Điểm đặc biệt của 2 phương án này là thí sinh sẽ được chọn 2 môn thi theo sở thích.
Chiều 2/1, Bộ GD-ĐT tổ chức họp thông báo về Dự thảo một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Dự thảo này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh cũng như đông đảo dư luận xã hội để có thể áp dụng vào năm 2014.
Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT
gồm 2 phương án mới sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội
Theo như Dự thảo có 2 phương án đưa ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương án 1, thí sinh thi 4 môn gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn), 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Học sinh có thể đăng ký môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN). Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ 2020. Trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết). Tuy nhiên, phương án này có thể dẫn đến việc dư luận cho rằng sẽ giảm nhẹ yêu cầu dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông theo Đề án ngoại ngữ 2020 vì vậy, Bộ GD-ĐT mong nhận được ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội.
Phương án 2, thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 5 môn: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên.
Phương án này có ưu điểm là bắt buộc phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ. Tuy nhiên, số môn thi tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu. Do đó không có tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ.
Bộ GD-ĐT cũng đưa ra hình thức thi cho các môn. Theo đó, môn Toán, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử thi theo hình thức tự luận. Các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Môn Ngoại ngữ có 2 phần thi: trắc nghiệm và viết luận.
Thí sinh làm bài môn Toán và Ngữ văn với thời gian là 150 phút. Môn địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ: 90 phút. Môn Vật lý, Hóa học và Sinh học là 60 phút./.
(Theo: VOV online)