Đổi mới cách dạy - học môn Giáo dục công dân 12/08/2013 16:56:00
Ngày (10/8), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã khai mạc Hội thảo Quốc gia về Giáo dục đạo đức công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo
 
Tham dự Hội thảo có: Bà Lâm Phương Thanh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW; Ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các vụ của Ban Tuyên giáo TW; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Bộ GD&ĐT; Bộ VHTT&DL; TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các nhà khoa học; các trường đại học, Sở GD&ĐT…

Hội thảo nhằm mục đích góp phần đánh giá những kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn giảng dạy học tập giáo dục đạo đức công dân ở trường phổ thông, công tác đào tạo giáo viên đạo đức giáo dục công dân trong những năm đầu của thế kỷ 21. Đề xuất định hướng đổi mới chương trình, nội dung phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đạo đức giáo dục công dân ở trường phổ thông Việt Nam trong thời gian tới, phục vụ việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015. Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày mai (11/8).
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 40 của Quốc hội khóa X về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, từ những năm 2000, Bộ GD&ĐT đã biên soạn và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới trong đó có môn Giáo dục công dân (GDCD) - ở Tiểu học gọi là môn Đạo đức. 
 
Hơn một thập kỷ qua, môn Đạo đức - GDCD đã có những đóng góp quan trọng trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi của người công dân; góp phần hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực cần thiết; đáp ứng đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn vừa qua và phù hợp với xu thế quốc tế. 
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng chỉ ra: Dạy và học Đạo đức - GDCD trong nhà trường phổ thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo đánh giá chung, nội dung chương trình hiện hành còn nhiều điều chưa hợp lý, nặng giáo dục chính trị, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống. Nhiều bài học trong SGK môn Đạo đức - GDCD còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, tình cảm của học sinh. Một số kiến thức triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học… còn khá trừu tượng, khó hiểu đối với học sinh phổ thông, chưa chú ý đúng mức tính liên thông, tích hợp nội dung dạy học môn Đạo đức - GDCD với các môn học khác.
 
Cùng đó, kết quả của việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa rõ, chủ yếu vẫn dạy chay, thuyết trình, đọc chép, độc thoại một chiều; ra giảng đạo lý; lệ thuộc nhiều vào SGK và tài liệu hướng dẫn giảng dạy, thiếu sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập còn nặng về hình thức, phổ biến vẫn là kiểm tra, chưa chú trọng kiểm tra đánh giá năng lực, phẩm của của học sinh.
 
Chất lượng giáo viên môn Đạo đức - GDCD chưa đồng đều. Chương trình và phương thức đào tạo trong các trường Sư phạm chậm đổi mới, chất lượng đào tạo còn thấp. Công tác bồi dưỡng giáo viên được tiến hành thường xuyên nhưng chưa thiết thực, hiệu quả.
 
Hệ quả là đa số học sinh chưa hứng thú học Đạo đức - GDCD, mục tiêu dạy người qua môn học này còn rất hạn chế. Tình trạng tiêu cực về đạo đức và vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên hiên nay, có một phần trách nhiệm thuộc về việc dạy và học Đạo đức - GDCD trong quá trình đổi mới toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Môn Đạo đức - GDCD là môn học góp phần trực tiếp hình thành nhân cách học sinh thông qua việc làm quen và tiếp thu, thực hành và trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày các quy phạm đạo đức, lễ tiết cần thiết, ứng xử đúng đắn trong quan hệ giữa cá nhân với các thành viên trong gia đình và bên ngoài xã hội, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân…
 
Theo Thứ trưởng, để hoàn thành sứ mệnh vừa vinh quang, vừa rất nặng nề đó, cần phải có quyết tâm và nỗ lực lớn trong việc đổi mới môn học. Trước hết là đổi mới cách tiếp cận chương trình; đổi mới nội dung và yêu cầu chuẩn chương trình. 
 
Đặc biệt là tìm đáp án cho các câu hỏi: Các mạch nội dung cần thiết nhất của môn Đạo đức - GDCD theo yêu cầu phát triển năng lực? Trong đó những nội dung nào có thể tích hợp với các môn học khác hoặc tích hợp vào các chủ đề liên môn mà không nhất thiết phải dạy ở Đạo đức - GDCD? Môn Đạo đức - GDCD cần phải lồng ghép, tích hợp kiến thức, kỹ năng nào trong số các lĩnh vực kiến thức, kỹ năng cần được trang bị cho học sinh?
 
Cách thức thể hiện các yêu cầu về nội dung giáo dục đạo đức công dân thành sách giáo khoa sao cho hấp dẫn, thấm thía, tránh thô thiển, gượng ép; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Đạo đức – GDCD như thế nào để nội dung môn học trở thành gần gũi, nhẹ nhàng, dễ vận dụng, đem lại hứng thú cho học sinh…
 
Hội thảo đã nhận được gần 200 báo cáo, trong đó 123 báo cáo tập trung đánh giá và đề xuất xây dựng chương trình, sách giáo khoa; 42 báo cáo tập trung đánh giá thực trạng về đề xuất giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; 30 báo cáo tập trung đánh giá về đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDCD…
 

Theo: Giáo dục và thời đại