Chỉ cần một cú điện thoại, sinh viên, học viên cao học có thể thuê cho mình một người hằng ngày đi học hộ một cách đơn giản.
Công việc của người học thuê chỉ là lên lớp điểm danh, ghi tên. Với 80.000 đồng - 90.000 đồng/buổi, người thuê có "quyền" yêu cầu người học thuê đến ngồi vào bất kỳ lớp học nào từ trung cấp, cao đẳng đến đại học và thậm chí cả cao học. Dịch vụ này đang làm "tan nát" sự cao đẹp của giảng đường trường đại học cũng như làm "thoái hoá" trí tuệ của một số người "sính" bằng cấp.
Nhộn nhịp "chợ" học thuê
Một người bạn Úc đang công tác tại Việt Nam có dịp đến một trường Đại học (ở Hà Nội) cùng tôi, thốt lên: "Sao các trường Đại học ở Việt Nam buổi tối còn tấp nập hơn cả ban ngày thế nhỉ?".
Quả thực, phát hiện của người bạn Úc không sai. Vào tầm 6h30 tối, chỉ cần dạo quanh khu vực các trường đại học Kinh tế Quốc dân, Bách khoa, Xây dựng... thì các khoảng sân trường thông thoáng đều được tận dụng tối đa thành bãi để xe.
Khung cảnh xung quanh các trường còn sầm uất hơn nhiều. Những quán ăn như: Bún đậu, miến trộn, xôi, ngô luộc... đông chật như nêm người ra - vào ăn uống. Khách hàng ở những quán này, chủ yếu là sinh viên, học viên. Họ ăn lót dạ trước khi vào "cuộc chiến" 2 tiếng đồng hồ trên giảng đường.
Bảng giá của dịch vụ học thuê được đăng tải công khai.
Buổi tối là thời gian "vàng ngọc" của các loại hình đào tạo tại chức, liên thông. Thế nên, với người đi làm ngày, có nhu cầu "lên đời" bằng cấp hơn là nâng cao kiến thức thì học tối là giải pháp tối ưu. Với loại hình này, dịch vụ học thuê nhộn nhịp đến ngỡ ngàng.
"Bạn mệt mỏi với việc học tập?" dòng giới thiệu "hoành tráng" đập vào mắt người xem tại trang web hocthue.tk khiến người đọc không khỏi giật mình. Kèm theo đó, website này còn hướng dẫn người mệt mỏi biết cách hết mệt mỏi, rằng: "Hiện đáp ứng nhu cầu của các bạn, chúng tôi tiếp nhận học thuê, học hộ ở các trường tại Hà Nội. Học thuê hệ chính quy, học thuê tại chức, học thuê văn bằng 2, học thuê cao học, các khóa học đào tạo bồi dưỡng kiến thức...
Chúng tôi học thuê cho các bạn nhằm chia sẻ thời gian - công việc của những người có quỹ thời gian bận rộn. Chúng tôi đảm bảo việc học hành đúng thời gian, đủ số buổi, đáp ứng đúng yêu cầu của các bạn. Giá cả thỏa thuận.
Chúng tôi có các "cộng tác viên" là sinh viên nam và nữ nhiệt tình, năng động, biết chủ động linh hoạt trong công việc, giúp bạn update được các thông tin quan trọng của môn học. Khi có nhu cầu hãy liên hệ với chúng tôi, số điện thoại 094992xxxx".
Những dòng thông báo dịch vụ học thuê công khai kèm theo bảng giá cho từng buổi học với mức từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng làm người thực sự coi việc học là cho chính mình đã choáng váng.
Đến nhận thi... thuê
Trên các diễn dàn, các trang web rao vặt như yeutretho.com, rongbay.com... những dòng thông tin quảng cáo tương tự về dịch vụ học thuê cũng được đăng tải tràn lan.
Người đăng tải dịch vụ này thật thà cho biết: "Sau một thời gian, từ việc đi học hộ cho các bạn, mình đã nhận được rất nhiều "hợp đồng" học hộ dài hạn từ người này giới thiệu cho người khác. Hiện mình đang học cho rất nhiều bạn, các anh chị học tại các trường ở Hà Nội. Mình đi học hộ cho các bạn nam, em gái mình học cho các bạn nữ.
Mình nhận học theo hợp đồng lâu dài nên rất uy tín, thực hiện nghiêm túc công việc. Ngoài học hộ, ai có nhu cầu, mình có thể thi hộ luôn".
Chủ nhân của những topic rao vặt này còn cam kết "trách nhiệm" của người học thuê là sẽ "đảm bảo việc học hiệu quả, điểm danh, ghi chép, update thông tin của lớp, trường liên tục". Học thuê đã làm người ta choáng, lại còn kèm cả dịch vụ thi thuê nữa thì không hiểu, cái "loạn" của sự học vì "sính" bằng cấp sẽ đi đến đâu?
PV liên lạc theo số điện thoại 0949925xxx được đăng tải trên một trang web nhận dịch vụ đi học thuê trên địa bàn Hà Nội thì nhận được thông tin: "Tôi có một đội ngũ sinh viên sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học thuê từ trung cấp, cao đẳng, đại học thậm chí cả cao học". Chúng tôi đưa ra đề nghị, tìm giúp người học ngành kế toán hệ đại học liên thông.
