Đào tạo tín chỉ: Nhiều cách làm sáng tạo 09/10/2012 17:19:00
 Thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ là một yêu cầu khách quan của quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, bắt kịp với trình độ phát triển của thế giới. Trong lộ trình thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ gặp không ít khó khăn, nhiều trường đã có cách làm sáng tạo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 
Các tân sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
 
Thang điểm “hà khắc” với sinh viên yếu

Khi tiến hành đào tạo theo hệ thống tín chỉ, vấn đề mà các trường lo ngại là việc thay đổi hình thức cho điểm sẽ dẫn đến tình trạng số lượng sinh viên bị đình chỉ gia tăng đột biến. Như hàng trăm sinh của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Huế và một số trường ĐH khác bị đuổi học vì nợ tín chỉ hoặc không đạt đủ điểm tích lũy một vài năm trước.

Là trường đầu tiên ở khu vực phía Bắc áp dụng đào tạo tín chỉ, trong một thời gian dài, mỗi khóa sinh viên của ĐH Xây dựng Hà Nội, sau 5 năm cũng chỉ tốt nghiệp được khoảng hơn 60%; số còn lại tiếp tục ở lại để trả nốt tín chỉ.

Mới đây, PGS.TS Lê Hữu Lập, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trăn trở vì có đến trên 100 sinh viên,chủ yếu là năm nhất bị đuổi học do không đạt đủ điểm.

Trường CĐSP Hà Nội tiến hành so sánh bảng kết quả học tập của sinh viên lớp sư phạm Toán K36, học kỳ 1 năm học 2010-2011 theo cách tính niên chế (thang điểm 10) và cách tính tín chỉ (thang điểm 4). Cho thấy, nếu theo thang điểm 10 không có sinh viên nào bị tạm dừng tiến độ nhưng nếu dùng thang điểm 4 sẽ có tới 17 sinh viên bị tạm dừng, buộc thôi học. 

Theo thạc sỹ Hoàng Hồng Liên – Trường CĐSP Hà Nội, cách tính điểm theo thang chữ khá phức tạp và có triết lý khác hẳn với cách tính theo thang điểm 10 quen thuộc. So với thang điểm 10, thang điểm chữ khá “rộng rãi” đối với sinh viên giỏi nhưng lại rất “hà khắc” với sinh viên yếu. Đây là một thang điểm “sạch”, cho phép đánh giá đầy đủ nhất chất lượng sinh viên. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đào tạo tín chỉ, có thể cả nhà trường, sinh viên và xã hội còn chưa thích nghi.

Trường sáng tạo "cứu sinh viên"

Năm học 2011-2012, khắc phục tình trạng đó, đồng thời nhận định được quy chế 43 là quy chế thực hiện một cách mềm dẻo, phải luôn được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với điều kiện của từng trường, phòng đào tạo trường CĐSP Hà Nội đã nghiên cứu, đề xuất việc thay đổi thang điểm đánh giá, phân nhỏ khoảng phân loại hơn, bổ sung các mức B+, C+, D+, F+ để các mức quy đổi sang thang điểm 4 sẽ gần hơn với thang điểm 10. Như vậy, các khoảng phân loại vẫn nằm trong quy định của quy chế mà cải thiện được những bất cập đang tồn tại.

“Theo quy chế 43, xếp loại kết quả học tập không có mức trung bình khá, mức khá và trung bình sẽ rộng ra hơn. Chia nhỏ khoảng phân loại sẽ đánh giá sát hơn trình độ sinh viên. Nếu không chia nhỏ khoảng phân loại thì xảy ra điều vô lý là sinh viên A có điểm học phần 4,0 (nếu theo niên chế, sinh viên này bị thi lại) sẽ tương đương với sinh viên B có điểm học phần được 5,4, vì cả hai khi quy đổi đều đạt loại D và chuyển thang điểm 4 điều được 1 điểm” - thạc sỹ Hoàng Hồng Liên phân tích.

Trong khi đó, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông lại có cách làm khác. Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện là một trong những trường đầu tiên thiết kế một chương trình đào tạo theo tín chỉ, lấy người học làm trung tâm. Bài giảng của các thầy cô trên lớp chỉ là kiến thức cơ bản, mang tính chất gợi mở, chú trọng phát huy tinh thần chủ động, tự học của sinh viên. Điều thực sự khác biệt là sau khoảng 6 đến 8 tiết sẽ có 2 tiết kiểm tra, chữa bài  tập mẫu, khiến sinh viên phải tự học, làm bài tập, không thể lơ là. Cũng theo PGS.TS Lê Hữu Lập, nếu lớp lý thuyết thường đông, có thể lên tới trăm sinh viên thì lớp bài tập chỉ rất ít sinh viên, từ đó tăng hiệu quả học tập. “Cách làm này sẽ được Học viện áp dụng bắt đầu từ năm nay, hy vọng sẽ hạn chế được tối đa số sinh viên bị đình chỉ” - PGS.TS Lê Hữu Lập cho hay.
(theo Giáo dục &Thời đại)