Hơn 10 ngày nữa, thí sinh cả nước sẽ bước
vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay đề thi năm
nay sẽ ra theo hướng mở và thí sinh sẽ không phải học kiến thức thuộc lòng
Thứ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết thí sinh sẽ không
phải lo học thuộc quá nhiều bởi cách ra đề năm nay sẽ tập trung phát huy những
đổi mới đã được xã hội đánh giá cao.
Đề chọn ngẫu
nhiên
“Đề
thi sẽ tiếp tục ra theo hướng mở và tăng tính thực tiễn để phát huy năng lực
của thí sinh” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định. Ông cho biết chủ trương của
Bộ GD-ĐT là đề thi nằm trong chương trình phổ thông nên ban đề thi sẽ có giáo
viên phổ thông nhiều hơn giáo viên ĐH.
Thí sinh nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ
năm 2014 tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trước
ý kiến lo lắng về việc hí sinh có thể dễ dàng đoán được chủ đề của đề mở, lãnh
đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho biết đối với các
môn khoa học xã hội, việc ra đề thi trước tiên phải bốc thăm chọn chủ đề một
cách ngẫu nhiên, sau đó cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn. Như vậy, các
vấn đề thời sự nóng có thể có trong đề thi nhưng được chọn ngẫu nhiên, cách đặt
vấn đề cũng sẽ có những kỹ thuật riêng để đề thi đáp ứng yêu cầu phân hóa cao.
Ngoài
ra, để bảo mật việc ra đề thi và bảo mật đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, công tác
biên soạn được tổ chức tại một địa điểm biệt lập và vận hành theo quy trình
nghiêm ngặt.
Nói
thêm về sự thay đổi đề thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, tại hội thảo
về đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông,
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đề thi bám sát chương trình không
có nghĩa là không thoát khỏi những tác phẩm đang giảng dạy trong sách giáo
khoa. Theo ông Hiển, quá trình dạy và học sẽ giúp học sinh hình thành khả năng
đọc hiểu, cảm thụ. Đây là năng lực cần đánh giá chứ không phải kiểm tra học
sinh nhớ được những gì. Như vậy, tác phẩm trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ khối
C, D có thể nằm ngoài sách giáo khoa hiện hành nhưng không vượt quá yêu cầu
năng lực của thí sinh.
Phát huy sở
trường của thí sinh
Theo
quy định mới của Bộ GD-ĐT, năm nay, các trường ĐH, CĐ phải công bố môn thi
chính. Đến thời điểm này, 32 trường ĐH, CĐ đã công bố danh sách 231 ngành
học có nhân hệ số môn thi chính trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Đa số trường
đều chọn nhân hệ số đối với các ngành có môn ngoại ngữ và các môn năng khiếu.
Ngoài ra, các trường cũng chọn các môn khoa học như toán, văn, lịch sử, địa lý…
làm môn thi chính
Theo
đánh giá của nhiều chuyên gia, cách thức tuyển sinh này sẽ giúp các trường có
cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp với đặc thù đào tạo. Với cách
này, các trường sẽ tuyển thí sinh có năng lực cao nhất ở một môn thi chính.
Điều đó giúp khắc phục tình trạng thí sinh có điểm cao trong môn thi quan trọng
của khối thi nhưng lại không trúng tuyển vì những môn khác có điểm thấp; ngược
lại, thí sinh có môn phụ được điểm cao lại trúng tuyển dù môn chính có điểm
kém. Cách đổi mới này cũng giúp những thí sinh có năng lực, sở trường riêng có
điều kiện phát huy thế mạnh của mình thay vì phải dàn trải đều ở cả 3 môn thi
như các năm trước đây.
Báo cáo nhanh tình hình tuyển sinh
Bộ GD-ĐT ngày 22-6 cho biết vừa có văn bản gửi các trường
ĐH, CĐ yêu cầu thực hiện chế độ báo cáo nhanh về tình hình tuyển sinh. Theo đó,
trước ngày 25-6, các trường phải báo cáo về bộ tổng số thí sinh đăng ký dự thi
theo từng khối, tổng số điểm thi, phòng thi, cán bộ tham gia công tác tuyển
sinh cũng như họ tên, số điện thoại (cố định và di động) của chủ tịch hội đồng
tuyển sinh.
Cuối buổi làm thủ tục dự thi của mỗi đợt thi và sau 3/4
thời gian làm bài mỗi buổi thi, các trường phải gửi báo cáo nhanh tình hình thi
về Thường trực Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 của Bộ GD-ĐT.
YẾN ANH ( người lao động)