Theo Chỉ thị 10/CT- TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ năm học 2013 – 2014, nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) sẽ được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở GD, ĐT. Cụ thể, HS từ cấp THPT, TCCN đến SV các trường CĐ, ĐH sẽ được học tập chính thức môn học này.
Phòng chống tham nhũng sẽ trở thành một nội dung giảng dạy trong các trường THPT từ năm học 2013 - 2014
Hình thành văn hóa chống tham nhũng
Theo Chỉ thị, từ năm học mới 2013 - 2014 HS các trường THPT, trường Trung cấp và SV các trường ĐH, CĐ sẽ được học nội dung PCTN có hướng dẫn mang tính lồng ghép, tích hợp vào chương trình giảng dạy trong kế hoạch năm học.
Việc áp dụng giảng dạy PCTN vào các cơ sở GD một lần nữa khẳng định sự quyết tâm của Đảng, nhà nước và Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng. Quyết định của Chính phủ đưa PCTN vào chương trình GD chính khóa được tích hợp ở 3 cấp học chứng tỏ công tác PCTN không chỉ phát triển ở chiều rộng mà cả chiều sâu. Đúng như nhận xét của Chính phủ khi phê duyệt Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình GD, ĐT (Sau đó Chính phủ đã ban hành Quyết định số 137/2009/QĐ - TTg ngày 2/12/2009 - gọi tắt là Đề án 137), đó là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho HS, SV, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng.
Giải pháp hữu hiệu
Tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong các tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ đối với nhiều quốc gia. Để góp phần hạn chế tham nhũng, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa nội dung PCTN vào GD trong các trường học như Thụy Điển, Trung Quốc, Singapore... Ở nước ta, Đề án 137 “Đưa nội dung PCTN vào chương trình GD, ĐT, bồi dưỡng” được áp dụng tổ chức dạy thí điểm từ năm học 2011- 2012.
Trong năm học đầu tiên này, cả nước đã có 14 cơ sở GD đại diện cho các cấp học từ THPT đến TCCN, CĐ và ĐH. Cụ thể, ở cấp THPT, nội dung PCTN được lồng ghép vào môn học Giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa. Các cấp học khác được lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa và chương trình học tập chính trị, các môn về luật.
Báo cáo kiểm tra tại các trường được chọn thí điểm cho thấy, 100% các trường đã đưa nội dung PCTN vào chương trình GD, ĐT, bồi dưỡng. 8 trường THPT được Bộ GD- ĐT chọn thí điểm cho biết, HS rất hào hứng với nội dung học, đặc biệt là thông qua các hoạt động ngoại khóa như diễn kịch, hội thi...
Đối với các trường TCCN, CĐ, ĐH, nội dung PCTN được lồng ghép vào phần nâng cao ý thức pháp luật về PCTN và nội dung các dấu hiệu tham nhũng trong chương trình vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý. Quá trình triển khai thí điểm đã đạt được kết quả bước đầu khích lệ, nhiều ý kiến của các đơn vị thực hiện thí điểm đề nghị cần nhanh chóng đưa nội dung GD PCTN vào trong chương trình đào tạo một cách rộng rãi. Đây cũng được xem là một trong các giải pháp hữu hiệu để PCTN.
Cần xây dựng chế độ, chính sách cho GV tham gia giảng dạy
Tham nhũng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Việc giảng dạy cho HS, SV cần nhiều thông tin, tài liệu làm ví dụ để tạo hứng thú học tập cho người học. Tuy nhiên, tài liệu, mức độ, dung lượng truyền tải về PCTN hiện nay đang rất thiếu. Do vậy, trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu sách giáo khoa thời gian tới cần xây dựng nội dung vừa cụ thể, vừa lồng ghép với nội dung PCTN.
Đối với các cơ sở GD, việc lồng ghép nội dung PCTN vào giảng dạy trong các môn học cũng sẽ phát sinh thêm số tiết học, tăng thời gian soạn giáo án đối với GV. Tuy nhiên, hiện nay GV chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng tương xứng khi tham gia giảng dạy lồng ghép nội dung PCTN trong các môn học. Hy vọng, cùng với việc biên soạn chương trình, giáo trình khi triển khai giảng dạy nội dung PCTN, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng chế độ, chính sách cho GV tham gia giảng dạy. Có như vậy, mục tiêu của chương trình mới đạt được hiệu quả cao.
(Theo: Thanh An/Giáo dục và thời đại)