Giáo viên đồng loạt phản đối học sinh sử dụng di động 12/10/2012 17:23:34
Học sinh dùng điện thoại cho việc gì?
Cô Thu (giáo viên trường tiểu học Trần Phú, Quảng Ninh) phản ánh thực tế hầu như giờ ra chơi nào các học sinh có điện thoại cũng bỏ điện thoại ra, túm tụm lại với trò chơi điện tử. Thậm chí, nhiều học sinh “tập trung” vào trò chơi trên di động đến mức quên đứng dậy chào cô khi các bạn trong lớp đã rất nghiêm chỉnh.

Lần đầu, cô Thu thường nhắc nhở nhẹ nhàng để các bạn biết sai để sửa. Tuy nhiên, đối với những học sinh tái phạm nhiều lần, cô Thu đã gặp trực tiếp phụ huynh để trao đổi và yêu cầu gia đình không cho bạn mang di động tới trường.

 
Phụ huynh không thể quản lý được con cái đang sử dụng điện thoại di động để làm gì
Cô Quỳnh Chi, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội kể lại: "Có lần đang kiểm tra, một học sinh quên không chuyển máy sang chế độ im lặng, tiếng chuông điện thoại kêu khiến các học sinh trong lớp và cả cô giáo cũng giật mình. Sợ cô la mắng, bạn học sinh này cuống cuồng tìm điện thoại trong cặp nhưng phải mất một lúc mới tắt được điện thoại. Lúc đó vẻ mặt của học sinh rất lo lắng và sợ sệt khi tất cả các bạn trong lớp đều quay về phía mình".

Tuy đã nhắc nhở nhiều lần nhưng thỉnh thoảng những trường hợp tương tự vẫn diễn ra trong lớp. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm lớp đã phải họp các bậc phụ huynh và thống nhất không cho các bạn mang điện thoại đến lớp.

Cô Hoàng Thị Bích Nga, hiệu trưởng trường tiểu học Tam Khương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ rằng việc học sinh tiểu học sử dụng điện thoại di động sẽ làm giảm tập trung việc học tập.

Cô Nga lấy ví dụ, năm ngoái có trường hợp một bạn học sinh lớp 5 sử dụng điện thoại di động nhắn tin cả buổi trưa, đã không ngủ lại còn làm ảnh hưởng đến các bạn học sinh khác. Sau đó, các cô giáo đã phát hiện. Nhà trường họp bàn với phụ huynh và đều thống nhất không cho các bạn mang điện thoại đến trường.

“Các con thích thể hiện với bạn bè là mình có điện thoại. Ở lứa tuổi tiểu học, nếu đúng nghĩa các cháu chỉ sử dụng điện thoại khi cần gọi bố mẹ đến đón hay có việc gì đột xuất. Nhưng các cháu có ý thức được là chỉ nên sử dụng điện thoại trong trường hợp đó đâu” - Cô Nga nhận xét.

Không có quy định cấm, nhà trường lúng túng
Hiện nay Bộ GD-ĐT cũng không quy định cấm học sinh không được mang điện thoại di động đến trường. Vì vậy, nếu phát hiện các em học sinh có sử dụng điện thoại, các cô giáo sẽ trao đổi với phụ huynh và động viên phụ huynh không cho các cháu mang điện thoại đến trường.

Cô Hoàng Thị Bích Nga cho biết thêm, nếu các con mang điện thoại đến lớp nhưng trong giờ học không mang ra chơi nghịch, để chế độ im lặng, chỉ đến khi tan học gọi cho bố mẹ ra đón thì các cô khó mà phát hiện ra được.

Một hiệu trưởng của trường tiểu học ở quận Ba Đình cũng cho rằng hiện nay Bộ GD-ĐT cũng không có các quy định cấm học sinh tiểu học mang điện thoại di động tới trường. Nếu học sinh chỉ sử dụng để liên lạc với gia đình cuối giờ học mà không làm ảnh hưởng tới việc học tập của các bạn khác, nhà trường cũng không thể cấm đoán việc này.

Ngay từ đầu năm nhà trường đã cho họp phụ huynh và thống nhất quan điểm là không cho học sinh tiểu học sử dụng điện thoại di động. Vì nếu các bạn có mang điện thoại di động đến lớp sẽ làm ảnh hưởng tới việc tập trung học tập. Khi có việc cần liên lạc, cô giáo chủ nhiệm sẽ gọi điện trực tiếp cho phụ huynh để giải quyết hoặc thông báo tình hình học tập của các con thông qua sổ liên lạc điện tử.

Vị hiệu trưởng này cũng cho hay việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với điện thoại di động sẽ có nhiều tác hại đối với sức khỏe và tâm lý của học sinh. Vì vậy, để có thể chăm sóc tốt nhất cho các học sinh, nhà trường cần có chủ trương để quản lý không cho học sinh mang điện thoại di động tới trường.


Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng không có quy định cấm học sinh không được mang ĐTDĐ tới trường
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) xác nhận việc hiện nay Bộ cũng không có quy định cấm học sinh tiểu học không được mang điện thoại di động tới trường. Bộ chỉ quy định cả học sinh và giáo viên không được sử dụng điện thoại di động trong giờ học.

Ông Thành chia sẻ, hiện nay nhiều gia đình sắm điện thoại cho con với mong muốn để quản lý và liên lạc với các bạn thường xuyên hơn. Tuy nhiên, việc để điện thoại cho các bạn chơi game, xem các nội dung không phù hợp với lứa tuổi thì nhiều gia đình vẫn chưa quản lý được. “Khi phát hiện các trường hợp học sinh vi phạm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học sẽ giao cho lãnh đạo từng trường và cô giáo chủ nhiệm lớp trực tiếp xử lý” - ông Thành nhấn mạnh. 

Theo VTC