Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Ta phải có lòng tin vào nhau, tin vào đội ngũ” 16/08/2014 09:30:23

 “Ta phải có lòng tin vào nhau, tin vào đội ngũ. Nếu tất cả chính sách của chúng ta đều chỉ nhằm ngăn chặn, chống lại một vài người phá bĩnh thì sẽ lệch lạc, không phát triển được” - chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ ngày 15/8.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Phải tin vào nhau!

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị về đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đại học và công tác đổi mới thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị các Hiệu trưởng thường xuyên quán triệt, chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH, thảo luận rộng rãi trong cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý của trường. Trên cơ sở đó, sẽ có những thảo luận chung cho các khối ngành.

Về các phương án thi mà các ý kiến đại biểu tại hội nghị góp ý và đang bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, Bộ trưởng Luận cho biết: “Có thể nói, những phương án mà chúng ra đang thảo luận đã được chuẩn bị và triển khai từng bước, từ năm 2011 đến bây giờ. Những phương án đó trước khi công bố xin ý kiến rộng rãi cũng đã được nghiên cứu công phu, lấy ý kiến không chỉ trong nội bộ khối phổ thông, đại học, các cán bộ quản lý, thầy cô giáo trong toàn ngành …

Hiện Bộ GD-ĐT đã thành lập các tổ, nhóm để tập hợp ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi, từ đó xử lý thông tin một cách đầy đủ. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn sau hội nghị sẽ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý nhằm có thêm nhiều thông tin hơn nữa để xử lý phương án thi.

Chỉ đạo các đơn vị giáo dục phải nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết 29, Bộ trưởng cho rằng: “Thi tốt nghiệp THPT sẽ không đặt vấn đề giải quyết giáo dục toàn diện, đó là tinh thần cũ trước đây. Sứ mạng của THPT là định hướng, chuẩn bị tốt cho các học sinh theo định hướng nghề nghiệp, phát huy được năng lực, sở trường của các em”.

Bộ trưởng Luận đã đồng tình và xúc động khi nghe một đại biểu phát biểu: "Chúng ta phải có niềm tin. Thế giới đang chấp nhận bằng tốt nghiệp phổ thông của ta. Học sinh Việt Nam tốt nghiệp phổ thông được nhận vào học tại các trường đại học nước ngoài, thế mà chúng ta lại chê là xấu. Người ta tin được, sao chúng ta không tin? Phải chấp nhận hiện thực và tin tưởng những người làm giáo dục. Không lấy số ít để rồi bi quan và ngăn cản. Sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo và sự nghiệp đổi mới mà Đảng đã khởi xướng từ năm 1986 là sự nghiệp của nhân dân, sự nghiệp của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ cán bộ chủ chốt, chỉ khối ĐH thì không thể giải quyết được. Nơi nào có bất cập, bức xúc thì giải quyết, nơi nào có vi phạm thì xử lý, người nào vi phạm thì kỷ luật. Nhưng cũng phải rất bình tĩnh, tránh khái quát...".

“Ta phải có lòng tin và nhau, tin vào đội ngũ. Nếu tất cả chính sách của chúng ta đều chỉ nhằm ngăn chặn, chống lại một vài người phá bĩnh thì sẽ lệch lạc, không phát triển được. Giống như khi ra trận, chúng ta là những tư lệnh, chúng ta phải tin rằng các chiến sĩ ngoài kia đang chĩa súng vào địch, chứ đừng lo họ chĩa súng vào mình…” - Bộ trưởng Luận ví von.

Thí sinh dự thi đại học 2014
Thí sinh dự thi đại học 2014. (Ảnh: Nguyễn Duy)

 

... nhưng không mù quáng!

Bộ trưởng Luận cho biết, trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, cán bộ - đảng viên đi trước, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục là những chiến sĩ tiên phong, đồng thời là những người tham mưu chính cho hệ thống chính trị triển khai mọi hoạt động một cách mạnh mẽ. Nhưng đi thế nào, nhìn lại phải thấy bà con đi theo.

Bộ trưởng Luận phân tích: Tức là chúng ta đi đúng, cuốn hút được các thầy cô giáo, chúng ta phải tin và thuyết phục để đội ngũ thầy cô giáo tin, rồi từ đó người dân tin tưởng. Ai có thể nói rằng không tin kết quả thi tốt nghiệp, nhưng chúng ta, với lương tâm và trách nhiệm của mình - thì không thể nói vậy.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận cho rằng: Tin tưởng nhưng không mù quáng. Chúng ta phải củng cố, siết chặt đội ngũ, loại bỏ cái xấu, cái yếu kém. Các chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển lành mạnh; đồng thời, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Về các phương án thi quốc gia đang bàn luận góp ý, Bộ trưởng Luận cho biết: “Đây là việc không phải lớn nhưng lại tác động trực tiếp đến học sinh, sinh viên, đến rất nhiều người trong xã hội nên cần phải triển khai thực sự nghiêm túc. Bộ tiếp tục tiếp thu ý kiến và lắng nghe một cách cầu thị, xử lý khách quan sau đó báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng và sau đó là Thủ tướng trước khi có quyết định”.

Từ thực tiễn quá trình hình thành, triển khai Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng chia sẻ: Điều tôi thấm thía chính là phải đổi mới nhận thức và tư duy. Quan trọng nhất phải đổi mới nhận thức và tư duy, cả đội ngũ phải thay đổi, toàn Ngành phải thay đổi. Trong đó, những người đứng đầu, lãnh đạo, bao gồm cả lãnh đạo các tổ chức công đoàn và các tổ chức khác phải vào cuộc. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu tiên này, vai trò của những người đứng đầu là rất lớn”.

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các trường ĐH, CĐ nói riêng, cũng như ngành Giáo dục tập trung giải quyết các vấn đề: Về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; việc đầu tư và sử dụng nguồn lực, tự chủ của các trường đại học; đổi mới thi cử, tuyển sinh, xác định rõ hệ thống giáo dục, phân tầng, xếp hạng các trường đại học thế nào...

Về vấn đề đổi mới thi cử, tuyển sinh, phương án một kỳ thi quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng (thi cái gì, thi như thế nào); công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh.


Kỳ thi có 2 mục tiêu vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông, vừa làm căn cứ cho các trường làm công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

 

Trước thực tế tỷ lệ tốt nghiệp THPT hiện rất cao, thì trước mắt, kỳ thi quốc gia nên được thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH. Về lâu dài, khi kiểm soát chất lượng đầu vào các trường ĐH tốt lên, các trường tự chủ hơn và quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra như nhiều nước trên thế giới thì lúc đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đóng vai trò chính (cứ tốt nghiệp THPT là có thể ghi danh vào các trường đại học).


Trong quá trình triển khai có thể nảy sinh vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hành động, “xông vào làm với tinh thần làm đến đâu gỡ đến đấy, không quá cầu toàn”, Phó Thủ tướng nói.


Hồng Hạnh (Dân trí)