Tại sao thiếu giáo viên, thừa cử nhân sư phạm? 29/08/2013 10:50:33
Tại buổi họp báo đầu năm học 2013-2014 chiều 28/8, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có giải thích về hiện tượng sinh viên sư phạm "thất nghiệp đổ đi không hết ", còn các trường thì lại thiếu giáo viên...
 
Ông Hoàng Đức Minh
 
- Tại hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 Bộ GD-ĐT dẫn số liệu cả nước còn thiếu 27.000 giáo viên . Con số này khiến nhiều địa phương giật mình vì sinh viên sư phạm tốt nghiệp không xin được việc. Vậy số liệu Bộ GD-ĐT đưa ra được tính toán căn cứ trên cơ sở nào?

Ông Hoàng Đức Minh: Hiện nay theo thông tin cập nhật thì toàn quốc thiếu trên 27.000 giáo viên ở tất cả các cấp học. Và ở một số môn, một số vùng miền lại thừa giáo viên cục bộ. Đây là một thực trạng diễn ra nhiều năm, tuy nhiên so với các năm trước thì năm học này giảm nhiều.

Số liệu được Bộ GD-ĐT tổng hợp căn cứ trên cơ sở các địa phương gửi về. Cụ thể là theo báo cáo của các địa phương khi xây dựng kế hoạch đội ngũ và quy hoạch mạng lưới trường lớp so với nhu cầu thì ra số giáo viên thừa thiếu như Bộ GD-ĐT đã công bố.

- Bộ GD-ĐT đã tính được số giáo viên thiếu thuộc những tỉnh nào và những môn học nào thiếu giáo viên nhiều nhất. Giải pháp khắc phục của Bộ GD-ĐT trong năm học này như thế nào để không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo khi giáo viên thiếu, còn học sinh thì tăng?

Ông Hoàng Đức Minh: Tình trạng thừa thiếu giáo viên tập trung ở các thành phố lớn. Ví dụ như TP.HCM thiếu hơn 2.500 giáo viên nhưng sau khi tuyển mới thì còn thiếu 1.200; Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang cũng thiếu trên dưới 1000 giáo viên. Một số địa phương khác cũng thiếu rải rác.

Những địa bàn thiếu giáo viên phát sinh do triển khai đề án phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi do đó nhu cầu tăng lượng giáo viên dạy 2 buổi/ ngày cũng đẩy con số lên nhiều.

Mặt khác ở giáo dục phổ thông tăng học 2 buổi/ ngày cũng phải tăng giáo viên. Việc triển khai Đề án ngoại ngữ đến năm 2020 cũng đòi hỏi tăng giáo viên...Một số môn học cấp THCS như Âm nhạc, Mĩ thuật, TDTT cũng là yếu tố làm tăng giáo viên. Điều đó dẫn đến việc thiếu giáo viên xảy ra.

Tình trạng thừa giáo viên cũng xảy ra ở một số vùng trung tâm. Giáo viên được đào tạo nhiều ở những môn đã đủ dẫn đến thừa.

Để giải quyết tình trạng này, hai năm nay Bộ GD-ĐT cùng với các địa phương đã triển khai quy hoạch gắn với quy định của ngành. Cụ thể gắn đào tạo sư phạm với nhu cầu sử dụng trên cơ sở rà soát thực tế. Đồng thời đánh giá đội ngũ giáo viên theo chuẩn quy định để đảm bảo việc rà soát điều chỉnh đội ngũ giáo viên đáp ứng đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng ở các cấp học.

Mặt khác có chính sách thu hút giáo viên những vùng đặc biệt khó khăn không có biến động nhiều và ổn định giáo viên ở các vùng khó.

Hiện nay Bộ cũng đang thực hiện đánh giá việc đào tạo ở các trường sư phạm trên dự báo của ngành để gắn kết đào tạo và sử dụng tốt hơn. Các địa phương cũng đang tích cực ra soát để việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng. Ví dụ như TP.HCM đã thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ có đào tạo sư phạm và có ký kết giữa Sở GD-ĐT TP.HCM với các cơ sở để đảm bảo đào tạo sư phạm đúng địa chỉ còn thiếu giáo viên.

Đây cũng là việc làm quyết liệt của ngành trong thời gian tới để  giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên đặt ra.

- Tình trạng thiếu giáo viên như vậy khi nào sẽ được giải quyết dứt điểm?

Ông Hoàng Đức Minh: Chúng tôi nghĩ đây là vấn đề cần phải có thời gian vì tất cả các giải pháp triển khai đồng bộ cùng với việc điều chỉnh cơ học dân số. Cũng có nguyên nhân khách quan của việc di cư dân số chứ không chỉ ngành giáo dục.

Vấn đề giải quyết dứt điểm cần chung tay của các địa phương cũng như toàn dân giúp sức cùng có giải pháp thực hiện. Ví dụ học sinh thi sư phạm không chỉ căn cứ năng lực của mình mà còn xem xét nhu cầu thực của địa phương. Có nghĩa là địa phương phải có dự báo nhu cầu công khai cho thí sinh từ đó đăng ký thi đúng ngành để sau khi tốt nghiệp có sắp xếp hợp lí.

Còn nếu chỉ học vì sở thích cá nhân thì sẽ không gắn kết được đào tạo với nhu cầu sử dụng. Nhu cầu phải được gắn kết giữa nhu cầu của địa phương và nhu cầu của học sinh...

 
(Theo: Vietnamnet)