Những giải pháp mới, quyết liệt hơn cùng những bài học kinh nghiệm quý sẽ là đòn bẩy giúp Giáo dục Thủ đô giảm bớt sức nóng từ những “chuyện năm nào cũng nói” mỗi dịp năm học mới bắt đầu.
Quyết liệt dành quỹ đất xây trường
Tuyển sinh đầu cấp, các khoản thu – chi, đồng phục học sinh.… nhiều năm nay đã trở thành vấn đề “đến hẹn lại lên”. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống đã có cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục & Thời đại về những kinh nghiệm và biện pháp chấn chỉnh những “lùm xùm” không đáng có dịp đầu năm học.
Được đánh giá là đã làm tốt công tác tuyển sinh đầu cấp nhưng năm học này, Hà Nội vẫn phổ biến tình trạng quá tải số học sinh/lớp, xin ông cho biết hướng khắc phục vấn đề này để giảm bớt thiệt thòi cho lứa học sinh “Heo vàng 2007”?
Năm học 2013 – 2014 đã chính thức bắt đầu. Thắng lợi ban đầu của GD Thủ đô chính là việc được xã hội ghi nhận đã hoàn thành tốt công tác tuyển sinh đầu cấp. Năm học này có hơn 11.000 học sinh lớp 1 tăng thêm do “hệ lụy Heo vàng” – sinh con năm 2007.
Theo chỉ đạo của thành phố, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn đến tất cả các cơ sở nhằm thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp theo phương châm 4 rõ: Rõ chỉ tiêu, rõ thời gian, rõ tuyến và rõ quy mô tuyển sinh. Nhờ đó, công tác tuyển sinh đầu cấp diễn ra êm đẹp, thuận lòng dân, làm tiền đề cho một năm học mới nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên việc giảm sĩ số học sinh/lớp vốn là mối lo thì lứa học sinh “Heo vàng” cùng với tốc độ di dân tự do tăng cao làm mối lo đó lại được dịp nhân lên. Sĩ số học sinh/lớp trở thành bài toán khó giải. Các địa phương đã nỗ lực, đầu tư hàng nghìn tỷ để xây dựng thêm, sửa chữa, cải tạo trường lớp học.
Hà Nội đã xây dựng thêm hơn 2.500 phòng học và sửa chữa gần 5.000 phòng học nhưng sĩ số học sinh/lớp nhiều nơi vẫn cao hơn so với quy định chung của Bộ GD&ĐT. Tình trạng trên 55 học sinh/lớp không phải là hiếm trong năm học 2013 – 2014. Để khắc phục tình trạng này cho những lớp học sau của “Heo vàng”, nhiều địa phương của Hà Nội đã lên phương án đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất, trường học các cấp, phục vụ giãn sĩ số học sinh.
Chủ trương quyết liệt của UBND thành phố về việc di dời các nhà máy, các khu đất trong nội đô để dành quỹ đất cho xây dựng trường học đã mang lại nhiều hi vọng mới về một tương lai bớt chật chội của giáo dục Thủ đô. Với lộ trình cụ thể, Hà Nội quyết tâm đến năm 2015, tình trạng quá tải và sĩ số học sinh/lớp sẽ đảm bảo đủ chỗ học, đáp ứng cơ bản yêu cầu chung.
Chấn chỉnh lạm thu
Sở GD & ĐT Hà Nội cam kết bảo vệ danh tính của phụ huynh và việc học tập của con em họ,
đồng thời xử lý nghiêm khắc các cá nhân, đơn vị sai phạm thu - chi đầu năm (Ảnh: MH)
Vấn đề thu – chi đầu năm học luôn nóng tại Hà Nội mỗi dịp đầu năm học. Năm nay Hà Nội có những biện pháp gì mới nhằm chấn chỉnh triệt để tình trạng này?
Đây luôn là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm và là đề tài nóng mỗi dịp đầu năm học mới. Về cơ bản, năm nay mọi vấn đề thu – chi vẫn theo quy định chung từ năm học trước, cho đến khi có hướng dẫn của UBND thành phố.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã công khai hướng dẫn và quy định các khoản thu trên Website của Sở cho từng đối tượng học sinh, từng cấp học. Những ai quan tâm đều có thể theo dõi và giám sát các khoản thu của các nhà trường trên cơ sở đối chiếu với những quy định đã được công khai niêm yết của Sở. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giữa văn bản hướng dẫn đến việc thực hiện tại cơ sở luôn có khoảng cách nhất định.
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thành lập hơn 10 đoàn kiểm tra việc thu – chi thực tế ở tất cả các địa phương. Các đoàn sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất, như kiểm tra thi tốt nghiệp, nếu phát hiện sai phạm sẽ kịp thời chỉnh đốn. Việc xử lý sẽ áp dụng theo các quy chế hiện hành, tùy mức độ sai phạm, nhằm giảm thiểu tối đa những bức xúc cho dư luận. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phụ huynh là những người công dân, phải có trách nhiệm với hành vi của mình. Họ hoàn toàn có thể từ chối những việc làm sai trái hay họ cho rằng không phù hợp. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi mở ví ủng hộ những khoản thu mang tên “tự nguyện” của nhà trường.
Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện những khoản thu “oái oăm”, phụ huynh hãy cung cấp cho “đường dây nóng” của Sở GD&ĐT những bằng chứng. Chúng tôi không yêu cầu nêu tên học sinh, và đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của các em học sinh.
Về vấn đề đồng phục học sinh, sau chuyện “bộ đồng phục có giá 1 tạ thóc”, Sở GD&ĐT Hà Nội có những chỉ đạo gì để tránh xảy ra những sự việc tương tự?
Đây cũng là vấn đề rất cần nhận được đồng thuận của phụ huynh, trên cơ sở các tiêu chí: Phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương và được cha mẹ học sinh đồng thuận.
Cần xác định rõ ràng, học sinh mặc đồng phục để đi học chứ không phải mặc để đi lễ hội nên nhà trường và phụ huynh cần thống nhất để tìm ra những mẫu đồng phục phù hợp nhất với hoạt động của các em. Tuyệt đối không để học sinh vì không có đồng phục mà không được đến trường; Không nhất thiết bắt học sinh may đồng phục mới mà có thể dùng lại của anh, chị miễn là đồng phục còn sạch sẽ, gọn gàng, bảo đảm tính thẩm mĩ.
Trên tiêu chí tiết kiệm, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường không thiết kế, thêm chi tiết, thay đổi mẫu đồng phục, làm khó cho các bậc phụ huynh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Theo: Gdtd.vn