Anh này liền hỏi: "Việc điểm danh ở lớp có gắt không?". Tôi nói: Khó khăn, gắt thì mới phải thuê. Giảng viên tự điểm danh, đặc biệt trong giờ giảng viên còn gọi hỏi bài cho điểm chuyên cần và có thể hỏi để kiểm tra danh tính bất kỳ lúc nào.
Dường như thấy độ "khó nhằn" của cuộc giao dịch, người môi giới học thuê này đã thật thà chia sẻ: "Hiện tại, tôi chỉ có khoảng 3, 4 sinh viên hệ cao đẳng ngành kế toán". Sau đó, như thể tiếc mối làm ăn, người môi giới này vẫn "cài cắm" rằng sẽ cố gắng tìm người phù hợp với yêu cầu của tôi nhưng giá cao hơn mặt bằng chung đấy.
Ngay sau cuộc giao dịch học hộ ngành kế toán bất thành, chúng tôi đề nghị cung cấp một người học thuê cao học ngành tài chính - ngân hàng tại Học viện Ngân hàng. Người môi giới hồ hởi rằng: "Có thể đáp ứng được ngay yêu cầu này. Giá một buổi ban ngày là 90.000 đồng. Buổi tối là 80.000 đồng".
Khi tôi bày tỏ băn khoăn việc giảng viên có thể kiểm tra kiến thức và điểm danh gắt gao thì đối phó như thế nào để không bị lộ, không ảnh hưởng đến đôi bên, người môi giới này liền trấn an "Trường này bên mình làm nhiều rồi. Họ điểm danh dễ và cũng không có thời gian để ý kỹ từng học viên đâu".
PGS.TS Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT.
"Thầy và trò" học cùng một lớp
Theo chia sẻ của một số sinh viên từng có "kinh nghiệm đi học thuê" thì học thuê ở hệ đào tạo liên thông của các trường, đặc biệt là liên thông dạy tại các cơ sở thuê địa điểm ngoài trường là dễ "làm ăn" nhất. Bởi địa điểm học thường xen lẫn các đơn vị khác, ra vào cổng trường dễ dàng. Đặc biệt là giảng viên cũng không kiểm tra thẻ người học.
Nguyễn Thanh T. sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết: "Chủ yếu hệ liên thông đều là những người đang đi làm nhưng lại muốn có bằng cấp thăng tiến chuyện quan chức." Theo T. người đi học thuê chỉ cần có "tiêu chuẩn" là thần kinh thép, mặt "dày" và sẵn sàng đi ra khỏi lớp trước cả trăm cặp mắt nhìn vào nếu bị phát hiện... là đủ. Chiêu "em đi làm thuê, nay chị em ốm nhờ đi chép bài hộ là "bài" được T. dùng khi bị thầy cô phát hiện học thuê.
Không giống trường hợp rút lui êm thấm như T., câu chuyện dở khóc dở cười của Phạm Thúy H. sinh viên khoa Quản trị du lịch khách sạn, ĐH Thương mại có lẽ cũng là có một không hai. H, ở ký túc của trường, bạn bè tìm việc làm thêm thì H. tranh thủ học thêm văn bằng hai, kế toán, tại trường.
Qua mối dẫn của bạn, H. đi học thuê. Ngay buổi học đầu tiên, H. đã "sốc" vì gặp thầy giáo dạy ở lớp kế toán cũng đang theo học lớp cao học. H. dở khóc dở cười chào thầy và phân trần là đi học hộ chị họ bị ốm. Thầy giáo cũng im lặng không nói gì. Nhưng hôm sau đến lớp học văn bằng hai, H. chẳng dám bắt chuyện với thầy như mọi khi.
PGS.TS luật học Chu Hồng Thanh Vụ trưởng vụ Pháp chế , Bộ GD&ĐT cho rằng: "Giáo dục các nước đều quản lý sinh viên bằng thẻ có ảnh. Việt Nam cũng đã làm điều này từ lâu ở tất cả các trường và các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Chiếc thẻ không những là chứng thực người học chính xác mà còn có nhiều ưu tiên về lợi ích với họ như được giảm giá xe buýt, giảm vé vào các nơi thăm quan...".
Theo PGS.TS Chu Hồng Thanh, việc đeo thẻ học sinh, sinh viên là quy định bắt buộc với tất cả các trường. Chính vì thế nếu có hiện tượng học thuê xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên là của trường, của giáo viên chủ nhiệm và quản lý tiết học. Các trường đã được giao quyền tự chủ trong việc tổ chức dạy và học, vì thế cần phải chủ động trong việc kiểm tra sinh viên của mình.
Với những trường hợp thuê người học hộ thì đó là biểu hiện của hành vi gian dối, là một trong những điều cấm không được làm với học sinh, sinh viên. Nhà trường phải tiến hành kỷ luật sinh viên đó và có thể xử lý ở mức cao nhất là loại khỏi trường.
PGS.TS Chu Hồng Thanh cho biết: "Đối với các dịch vụ học thuê, thi thuê ngoài trách nhiệm xử lý của các trường với sinh viên trong trường còn cần đến sự phối hợp bên ngoài như lực lượng công an, các sở giáo dục đào tạo... Điều này đã được quy định trong Nghị định 115 /2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục. Với những trang web có địa chỉ cụ thể, số điện thoại của người cung cấp các dịch vụ này thì lực lượng công an có thể hỗ trợ UBND địa phương xử lý được dễ dàng”.
(Theo Kenh 14)