"Năm 2014, một số trường ĐH sẽ tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, Bộ GD- ĐT không hoàn toàn buông tay mà vẫn tổ chức “3 chung” cho những trường chưa đủ năng lực..." - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bùi Anh Tuấn khẳng định tại buổi đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 26/12.
Tại buổi đối thoại sáng 26/12, nhiều vấn đề băn khoăn về những thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 được các lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các đơn vị chức năng giải đáp.
Tháng 3 chốt phương án tuyển sinh riêng
Giải đáp thắc mắc tại sao Bộ không tổ chức thi chung hết hoặc thi riêng hết cùng một lúc, mà lại để tình trạng “nửa mùa” như hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết cần phải có lộ trình cho việc thi riêng, để thí sinh làm quen, trường có thời gian chuẩn bị.
Ảnh Lê Anh Dũng
“Hệ thống trường ĐH ở Việt Nam đa dạng, có trường hàng trăm năm tuổi, nhưng cũng có trường mới thành lập. Nếu dừng ngay “3 chung” sẽ xáo trộn nặng nề gây lo lắng, xã hội không chấp nhận” – ông Ga khẳng định.
“Tại sao Bộ không để năm sau thi riêng mà vào thời điểm khá gấp gáp này?”- một thí sinh thắc mắc. Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục ĐH trong đó có vấn đề giao tự chủ tuyển sinh cho các trường, việc này không thể chậm trễ hơn.
Mục đích của việc làm này vẫn là đem lại lợi ích lớn nhất là cho TS, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên, Bộ GD- ĐT không hoàn toàn buông tay mà vẫn tổ chức “3 chung” cho những trường chưa đủ năng lực hay chuẩn bị đủ điều kiện để thi riêng.
Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho hay, cuối tuần này Bộ sẽ ban hành chính thức quy định về tuyển sinh riêng, làm căn cứ pháp lý cho các trường xây dựng, điều chỉnh phương án theo quy định mới. Các trường sẽ nộp trước ngày 10/2, Bộ trả lời trước ngày 10/3.
Theo lịch tuyển sinh như mọi năm, từ 10/3 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Tới thời điểm này, các em sẽ có đầy đủ thông tin.
Sẽ có điều chỉnh nhỏ về cộng điểm ưu tiên
Trả lời câu hỏi về việc Bộ có thay đổi quy định cộng điểm ưu tiên không, trong khi điều kiện kinh tế xã hội của nhiều khu vực được ưu tiên đã khác?”, ông Trần Văn Nghĩa cho biết Bộ GD-ĐT đã phối hợp các bộ ngành liên quan để rà soát tổng thể chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, bao gồm cả ưu tiên khu vực, đối tượng, tuyển thẳng; đã thống kê dữ liệu tuyển sinh để xác định mức độ kết quả thi như thế nào.
Sau hội nghị Giáo dục ĐH tới đây, Bộ sẽ công bố điều chỉnh ưu tiên trên cơ sở thống nhất với các bộ ngành. Theo ông Nghĩa, sẽ có thay đổi, nhưng không nhiều.
Không giống thi riêng thời kỳ trước “3 chung”
Ông Bùi Văn Ga khẳng định cách thi riêng bây giờ khác với thi riêng thời kỳ trước “3 chung”, “khác cơ bản về ra đề thi, phương thức thi, đánh giá xét tuyển, không kiểm tra kiến thức đơn thuần mà kiểm tra năng lực có phù hợp ngành nghề đào tạo không, các trường có những phương án tuyển sinh khác nhau, không phải như trong quá khứ.
“Bài học cay đắng nhất đối với các hệ đào tạo tại chức, liên thông, văn bằng 2 là không khống chế được ngưỡng đầu vào. Các trường chỉ lo lấy đủ chỉ tiêu, thi không ai trượt… dẫn đến việc xã hội quay lưng, đào tạo chất lượng kém không phù hợp yêu cầu.
Bộ đã nhận thấy và rút kinh nghiệm từ việc quản lý đào tạo không chính quy, nên sẽ đưa vào quy chế tuyển sinh đối với thi riêng phải có ngưỡng chất lượng tối thiểu được xã hội chấp nhận, để cấm các trường tuyển sinh ồ ạt” - lời thứ trưởng.
Phương án thi riêng sẽ không thể xảy ra tình trạng mỗi lớp học chỉ tập trung học một vài môn theo yêu cầu tuyển sinh của trường nào đó. Các đề thi riêng sẽ yêu cầu kiến thức tổng hợp, toàn diện, không thể chỉ tuyển với một môn. Thí sinh sẽ không trúng tuyển nếu học lệch, nếu các em không biến kiến thức thành của riêng mình.
Trong phương án tuyển sinh, các trường phải cam kết, đề xuất giải pháp khác nhau để không dẫn đến tình trạng luyện thi, không phát sinh tiêu cực…
Về phía thí sinh, Thứ trưởng trấn an: Các em không phải lo lắng về đổi mới tuyển sinh trong 2014. Bất kỳ phương án thi riêng nào Bộ cũng cân nhắc kỹ, nếu không phù hợp sẽ không cho áp dụng.
Tuy nhiên, hướng đổi mới tuyển sinh những năm tới sẽ theo hướng kiểm tra năng lực học sinh. Do đó, các em phải chuyển hướng cách học, thay vì học thuộc hãy biến kiến thức thành của riêng theo năng lực, năng khiếu của từng em.
“Giao tự chủ tuyển sinh không nhằm mục đích cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu, mà để các trường tìm ra phương án tuyển sinh tốt hơn hiện nay, phù hợp với các ngành đào tạo của mình” – ông Trần Văn Nghĩa |
(Theo: Vietnamnet)