp
mãi mới được một khoản tiền tiết kiệm giờ lại bỏ ra để xin việc cho em. Bố em
đã phải nộp 70 triệu đồng để xin cho em vào làm ở một trường tiểu học rồi,
nhưng họ nói là phải chờ” – Hường tâm sự.
Mặc dù phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ, nhưng theo Hường, nếu
có vào được trường đi dạy thì cô cũng chỉ được dạy hợp đồng. Muốn có biên chế
thì phải chờ đợi. “Giờ đi làm thế này, tích cóp thêm ít tiền, nếu sau này được
đi làm còn có tiền chạy vào biên chế” – Hường nói thêm.
Bỏ công chức về
làm… công nhân
Nếu như Hường vẫn còn ôm mộng kiếm một công việc là viên chức ở
một trường tiểu học, thì có rất nhiều công nhân “vỡ mộng” viên chức để quay lại
đời công nhân.
Đó là tâm sự của những cử nhân làm công nhân tại Công ty Foster Đà
Nẵng. Ra trường 5 năm, làm việc nhiều nơi, từ công ty đến đi dạy hợp đồng cho
một trường tiểu học, cuối cùng Hồ Thị T (cử nhân thống kê của Đại học Kinh tế
Đà Nẵng) đành làm công nhân cho Foster. T cho biết, mấy năm trước đi làm cũng
như không, đồng lương không đủ trang trải chi tiêu, nên xin nghỉ việc. Nhưng
nghỉ hoài cũng nản đành đi làm công nhân cho Foster, hưởng lương 3,2 triệu
đồng/tháng.
Kể về những năm sau khi tốt nghiệp đại học, T cho biết, ban đầu
làm kế toán cho một công ty tư nhân, lương 2 triệu đồng/tháng, ngoài ra không
có một chế độ nào cả. Lương thấp, nản, T nghỉ việc. Đến năm 2011, T xin vào dạy
hợp đồng tại trường tiểu học, nhưng đồng lương không đủ trang trải ăn uống, xăng
xe, và buồn nhất là không biết đến bao giờ mới được ký hợp đồng chính thức. Vậy
là bỏ. “Những công ty mình đã làm, không những lương thấp mà còn không có bảo
hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Foster lương dù sao cũng cao hơn, nếu cứ dằn vặt
chuyện bằng đại học mà không đi làm công nhân ở đây thì lấy gì nuôi bản thân” -
T tâm sự.
Trần Thị Th (quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thậm chí còn có “bệ
phóng” tốt hơn. Chị tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, chuyên ngành kinh tế xây
dựng, có chứng chỉ Anh văn- tin học, nhưng sau hơn 1 năm ra trường vẫn không
xin được việc. Tháng 10.2013, chị quyết định xin vào Công ty Foster Đà Nẵng để
làm công nhân phổ thông lắp ráp linh kiện điện tử.
“Thời buổi bây giờ khó khăn, nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng không xin
được việc, mình không thể ăn bám bố mẹ mãi, đành làm công việc phổ thông. Bỏ 5
năm đi học, với ước mơ sau này trở thành một kiến trúc sư, sao không buồn được
chứ. Dù có buồn, thất vọng vì bản thân không xin được việc, ước mơ dang dở và
làm ba mẹ buồn, mình cũng đành chọn làm công nhân để ổn định cuộc sống đã” - Th
chạnh lòng.
GS
Phạm Minh Hạc- Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết:"Tôi cho
rằng việc cử nhân buộc phải quay lại làm công nhân là một sự lãng phí lớn của
xã hội. Bởi người học đã đầu tư học hết đại học, tốn tiền của, thời gian và
những điều khác nữa về đào tạo".
Đưa
ra giải pháp nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra
trường, TS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH KH XH&NV Hà Nội) cho rằng, một
trong những biện pháp mang tính khả thi cao nhằm giúp các sinh viên nhanh
chóng tìm được việc làm phù hợp, đó là trang bị ngay cho họ những kỹ năng mềm
cần thiết (kỹ năng phỏng vấn xin việc, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng định
vị bản thân...) trước khi các em tốt nghiệp ra trường.
|
Có bằng đại học nhưng chỉ khai học hết lớp 5
Ông
Lê Duy Lương - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Điện tử Poster Đà Nẵng cho biết,
công ty hiện có 8.000 công nhân và có đến hơn 400 người có bằng cử nhân, cao
đẳng. Thực tế số công nhân có bằng cao đẳng, đại học còn nhiều hơn vì nhiều
công nhân không khai trình độ học vấn trong hồ sơ nhân sự.Theo ông Lương, hầu
hết công nhân có bằng ĐH, CĐ đều mặc cảm với gia đình và bạn bè. Nhiều người
có bằng ĐH nhưng chỉ khai trình độ lớp 5. Ngoài ra, họ giấu thông tin cá nhân
vì họ cần có một công việc để trang trải cuộc sống và chờ thời cơ nộp hồ sơ
xin việc đúng bằng cấp. “Trước đây cũng có vài nhà báo liên hệ công ty hỏi
tâm tư của mấy công nhân có bằng đại học. Ngay sau đó, các công nhân này nộp
đơn xin nghỉ hết” - lời ông Lương.
Theo
ông Lê Duy Lương, công việc chủ yếu của công nhân là lắp ráp thủ công các
linh kiện điện tử, đòi hỏi tính cần mẫn, chứ không cần bằng cấp, trình độ
cao. Công nhân sau khi được nhận vào làm chỉ cần qua một khóa đào tạo khoảng
1 - 2 tuần là có thể làm được việc.Lý giải vì sao những cử nhân chọn đi làm
công nhân, ông Lương chia sẻ: “Hiện rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và
thu hẹp quy mô sản xuất do tình hình kinh tế khó khăn. Trong khi, mỗi năm có
hàng nghìn sinh viên ra trường. Ngoài ra, công ty nhỏ lại chiếm tỷ lệ cao.
Những công ty này vừa trả mức lương thấp, lại không có chế độ gì cho người
lao động, nhất là lao động nữ. Vì vậy, những công ty như Foster trở thành lựa
chọn của đa số cử nhân vào làm việc để tạm thời trang trải cuộc sống, vừa để
chờ tìm kiếm cơ hội khác”.
|
Theo Minh Nguyệt - Kim Oanh (Dân Việt)